Tội ác và trừng phạt
Tại ngày thứ hai (ngày 27/12) phiên tòa xét xử bị cáo Vì Văn Toán và đồng phạm trong vụ sát hại “nữ sinh giao gà” Cao Mỹ Duyên ở Điện Biên, đại diện Viện Kiểm sát đã đề nghị Hội đồng xét xử tuyên mức án tử hình đối với 6 bị cáo. 3 bị cáo còn lại bị đề nghị các mức án từ 2 năm 6 tháng đến 10 năm tù. Đúng kế hoạch thì hôm nay (29/12), Tòa sẽ tuyên án.
Vụ án “nữ sinh giao gà” gây bức xúc kéo dài, kể từ ngày 29 Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019, khi cô nữ sinh Cao Mỹ Duyên bị mất tích, rồi sau đó được biết là đã bị chết thảm. Cái chết oan ức đau đớn ngay trước Tết của nữ sinh phố núi khi tuổi đời còn quá trẻ khiến dư luận căm phẫn. Càng ngày, khi các tình tiết mới của vụ án cứ dày thêm, tội phạm cứ nhiều thêm thì mọi người càng bàng hoàng trước tội ác quá dã man. Đã gần 1 năm rồi nhưng vết thương trong lòng xã hội vẫn không lành. Nỗi đau vẫn còn đó như một nỗi oan khiên.
Việc 6 bị cáo bị Viện Kiểm sát đề nghị tử hình càng cho thấy mức độ nghiêm trọng của vụ việc. Một vụ án có quá nhiều người phải chết. Cô nữ sinh chết oan. 6 kẻ kia (nếu bị tuyên tử hình đền tội) thì con số sẽ là 7. Không ai bênh vực, xót thương gì những kẻ đang tâm cướp đi mạng sống của một con người. Nhưng sự day dứt về vụ việc thì vẫn trở đi trở lại.
Tại sao những kẻ sát hại cô gái kia lại mất tính người đến thế? Cho dù vì bất cứ lý do gì thì cũng không thể hành hạ, cưỡng hiếp, giết chết, vứt xác một con người. Thật đáng lo ngại khi cái ác vẫn tồn tại, khi những kẻ thủ ác không hình dung được mức độ cực kỳ nghiêm trọng trước khi hành động. Nếu biết sẽ bị tử hình, chắc chúng không thể dám cưỡng hiếp, giết người.
Cái ác phải bị trừng trị, đó là sự nghiêm minh của pháp luật, là lẽ của đất trời, mà cũng còn để răn đe những kẻ tà tâm, độc địa. Ngăn chặn cái ác nảy mầm, làm hại xã hội, làm tổn thương tinh thần xã hội - đó phải được coi là việc tối hệ trọng. Phòng chống tội phạm cần phải được đẩy mạnh hơn nữa, phải được làm thường xuyên, liên tục, để thấm sâu vào xã hội, cảnh tỉnh con người, cảnh báo con người phải biết dừng chân trước bờ vực thẳm…
Viết tới đây lại nhớ nhà văn Nga vĩ đại Fyodor Dostoyevsky (1821-1881). Ông được người đời ca tụng là bậc thầy tiểu thuyết tâm lý với câu nói bất hủ “cái đẹp cứu rỗi thế giới”. Người ta cũng đánh giá ông là tiểu thuyết gia bi kịch hàng đầu khi ông mổ xẻ đến tận cùng sự đau đớn thông qua những nhân vật thuộc đủ các tầng lớp khác nhau trong xã hội. Trong các tác phẩm của Dostoyevsky, tiểu thuyết “Tội ác và trừng phạt” ông viết năm 1866 được người đời truyền tụng. “Tội ác và trừng phạt” kể về một sinh viên nghèo đã giết một mệnh phụ già keo kiệt để lấy tiền của bà ta. Người sinh viên nọ tin rằng anh ta đã làm đúng vì nghĩ rằng anh ta tốt đẹp hơn nạn nhân. Nhưng cuối cùng lương tâm đã buộc anh ta phải thú tội…
Cái ác dù không tự nhận ra thì vẫn là cái ác. Vì thế rất quan trọng là phải làm cho người ta nhận ra điều thiện điều ác, không thể nhân danh bất cứ điều gì để được tự cho mình cái quyền ác độc. Vụ án “nữ sinh giao gà” có tới 6 bị cáo bị đề nghị tử hình, thêm một lần nữa cảnh báo về tội ác và trừng phạt. Đó là lẽ công bằng.