Dân số và chất lượng cuộc sống

Phan Quang Vũ 30/12/2019 08:00

Cách đây 58 năm, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) ban hành Quyết định 216/CP ngày 26/12/1961 về hướng dẫn sinh đẻ có kế hoạch và chăm sóc sức khoẻ bà mẹ, trẻ em. Ngày 19/5/1997, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định lấy ngày 26/12 hàng năm làm Ngày Dân số Việt Nam.

Quyết định số 216/CP (ngày 26/12/1961) đánh dấu sự ra đời của công tác Dân số và Kế hoạch hóa gia đình được triển khai thực hiện ở nước ta. Quyết định nêu rõ mục tiêu của việc hướng dẫn sinh đẻ là vì sức khỏe của người mẹ, vì hạnh phúc và hòa thuận gia đình, để cho việc nuôi dạy con cái được chu đáo.

Từ văn bản đầu tiên là Quyết định 216-CP, sau này Nhà nước đã tiếp tục ban hành nhiều văn bản mang tính toàn diện hơn, giúp cho việc triển khai thực hiện công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình đạt hiệu quả cao, như Nghị quyết Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VII, ngày 14/1/1993, rồi đến Chiến lược Dân số và Kế hoạch hóa gia đình đến năm 2000. Sau đó là Chiến lược Dân số Việt Nam giai đoạn 2001 – 2010 ban hành ngày 22/12/2000, Pháp lệnh Dân số năm 2003, Nghị quyết 47/NQ-TW, ngày 22/3/2005 của Bộ Chính trị về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện chính sách dân số và kế hoạch hóa gia đình; Pháp lệnh 08 sửa đổi Điều 10 Pháp lệnh Dân số… Đây là hành lang pháp lý đảm bảo cho việc triển khai thực hiện chính sách dân số và kế hoạch hóa gia đình đạt hiệu quả.

Tất cả những văn bản quy định đó đều nhắm tới mục tiêu ổn định quy mô dân số, cơ cấu dân số và phân bổ dân cư hợp lý; từng bước nâng cao chất lượng dân số, nâng cao chất lượng cuộc sống.

Theo Tổng điều tra dân số năm 2019, hiện cả nước có hơn 96,2 triệu dân, là quốc gia đông dân thứ 15 thế giới, thứ 3 Đông Nam Á (sau Indonesia và Phillipines) và có tỷ lệ cư dân thành thị thấp hơn so với tốc độ đô thị hóa.

Phát biếu tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc công bố kết quả sơ bộ cuộc Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019 (ngày 11/7), Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết cuộc tổng điều tra dân số vào tháng 4/2019 có quy mô lớn nhất từ trước đến nay và có kết quả sơ bộ được công bố nhanh chóng so với năm 2009. Đây cũng là lần đầu tiên Tổng cục Thống kê ứng dụng công nghệ thông tin vào thực hiện các quy trình thu thập, tổng hợp và xử lý số liệu.

Kết quả cuộc tổng điều tra cho thấy, trong số 96,2 triệu người cả nước thì có hơn 47,8 triệu nam giới và 48,3 triệu nữ giới. Chỉ số giới tính trung bình cả nước là 99,1 nam/100 nữ; khu vực thành thị là 96,5 nam/100 nữ; khu vực nông thôn là 100,5 nam/100 nữ.

So với kết quả điều tra dân số năm 2009, Việt Nam tăng hơn 10 triệu dân (có nghĩa là trung bình mỗi năm tăng 1 triệu dân).

Sau 10 năm tính từ cuộc tổng điều tra dân số năm 2009, mật độ dân số của Việt Nam tăng từ 269 người/km2 lên 290 người/km2. Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh là 2 địa phương có mật độ dân số cao nhất cả nước với 2.398 người/km2 và 4.363 người/km2. Dân số khu vực thành thị ở Việt Nam là 33 triệu, khu vực nông thôn 63,1 triệu người. Cả nước có 26,8 triệu hộ dân cư, tăng 4,4 triệu hộ so với năm 2009. Đây được đánh giá là giai đoạn có tỷ lệ tăng quy mô hộ gia đình thấp nhất trong vòng 40 năm qua.

Kết quả tổng điều tra dân số cũng cho thấy sự phân bố dân cư giữa các vùng kinh tế - xã hội cũng có sự khác biệt đáng kể. Theo đó, vùng đồng bằng sông Hồng là nơi tập trung dân cư lớn nhất cả nước với 22,5 triệu dân, chiếm gần 23,4% dân số cả nước. Tiếp đến là vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung với 20,3 triệu người, chiếm 21%. Tây Nguyên là nơi có ít dân cư sinh sống nhất với tổng dân số là 5,8 triệu người, chiếm 6,1% dân số cả nước. Tính đến tháng 4/2019, toàn quốc còn khoảng 4.800 hộ không có nhà ở, trung bình cứ 10.000 hộ dân cư thì có 1,8 hộ không có nhà.

Tuy tốc độ tăng dân số đã chậm lại (so với giai đoạn 10 năm trở về trước) nhưng so với mật độ dân số thì nước ta là quốc gia đông dân. Tỷ lệ sinh ở thành thị và nông thôn, miền núi khác nhau nhưng nhìn chung vấn đề kế hoạch hóa gia đình vẫn cần phải tiếp tục duy trì. Trong đó, đáng chú ý là ở nông thôn, miền núi trong khi kinh tế chậm phát triển thì dân số vẫn tăng nhanh. Điều đó ảnh hưởng trực tiếp và rõ ràng đến chất lượng cuộc sống, khi mà từng gia đình thiếu điều kiện chăm sóc con cái.

Điều này thể hiện ở tỷ lệ trẻ em nông thôn, miền núi suy dinh dưỡng khá cao. Cả về chiều cao, cân nặng cũng thua sút so với trẻ em thành thị. Chất lượng cuộc sống cũng còn tính đến yếu tố nền tảng là giáo dục, thì việc trẻ em ở khu vực này ít được học lên cao hơn, từ đó dẫn tới việc chuẩn bị cho cuộc sống trong tương lai cũng khó khăn hơn.

Thực tế cho thấy, gia đình ít con sẽ có điều kiện nuôi dạy con cái tốt hơn so với gia đình nhiều con. Tiềm lực kinh tế của gia đình ít con sẽ tập trung đầu tư cho con cái tốt hơn. Vì thế, cùng với việc bảo đảm kế hoạch hóa gia đình thì yếu tố nâng dần chất lượng cuộc sống là rất cần thiết. Điều đó không chỉ với trẻ em mà cả với người cao tuổi, khi họ cần được chăm sóc y tế tốt để không bị phát sinh nhiều bệnh tật khi về già.

Đối với phụ nữ, việc sinh đẻ ít cũng giúp họ có được sức khỏe tốt hơn, và đặc biệt là có điều kiện để chăm sóc con cái tốt. Từ đó làm cho chất lượng cuộc sống của gia đình tốt hơn.

Phan Quang Vũ