Thưởng Tết bằng gì?

H.Vũ 29/12/2019 07:00

Cuối năm, người lao động trông đợi vào khoản tiền thưởng Tết để trang trải, mua sắm và gửi về cho gia đình, không ai mong thưởng bằng sản phẩm của công ty. Tuy nhiên từ ngày 1/1/2021, quy định mới về thưởng, bao gồm thưởng Tết của người lao động trong Bộ luật Lao động 2019 sửa đổi vừa được Quốc hội khóa XIV thông qua, có nhiều thay đổi, trong đó cho phép mở rộng các hình thức thưởng cho người lao động. Thay vì chỉ được thưởng cho người lao động bằng tiền thì trong luật mới mở rộng các hình thức thưởng khác bằng hiện vật như chính hàng hóa, dịch vụ của doanh nghiệp. Vấn đề này đã nhận được sự lo lắng của nhiều người lao động và những người làm chính sách.

Thưởng Tết bằng gì?

Hình ảnh minh họa.

“Thiệt đơn, thiệt kép”

Thời điểm cuối năm, vấn đề thưởng Tết chưa bao giờ hết nóng. Năm nay, chuyện thưởng Tết lại càng được chú ý hơn, khi Bộ luật Lao động sửa đổi vừa được thông qua có nhiều thay đổi về hình thức thưởng của người chủ sử dụng lao động đối với người lao động. Cụ thể, Điều 104 Bộ luật Lao động 2019 sửa đổi quy định: “Thưởng là số tiền hoặc tài sản hoặc bằng các hình thức khác mà người sử dụng lao động thưởng cho người lao động căn cứ vào kết quả sản xuất, kinh doanh, mức độ hoàn thành công việc của người lao động”. Đến thời điểm này, dù Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã yêu cầu các Sở Lao động, Thương binh và Xã hội báo cáo về tình hình lương thưởng Tết năm 2020, song trước việc quy định về thưởng Tết bằng hiện vật đã gây nên những lo lắng, tâm tư nhất định của người lao động. Bởi thực tế nhìn từ việc thưởng Tết trong những năm qua cho thấy, ngay cả khi chưa có quy định này thì nhiều doanh nghiệp vẫn áp dụng hình thức thưởng hiện vật, dịch vụ cho người lao động. Đơn cử có doanh nghiệp may mặc ở Hà Nội đã thưởng cho nhân viên 70 cái quần đùi vào dịp Tết Nguyên đán; doanh nghiệp sản xuất gạch thưởng 200 viên gạch cho công nhân; có doanh nghiệp cũng đã thưởng cho nhân viên 10 bịch giấy vệ sinh trị giá 300 nghìn đồng.

Trao đổi với chúng tôi, PGS.TS Vũ Quang Thọ - nguyên Viện trưởng Viện Công nhân công đoàn, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam - cho rằng: Về mặt lý thuyết các nhà khoa học kinh tế đã nói rằng “thưởng bằng hiện vật, sự thỏa dụng, tức sự thỏa mãn nhu cầu của công nhân lao động thấp hơn so với thưởng bằng tiền để thỏa mãn nhu cầu rộng và nhiều hơn”. Nhất là đồng tiền có giá trị trong thực tế. Còn về thực tiễn, nếu thưởng Tết bằng hiện vật sẽ đẩy công nhân lao động vào tình cảnh khó khăn. Đưa ra dẫn chứng trong phiếu khảo sát của Viện Công nhân công đoàn cho thấy gần 90% ý kiến người lao động bày tỏ không muốn thưởng bằng hiện vật, chỉ muốn thưởng bằng tiền. Ông Thọ cho rằng: Thực tiễn cho thấy, khi nhận thưởng Tết bằng hiện vật, người lao động phải chuyển đổi thành tiền. Như trường hợp tại Hà Nam và Ninh Bình, người lao động phải chuyển đường ăn thành tiền. Giá đường là 17 nghìn đồng/ 1kg nhưng chỉ có thể bán được 15 nghìn đồng/ 1kg. Do đó thưởng bằng hiện vật khiến công nhân lao động “thiệt đơn, thiệt kép”. Nếu thưởng bằng hiện vật một số doanh nghiệp đã biến người lao động trở thành “thị trường mua hàng” của họ. Công nhân lao động không thể mang thuốc trừ sâu, phân bón... về ăn Tết. Đó chỉ là dẫn chứng nhỏ nhưng nói lên rằng thưởng bằng hiện vật không đem lại giá trị lớn” - ông Thọ cho hay.

Còn ông Bùi Sỹ Lợi - Phó Chủ nhiệm Ủy ban về Các vấn đề về xã hội của Quốc hội - cho rằng, đã gọi là thưởng thì không nên thưởng bằng hiện vật. Khi tặng bằng hiện vật những thứ người lao động không cần hoặc không ưa thích thì sẽ không có giá trị. Nhiều sản phẩm người lao động phải mang bán để quy đổi thành tiền, song cũng không giữ được giá trị như ban đầu. Doanh nghiệp có mức thưởng cao thì rất hoan nghênh, nhưng những doanh nghiệp thưởng kiểu cho có thì không nên.

