Công nghiệp phụ trợ phải khỏe

Minh Phương 31/12/2019 08:00

Phát triển công nghiệp là động lực cho tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững, đặc biệt là trong xu thế hội nhập kinh tế quốc tế. Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, ngành công nghiệp phụ trợ hiện nay vẫn chưa thực sự “khỏe” để thúc đẩy công nghiệp bứt phá.

Báo cáo của Bộ Công thương cho biết, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp năm 2019 ước tính tăng 9,1%, vượt chỉ tiêu kế hoạch đặt ra cho toàn ngành từ đầu năm (tăng 9%). Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo duy trì đà tăng trưởng (ước tăng 10,5% so với năm 2018), phù hợp với định hướng tái cơ cấu mô hình tăng trưởng của toàn ngành công nghiệp và là tiền đề tốt cho mục tiêu chỉ số sản xuất công nghiệp năm 2020 sẽ tăng từ 9% - 10% so với năm 2019.

Theo đánh giá của giới chuyên gia, trong mức tăng trưởng của toàn nền kinh tế năm 2019, khu vực công nghiệp ước tăng khoảng 9,1% đạt mục tiêu kế hoạch đề ra. Đây là mức tăng khá cao, thể hiện tính gia công trong ngành công nghiệp ngày càng giảm, tỷ lệ nội địa hóa, khả năng chủ động tận dụng nguồn nguyên liệu trong nước của một số ngành trong sản xuất chế biến đang dần được nâng cao.

Nắm rõ phát triển công nghiệp là bàn đạp để thúc đẩy kinh tế địa phương, thời gian qua, nhiều tỉnh, thành phố đã tập trung thu hút đầu tư vào công nghiệp. Bắc Giang là một trong những địa phương đã và đang có lực hút mạnh đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp. Theo ông Dương Văn Thái, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang, tỉnh luôn xác định phát triển công nghiệp là động lực cho tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững, đặc biệt là trong xu thế hội nhập kinh tế quốc tế. Chính bởi vậy, nhiều năm trở lại đây, Bắc Giang đã tập trung đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và tranh thủ phát huy lợi thế của địa phương để thu hút đầu tư phát triển công nghiệp.

Thu hút đầu tư FDI của Bắc Giang nhiều năm qua luôn nằm trong tốp các tỉnh dẫn đầu cả nước, đây là yếu tố thúc đẩy tăng trưởng công nghiệp của tỉnh Bắc Giang luôn ở mức cao từ 28%- 30 %/năm.

Theo Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc: Mặc dù Bộ Công thương thời gian qua tập trung nhiều cho nhiệm vụ này, nhưng đối với lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ vẫn chưa thành công. Theo vị Chủ tịch VCCI, việc thu hút đầu tư FDI vào lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ vẫn chưa kết nối được với khu vực doanh nghiệp (DN) trong nước, khiến nội lực của DN nội chưa mạnh, do đó chưa tạo ra được giá trị gia tăng cho sản phẩm công nghiệp. Và khi giá trị sản phẩm công nghiệp chưa cao, doanh nghiệp vừa và nhỏ sẽ không thể phát triển được.

“Cần có động lực mới cho phát triển công nghiệp hỗ trợ trong thời gian tới và điều này phụ thuộc rất lớn vào vai trò “cầm lái” của Bộ Công thương” - Chủ tịch VCCI nêu quan điểm và nói rõ, nếu ngành công nghiệp hỗ trợ có chính sách tốt để thúc đẩy phát triển sẽ tạo nền tảng để các DN Việt có nội lực mạnh, từ đó có thể sự tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Minh Phương