Lệch lạc cúng xóm cuối năm
Chưa đầy một tháng nữa là kết thúc năm âm lịch Kỷ Hợi, bước sang năm mới Canh Tý 2020. Từ thời điểm này, nhiều khu vực dân cư (thôn, xóm, tổ dân phố) các tỉnh miền Trung, miền Nam, chộn rộn với việc “cúng xóm” cuối năm. Không có gì để chê trách hay phê phán lệ cúng xóm bởi ngoài yếu tố tâm linh, đây là dịp để mọi nhà, mọi người ngồi lại, ấm áp, thân thương bên mâm cơm cuối năm trong tình làng nghĩa xóm. Tuy nhiên, lệch lạc trong cúng xóm đã khiến phong trào này không chỉ mất đi nét đẹp mà còn trở thành hệ lụy trong đời sống dân cư
Rất nhiều năm nay, Đà Nẵng phổ biến việc đặt bàn thờ, lễ vật cúng tạ chư thần thổ địa, thành hoàng khai khẩn, cầu tài lộc, bình an cho năm mới tại ngã ba và ở giữa các tuyến đường giao thông công cộng. Để có bàn thờ tươm tất và tiệc vui cuối năm, nhiều ngày trước, tổ trưởng dân phố (TTDP) và trưởng thôn đến từng hộ gia đình vận động, quyên góp. Tiền quyên góp được dùng vào các việc như làm cổng chào chúc mừng năm mới, treo kết đèn xanh đỏ nhấp nháy trong khu dân cư, mua hương hoa lễ vật, thuê dàn nhạc kèm loa thùng công suất lớn. “Vô loa thùng bất thành cúng xóm”, đây là một thực tế luôn diễn ra ở Đà Nẵng vào dịp năm hết tết đến. TDP này thuê được loa thùng to thì TDP cận kề cũng phải cố cho bằng được dàn loa thùng to hơn. Tiệc cúng xóm biến thành “bữa tiệc” kinh hoàng của âm thanh.
Theo số liệu mới nhất của Sở Nội Vụ Đà Nẵng: Sau khi sắp xếp tinh giản theo Nghị quyết số 108/NQ-HĐND, Đà Nẵng giảm được 2.965 TDP, chỉ còn 2.784 TDP (gồm 12 TDP dưới 50 hộ, 2.603 TDP có từ 50 đến 90 hộ, 169 TDP trên 90 hộ). Như vậy từ nay đến ngày cận Tết Nguyên đán, sẽ có gần 3.000 lễ cúng xóm cùng đi kèm với “đại tiệc âm thanh” kinh hoàng diễn ra ở các quận huyện nội thành. Không chỉ TDP cúng xóm mà gần 200 khu chung cư, nhà ở xã hội trên địa bàn Đà Nẵng cũng quyên góp cúng xóm và thuê dàn âm thanh công suất lớn về góp vui. Rất khó ngăn nạn loa thùng tra tấn khu dân cư vào dịp cuối năm một khi nó bị biến tướng trở thành trào lưu; nhiều người chỉ còn biết vin vào các lý do khác nhau để từ chối tham dự bữa cơm cuối năm trong tình làng nghĩa xóm bởi có ngồi lại cũng chỉ biết…nhìn mồm nhau mà gật gật trong tiếng loa mở to hết cỡ!
Để ngăn chặn vấn nạn ô nhiễm môi trường âm thanh, trong năm 2019, Cảnh sát môi trường (CSMT), Công an TP Đà Nẵng thực hiện các đợt kiểm tra chuyên đề, đo tiếng ồn âm thanh. Theo báo cáo của Phòng CSMT Đà Nẵng tại Hội nghị sơ kết cao điểm ra quân tuyên truyền, kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về tiếng ồn trên địa bàn Đà Nẵng, tổ chức vào ngày 26/12 vừa qua: Từ giữa năm 2019 đến nay, CSMT ghi nhận, lên danh sách 813 tổ chức, cá nhân có dấu hiệu vi phạm quy định môi trường âm thanh. CSMT cũng nhắc nhở 816 trường hợp, phạt hành chính 40 trường hợp vi phạm các quy định về tiếng ồn (theo Nghị định số 155/2016/NĐ-CP) và vi phạm các quy định về sự yên tĩnh chung (theo Nghị định số 167/2013/NĐ-CP). Kiểm tra, đo tiếng ồn của CSMT Đà Nẵng thu được kết quả bước đầu là giảm bớt âm lượng quá cỡ từ nhà hàng, quán nhậu, quán karaoke, loa kẹo kéo trên các tuyến phố chứ chưa thể ngăn chặn được vấn nạn ô nhiễm âm thanh tại TDP, thôn, xóm thuộc 7 quận, huyện của TP này.
Có vị cao niên ưu tư nói mộc mạc rằng: Người Quảng Nam, người Đà Nẵng gọi chuyện hát hò vô tổ chức ni là “sướng sảng” (tạm gọi là…sướng vô ý thức). Một vị nguyên là cán bộ lãnh đạo của tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng những năm sau chiến tranh, đồng thời cũng là nhà nghiên cứu văn hóa - lịch sử đã không giấu nổi sự chua chát khi nhìn nhận vào thực tế phi văn hóa trong các điệp khúc thúc ép nhau uống rượu “một hai ba…zdô!!!” rồi đến chuyện hát, chuyện gào karaoke không chỉ trong lễ cúng xóm cuối năm mà cả 365 ngày tại nhiều khu dân cư. Theo vị lãnh đạo này thì nhiều năm qua, Đà Nẵng mải mê phát triển hạ tầng đô thị nên vô tình lướt qua những cái gì thuộc về gốc rễ, nền tảng tinh thần của cộng đồng dân cư lao động nông nghiệp, ngư nghiệp. Quá trình đô thị hóa diễn ra rất nhanh, khiến hàng vạn hộ nông dân, ngư dân bỗng chốc trở thành hộ gia đình thị dân, thụ hưởng văn minh đô thị trong khi chưa có giai đoạn chuyển tiếp, chuẩn bị hành trang để đón nhận nó nên không có gì là khó hiểu khi sinh ra lệ “cúng xóm” hoàn toàn xa lạ với truyền thống văn hóa, đạo lý của làng quê, thành thị Việt Nam.
Khoảng 5 năm trước, tại cuộc họp báo thường kỳ, tôi đã nêu câu hỏi với Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng về vấn nạn ô nhiễm môi trường âm thanh do karaoke, loa thùng tại khu dân cư và tiếng hò hét “một hai ba zdô!” trong các quán nhậu - đặc biệt là vào mỗi dịp cuối năm nhưng chỉ nhận được câu trả lời đầy thiện ý là mong mọi người cùng đưa ra sáng kiến. Những tháng cuối năm 2019, vấn nạn ô nhiễm môi trường âm thanh do loa thùng tại TDP, khu dân cư của Đà Nẵng càng trở nên bức xúc hơn qua các phản ánh của người dân trên mạng xã hội.
Chia sẻ với tôi, một lão thành từng qua các cương vị lãnh đạo của Đà Nẵng cho rằng, Tổ trưởng dân phố, Trưởng ban Công tác Mặt trận là những người có tiếng nói quyết định để lệ cúng xóm cuối năm dần dà trở thành nét đẹp của khu vực dân cư. Mọi người cùng góp mặt bên nhau, ấm đậm tình nghĩa xóm giềng trong bữa cơm cúng xóm cuối năm là việc nên làm nhưng sự “cúng” của các tổ dân phố ở TP Đà Nẵng không dừng lại ở đó mà đã bị biến thành những bữa tiệc khủng bố kinh hoàng bằng âm thanh.