Món ăn từ... cọ
Phú Thọ là vùng đất có rất nhiều cây cọ. Chính bởi vậy, nhiều món ăn được bà con chế biến từ nguyên liệu chính khai thác từ cây cọ. Bên cạnh cơm nắm lá cọ còn có xôi cọ, tằm cọ…
Cơm nắm lá cọ.
Cơm nắm vốn là thức ăn không cầu kì, hoa mĩ thường được bà con miền xuôi lẫn miền ngược mang đi trong những chuyến đi rừng, đi rẫy, ra đồng xa cấy lúa… Ở mỗi vùng, cơm nắm lại được bà con chế biến khác nhau. Với người Phú Thọ, cơm nắm được bà con gói trong lá cọ chặt ở vườn nhà, đồi nhà; chứa đựng tất cả nét văn hóa, cả phong tục tập quán của miền đất cọ này.
Nguyên liệu quan trọng để làm món này gồm có cơm và lá cọ. Cơm muốn ngon thì phải dùng gạo đầu mùa vừa được thu hoạch thì cơm mới dẻo. Ngoài ra, để có được mẻ cơm trắng, những nắm cơm vừa dẻo, ăn ngọt và thơm, người dân huyện Phù Ninh còn có bí quyết trong việc chế nước nấu cơm. Lượng nước nấu phải nhiều hơn so với nấu cơm ăn hằng ngày, đặc biệt phải dùng nước mưa đựng trong những chiếc bể cũ ngoài trời mới ngon. Còn lá cọ thì phải lấy những tàu lá cọ vẫn còn bánh tẻ. Đó là những tàu lá cọ chưa xòe hết tán, xanh mướt. Tiếp đó, lá cọ đem về được vệ sinh sạch sẽ, hơ qua lửa cho mềm, rồi lại lau sạch để nắm cơm.
Trước khi nắm phải dùng khăn mặt ướt hoặc tay nhúng nước lạnh nắm tròn lại, lăn kỹ nắm cơm cho thật nhuyễn đến khi nào hạt cơm không còn nguyên vẹn và dính quyện vào nhau thành một khối. Bỏ khối cơm vào trong lòng lá cọ túm lại, lăn đi lăn lại lần nữa cho thật chặt.
Từng nắm cơm với những viền sọc được tạo hình từ lá cọ đượm thơm mùi gạo quê quyện với chút hương của lá cọ. Bẻ đôi nắm cơm chấm với muối vừng, muối sả đều ngon…
Bên cạnh cơm nắm lá cọ, đất Tổ Phú Thọ còn có món xôi cọ. Cũng là một món ăn dân dã, nhưng bà con người Tày tại xã Bảo Yên (Thanh Thủy, Phú Thọ) lại như thổi hồn vào món ăn này, để món ăn bình dị cất lên hương vị ẩm thực độc đáo. Theo đó, tháng 11 - 12 âm lịch là mùa cọ chín, người dân lại bắt tay chế biến món ăn lâu đời đã trở nên thân thuộc với vùng quê nơi đây.
Để có được món xôi cọ ngon miệng, nguyên liệu cần phải có là gạo nếp nương và cọ ỏm. Người ta thường chọn các quả cọ nếp có vị béo và ngậy. (Cọ tẻ cũng có thể làm được xôi nhưng thường không ngậy và dẻo). Sau khi ỏm xong, cọ được tách ra lấy phần thịt màu vàng để nấu xôi.
Gạo nếp dùng để nấu cũng phải được chọn kỹ thì xôi mới dẻo, thơm, hạt bóng mẩy. Gạo được ngâm nước qua đêm sau đó vo sạch, sau đó đồ chín trong chõ gỗ thành xôi. Xôi chín, người ta lấy thịt quả cọ trộn đều với xôi.
Thao tác trộn xôi phải thật nhuyễn, đều tay, càng trộn nhuyễn càng ngon, từ màu xôi trắng phải chuyển sang màu vàng óng của thịt cọ. Tinh dầu cọ ngấm vào xôi tạo thành một màu rất đẹp, hương thơm của gạo nếp và cọ tỏa mùi thơm nức.
Khi ăn, thực khách có thể chấm xôi cọ với muối vừng, ban đầu sẽ cảm nhận một chút vị chát, đắng nhưng càng ăn càng thấy hương vị riêng biệt này thật quyến luyến, không lẫn với những loại xôi khác…