Khoa học công nghệ là động lực cạnh tranh
Lạm phát được kiểm soát ở mức thấp, chỉ số giá tiêu dùng CPI bình quân năm 2019 chỉ tăng 2,79%, thấp nhất trong 3 năm qua, đặc biệt, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa lần đầu tiên vượt qua mốc 500 tỷ USD. Bức tranh kinh tế 2019 khép lại với nhiều gam màu sáng, và đây sẽ là tiền đề để kinh tế Việt Nam tiếp tục bứt phá trong năm 2020.
Doanh Nghiệp Việt nam cần đầu tư vào công nghệ để nâng cao sản xuất, tăng năng lực cạnh tranh.
Những điểm sáng
Điểm lại bức tranh kinh tế 2019, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Bích Lâm nhận định: Kinh tế năm 2019 khởi sắc trên cả ba khu vực sản xuất; chất lượng tăng trưởng và môi trường đầu tư kinh doanh được cải thiện, doanh nghiệp (DN) thành lập mới tăng mạnh; nền tảng kinh tế vĩ mô được củng cố và từng bước được tăng cường; tăng trưởng GDP năm 2019 đạt 7,02%. Trong bối cảnh tình hình thế giới năm qua biến động phức tạp, kinh tế và thương mại toàn cầu suy giảm, bức tranh kinh tế - xã hội Việt Nam năm 2019 đã đạt được những kết quả tích cực nhờ sự nỗ lực, quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị cũng như cộng đồng DN, nền kinh tế duy trì đà tăng trưởng cao, tăng trưởng GDP năm 2019 ước tính đạt 7,02%. Đây là năm thứ hai liên tiếp trong giai đoạn chiến lược 10 năm nền kinh tế đạt mức tăng trưởng trên 7%, vượt mục tiêu đề ra; quy mô được mở rộng với chất lượng ngày càng được cải thiện. Đáng chú ý, ngành Công nghiệp Chế biến, Chế tạo tiếp tục đóng vai trò chủ chốt, dẫn dắt nền kinh tế tăng trưởng với mức tăng 11,29%, có sự tăng trưởng đều qua các quý, quý sau cao hơn quý trước và tăng trưởng ở hầu hết các ngành. Bên cạnh đó, khu vực dịch vụ đạt mức tăng trưởng 7,3%, cao hơn tốc độ tăng trưởng của toàn nền kinh tế; trong đó các ngành dịch vụ thị trường có mức tăng cao 8,41%, là động lực chính cho tăng trưởng năm nay của Việt Nam. Lạm phát được kiểm soát ở mức thấp, chỉ số giá tiêu dùng CPI bình quân năm 2019 chỉ tăng 2,79%, thấp nhất trong 3 năm qua.
Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa lần đầu tiên vượt qua mốc 500 tỷ USD. Đặc biệt là sự phát triển mạnh mẽ của kinh tế trong nước đối với lĩnh vực xuất khẩu khi có tốc độ tăng trưởng đạt 17,7%, cao hơn rất nhiều tốc độ tăng 4,2% của khu vực FDI.
Năm 2019 chứng kiến mức kỷ lục về số DN thành lập mới với trên 138.000 DN. Điểm nhấn ở chỗ: Nếu như mọi năm số vốn đăng ký bình quân một DN dưới 10 tỷ đồng thì năm 2019, bình quân vốn của DN gia nhập thị trường là 12,5 tỷ đồng, mức cao nhất từ trước đến nay. Điều này cho thấy, nội lực DN đã mạnh lên rất nhiều.
Cũng theo ông Lâm, tăng trưởng kinh tế còn được hỗ trợ tốt nhờ vào việc thu hút tốt nguồn vốn đầu tư nước ngoài (FDI), năm 2019 với tổng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam bao gồm vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 38 tỷ USD, tăng 7,2% so với năm 2018.
Thúc nội lực bằng khoa học công nghệ
Tuy nhiên, dự báo năm 2020, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê nhìn nhận: Nền kinh tế đất nước vẫn còn không ít khó khăn, hạn chế và tiếp tục đối mặt với những thách thức mới như chăn nuôi lợn trong năm 2019 chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch tả lợn châu Phi trên tất cả địa phương. Biến đổi khí hậu, hạn hán, nắng nóng kéo dài, an ninh nguồn nước ảnh hưởng tới năng suất, sản lượng cây trồng, tác động tới sản xuất và đời sống nhân dân năm 2020. Nền kinh tế phụ thuộc nhiều vào bên ngoài, mọi biến động của thế giới cũng tác động đến nền kinh tế trong nước, trong khi khả năng chống chịu trước những biến động của bên ngoài còn hạn chế. Đây sẽ là yếu tố ảnh hưởng đến xuất khẩu nông sản năm tới.
Với cộng đồng DN, vẫn cần phải nhìn nhận, năng lực của khu vực DN trong nước, nhất là DN nhỏ và vừa còn hạn chế, sức cạnh tranh chưa cao… Đó chính là những thách thức không nhỏ đối với nền kinh tế trong năm tới.
Giới chuyên gia kinh tế cũng nêu quan điểm: Nhìn vào diễn biến của kinh tế thế giới có thể thấy, kinh tế 2020 sẽ tiềm ẩn nhiều rủi ro, đặc biệt là cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung sẽ có những ảnh hưởng, tác động không nhỏ đến kinh tế Việt Nam. Chính bởi vậy, để năm 2020 đạt được mục tiêu GDP tăng 6,8%, chỉ số giá tiêu dùng 4%, xuất nhập khẩu tăng 7%, cơ quan quản lý, các bộ, ngành, lãnh đạo địa phương cần tiếp tục những nỗ lực trong cải cách thể chế, môi trường kinh doanh, đặc biệt giải pháp để nâng cao năng suất lao động phải đặt lên hàng đầu.
Nói đến con số kim ngạch xuất nhập khẩu đạt mức kỷ lục với trên 500 tỷ USD năm 2019, chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu cho rằng: Đây là con số ấn tượng cho thấy nội lực của chúng ta đã mạnh lên, đó là nhờ nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh, cắt giảm thủ tục hành chính rườm rà của nhà quản lý. Song, hội nhập, tham gia nhiều FTA thế hệ mới, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam phải được nâng cao chất lượng để đáp ứng những chuẩn mực quốc tế, vì thị trường quốc tế sẽ ngày càng đưa ra nhiều điều kiện khắt khe hơn khi cánh cửa hội nhập được mở rộng và sâu hơn. “Với sự cạnh tranh về chất lượng ngày càng gay gắt cả ở trong nước cũng như thị trường quốc tế, các DN Việt Nam cần phải đầu tư mạnh hơn nữa vào công nghệ, áp dụng khoa học tiên tiến vào sản xuất, vì thời kỳ của cách mạng công nghiệp 4.0 không còn chỗ cho những DN sử dụng máy móc lạc hậu, cũ kỹ…” – ông Hiếu nói.
Tại Hội nghị tổng kết ngành công thương diễn ra cuối tuần qua, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nói đến vai trò của khoa học công nghệ đối với sự phát triển của nền kinh tế và nhấn mạnh: “Cần lấy khoa học công nghệ làm động lực và cạnh tranh, phải coi cách mạng công nghiệp 4.0 là cơ hội cho khát vọng phồn vinh của dân tộc”.