Vận hành nền hành chính không giấy tờ
Trong những ngày cuối cùng của năm 2019, Cổng Dịch vụ công quốc gia (DVCQG) với nhiều dịch vụ công được kết nối đã chính thức vận hành. Việc vận hành Cổng DVCQG đã truyền đi thông điệp mạnh mẽ của Chính phủ về quyết tâm cải cách hành chính, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động quản lý, hướng tới xây dựng chính phủ điện tử, loại bỏ dần việc xử lý công việc bằng hệ thống văn bản giấy. Một nền điều hành của Chính phủ không giấy tờ đang dần được hình thành.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc bấm nút khai trương Cổng Dịch vụ công quốc gia. Ảnh: Ngô Nhung.
Chạm tay vào nền hành chính không giấy tờ
Có thể nói, năm 2019 là năm đạt những dấu mốc quan trọng để “chạm tay” vào nền hành chính không giấy tờ.
Ngày 12/3/2019 là ngày đi vào lịch sử nền hành chính công của Việt Nam khi Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã ký bằng chữ ký số, ban hành quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Cổng Dịch vụ công quốc gia trên hệ thống phần mềm quản lý hồ sơ công việc và gửi nhận văn bản điện tử trên môi trường mạng.
Hình ảnh Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ký duyệt bằng chữ ký số đã truyền đi thông điệp mạnh mẽ của Chính phủ về quyết tâm cải cách hành chính (CCHC), đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động quản lý, hướng tới xây dựng chính phủ điện tử, loại bỏ dần việc xử lý công việc bằng hệ thống văn bản giấy. Một nền điều hành của Chính phủ không giấy tờ đang dần được hình thành.
Tiếp đó, sau 1 quý, ngày 24/6 Hệ thống e-Cabinet (Hệ thống thông tin phục vụ họp và xử lý công việc của Chính phủ) đã được đưa vào vận hành. Việc e-Cabinet chính thức vận hành thể hiện quyết tâm trong CCHC, là bước đi lớn trong hiện thực hoá chính phủ phi giấy tờ mà chúng ta đang nỗ lực hướng tới.
Vậy e-Cabinet là gì, nó có ý nghĩa thế nào trong với chính phủ điện tử? Cụ thể, hệ thống e-Cabinet được xây dựng với các chức năng cơ bản đáp ứng yêu cầu 5 nhóm nhiệm vụ chính: Quy trình tạo, trình và phê duyệt phiếu lấy ý kiến các thành viên Chính phủ; Quy trình lấy ý kiến và tổng hợp ý kiến của các thành viên Chính phủ; Quy trình chuẩn bị cuộc họp của Chính phủ; Quy trình tổ chức diễn biến cuộc họp Chính phủ; Quy trình ban hành nghị quyết phiên họp Chính phủ. Như vậy, thông qua hệ thống này người họp có thể vắng mặt tại các phiên họp chỉ cần 1 chiếc điện thoại thông minh hoặc ipad có kết nối mạng họ có thể biết, cho ý kiến đóng góp, thậm chí là ký duyệt một số văn bản nào đó.
Với quy trình nhanh gọn như vậy việc họp để đưa ra một quyết định nào đó sẽ trở nên nhanh gọn hơn bao giờ hết. Cụ thể, ngay sau lễ khai trương, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chính phủ đã họp phiên đầu tiên thông qua hệ thống e-Cabinet để cho ý kiến về dự thảo nghị quyết xây dựng nghị định quy định định danh và xác thực điện tử. Phiên họp đặc biệt này chỉ kéo dài 10 phút. Ngay sau khi nhận được ý kiến thống nhất của các thành viên dự họp, Thủ tướng đề nghị Văn phòng Chính phủ làm thủ tục trình Thủ tướng ký ban hành nghị quyết này. Chỉ hơn 1 phút sau, thủ tục hoàn thành, Thủ tướng dùng iPad ký phát hành nghị quyết trên nền điện tử ngay lập tức.
Điều đáng nói là họp trực tuyến, sử dụng chữ ký số, chữ kí điện tử không chỉ là “sản phẩm” riêng có của Văn phòng Chính phủ, mà hầu khắp các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp và kể cả người dân, việc vận hành công việc thông qua các hình thức trực tuyến để thay cho các phiên họp truyền thống đã được thực hiện. Chính những điều này đã tiết kiệm một khoản chi phí không nhỏ cho xã hội.
Đặc biệt, trong những ngày cuối cùng của năm 2019, ngày 9/12, Lễ khai trương Cổng DVCQG đã được tổ chức dưới dự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc. Việc Cổng DVCQG chính thức vận hành không chỉ tiết kiệm một khoản chi phí khổng lồ cho xã hội mà nó hiện thực hóa giấc mơ hướng tới một nền hành chính không giấy tờ, nói không với tham nhũng, tiêu cực, một nền hành chính vì dân phục vụ. Bởi thông qua Cổng DVCQG, chúng ta triển khai các dịch vụ công trực tuyến thay vì việc làm trực tiếp bằng giấy tờ sang việc thực hiện nhờ công cụ điện tử với 8 nhóm dịch vụ công sẽ tiết kiệm được 4.222 tỷ đồng/năm. Ngoài ra, giá trị gia tăng từ Cổng DVCQG sẽ giúp tiết kiệm được 1.736 tỷ đồng/năm.