Cần có sự trao đổi với người lao động

Là vấn đề “nóng” đang được đặt ra khi trong bối cảnh hiện nay giá một số mặt hàng có dấu hiệu nhích lên, vậy vấn đề thưởng Tết cho người lao động cần được tháo gỡ như thế nào? Đồng thời một số đối tượng thù địch đã lợi dụng chuyện này để tung tin lên mạng xã hội rằng Nhà nước không quan tâm chăm lo cho người lao động. Từ vấn đề trên, đưa ra hướng để xử lý, ông Thọ đề xuất phương án: Khi doanh nghiệp tiến hành thưởng cho người lao động bằng hiện vật thì nên có sự trao đổi, thương lượng trực tiếp với Chủ tịch Công đoàn - đại diện cho tập thể những người lao động. Lúc đó Chủ tịch Công đoàn sẽ nói lên tiếng nói của tập thể người lao động và ý chí của họ sẽ tác động đến hành động của doanh nghiệp. Nếu không dễ dẫn đến bất đồng quan hệ lao động, dẫn đến đổ vỡ, và có thể xảy ra các cuộc biểu tình về lao động.

Dù chưa có báo cáo chính thức về thưởng Tết năm 2020, nhưng trước việc hiện đang có sự chênh lệch lớn trong thưởng Tết khi có nơi được thưởng tiền tỷ còn nơi chỉ 30 nghìn đồng đến 200 ngàn đồng, ông Thọ cho rằng: Thưởng Tết luôn có sự chênh lệch, cũng giống như mức lương trả cho người lao động, có người “ở lưng chừng trời”, còn có người “ở dưới mặt đất”. Cho nên phải chấp nhận việc doanh nghiệp nào phát triển và nghĩ đến công nhân thì sẽ thưởng cao, còn một số nơi ít nghĩ đến công nhân nên phần thưởng thấp, nhất là các doanh nghiệp khó khăn thậm chí không có thưởng và người lao động cũng phải chấp nhận. Ông Thọ cũng đưa ra khuyến cáo: Đối với các doanh nghiệp, nếu thưởng ít quá dễ dẫn đến đổ vỡ trong quan hệ lao động nhất là sau khi dịp Tết. Bởi thưởng Tết cũng là cách để giữ chân người lao động, doanh nghiệp nào thưởng nhiều, trả đầy đủ sẽ đủ điều kiện giữ chân người lao động làm việc sau dịp Tết. Còn thưởng thấp, nợ lương là tiền đề để báo cho người lao động biết có lẽ trong tương lai họ sẽ “chia tay” với doanh nghiệp.

Đưa ra hướng gỡ, ĐB Nguyễn Ngọc Phương - Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình - cho rằng: Hiện nay Bộ luật Lao động sửa đổi chưa có hiệu lực, bắt đầu có hiệu lực từ 1/1/2021. Do đó Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cần có hướng dẫn trong quá trình thực hiện. Tùy theo từng nơi cơ quan, doanh nghiệp sẽ thỏa thuận với người lao động để có thể thưởng bằng tiền hoặc hiện vật. Nếu thưởng bằng hiện vật có thể áp dụng quy đổi ra tiền. “Như thế mọi việc sẽ thông hơn, làm sao đảm bảo phù hợp với tình hình thực tế nhu cầu của người lao động. Tránh việc một số đối tượng đã lợi dụng để tung tin gây hoang mang cho dư luận xã hội. Ví dụ, doanh nghiệp sản xuất gạch ngói tại Bình Dương nhưng quê của người lao động ở Quảng Bình, nếu thưởng bằng gạch ngói thì không phù hợp do đó tùy theo từng trường hợp trong thực tế để áp dụng cho phù hợp”. Theo ông Lợi, hiện nay nhiều doanh nghiệp cũng đang rơi vào tình trạng khan hiếm lao động. Do đó nếu không có chế độ đãi ngộ tốt, người lao động sẽ không quay trở lại làm việc tại doanh nghiệp sau Tết Nguyên đán. Hơn nữa tiền thưởng Tết khả quan thì người lao động sẽ có động lực làm việc, gắn bó lâu dài với doanh nghiệp và tạo ra động lực phát triển cho nền kinh tế của đất nước.

Trong khi đó, ông Doãn Mậu Diệp - nguyên Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đưa ra đánh giá: Ngoài tiền mặt, doanh nghiệp trong nước đã và đang có nhiều hình thức khuyến khích người lao động, gồm thưởng cổ phiếu, các chuyến tham quan du lịch, các dịch vụ khác. Thậm chí hình thức thưởng còn là các hiện vật có giá trị như tủ lạnh, tivi, ôtô hay xe máy. Tuy nhiên, việc quyết định hình thức thưởng ra sao còn phải được sự đồng thuận của đại diện người lao động tại cơ sở. Cho nên việc thưởng bằng hiện vật hay tiền mặt cần có sự thảo luận với người lao động. “Không thể có chuyện cuối năm doanh nghiệp tự áp dụng thưởng cho người lao động bằng gạch hay sản phẩm gần hết hạn sử dụng, như dư luận vài năm trước từng nêu ở đâu đó” - ông Diệp cho hay.

Theo các chuyên gia về lao động, để tránh tình trạng doanh nghiệp phá vỡ cam kết, trốn tránh nghĩa vụ hoặc tùy nghi thưởng theo ý mình, Chính phủ cần quy định cụ thể thưởng bằng tài sản thì đó là tài sản gì, cần có hướng dẫn chi tiết, cụ thể để người lao động và người sử dụng lao động dễ vận dụng. Đặc biệt, thưởng và hình thức trả thưởng phải được quy định rõ trong quy chế thưởng hay thỏa ước lao động tập thể của doanh nghiệp, đồng thời cho phép người lao động được lựa chọn hình thức thưởng hoặc có quyền từ chối nhận thưởng nếu thấy không phù hợp.

H.Vũ