Nhưng ý nghĩa của việc khai trương Cổng DVCQG không chỉ dừng lại ở tiết kiệm bao nhiêu tiền mà Cổng DVCQG còn đem lại nhiều giá trị lớn hơn. Như chia sẻ của bà Phan Thu Hiền, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam thì với các dịch vụ cấp đổi thủ tục giấy phép lái xe, người dân không cần đến cơ quan công quyền mà chỉ cần ngồi tại nhà xin cấp giấy phép lái xe quốc tế và được trả tại nhà... Việc người dân chỉ cần 1 cú kích chuột mà có thể làm các TTHC sẽ giúp nền hành chính ngày một minh bạch hơn khi mà người dân không còn phải trực tiếp tiếp xúc với cán bộ nữa.
Có lẽ từ những lợi ích khi sử dụng DVCQG như vậy nên chỉ sau 4 ngày khai trương Cổng DVCQG đã có 2,3 triệu người truy cập với 1.358 hồ sơ TTHC được xử lý. Trong đó, có 581 hồ sơ đề nghị cấp mới điện hạ áp và trung áp, 693 hồ sơ đổi giấy phép lái xe và cấp giấy phép lái xe quốc tế, 51 hồ sơ liên quan đến cấp lại giấy Bảo hiểm y tế do bị hỏng, mất, đây là con số không hề nhỏ và nếu thực hiện thủ công như trước thì khó đáp ứng được.
Loại bỏ thói quen giấy tờ
Có thể nói đích đến của nền hành chính không giấy tờ đã cận kề. Tuy nhiên, để loại bỏ nền hành chính không giấy tờ là điều không dễ bởi để hình thành một nền hành chính số cần có lộ trình và nhiều bước đi cụ thể. Rào cản lớn nhất có lẽ nằm ở khâu cán bộ.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết, sẽ tập huấn cho cán bộ và tạo áp lực từ trên xuống. Theo đó, bên cạnh việc ban hành các thể chế, quy định rất cụ thể, các lãnh đạo cũng phải đi tiên phong. Lãnh đạo xử lý văn bản trên điện tử, không cán bộ nào dám trình văn bản giấy. Dứt khoát không ký tay thì cán bộ không dám trình giấy nữa. Có như vậy mới dần loại bỏ được thói quen dùng văn bản giấy với quá nhiều “cái lý có chân” kéo lùi bánh xe cải cách của chính cán bộ thực thi công vụ hiện nay.
Nền hành chính không giấy tờ rõ ràng là một tiến bộ mới, nhưng người dân vẫn lo lắng. Bởi, ngay khi có “giấy trắng mực đen” người ta còn “phù phép” để nó biến đi, nhằm đạt mục đích tư lợi của họ; thì khi “không giấy tờ” sự thể rồi sẽ ra sao? Tuy nhiên, tư duy hành chính giấy tờ khiến người ta tưởng họ sẽ yên tâm hơn khi cầm văn bản “giấy trắng mực đen” nhưng chưa hẳn thế đã yên tâm. Thực tế việc làm giả mạo giấy tờ hiện nay khá đơn giản với các công nghệ in ngày càng hiện đại, các thủ thuật làm giả rất tinh vi và đã có những “sổ đỏ” bị làm giả, mà người cầm giữ nó cứ đinh ninh là thật. Do đó, cầm một quyết định “giấy trắng, mực đen, con dấu đỏ” cũng không thể coi là an toàn 100%. Tất nhiên văn bản điện tử nếu không quản chặt, kiểm soát nghiêm thì sẽ không thể tránh khỏi lỗi này lỗi khác. Nhưng trong thời đại số, nếu không nhanh chóng ứng dụng công nghệ thông tin, loại bỏ dần nền hành chính giấy tờ lạc hậu sẽ khó bắt kịp nền kinh tế số đang phát triển như vũ bão hiện nay.
Có thể nói xây dựng Chính phủ điện tử gắn liền với cải cách của Chính phủ. Trong giai đoạn Thủ tướng đang quyết liệt về cải cách ở các cơ quan hành chính nhà nước và thủ tục, đây là ưu tiên số 1 của Chính phủ. Nếu chúng ta làm tốt sẽ tạo ra công khai, minh bạch, trực diện, đi thẳng vào yêu cầu của người dân, doanh nghiệp, từ đó hạn chế tiêu cực, hạn chế tham nhũng vì người dân không cần gặp, cũng không cần biết ai giải quyết vấn đề của họ nên tránh được tiêu cực, lãng phí.
Tuy nhiên, muốn đạt được mục tiêu đề ra, cần có những hành động cụ thể, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Tiến Dĩnh cho rằng, nhất thiết phải gỡ rào cản từ khâu cán bộ thực thi công vụ từ bỏ thói quen làm việc bằng giấy tờ. Ai cũng biết muốn một số cán bộ thay đổi thói quen từ làm trên giấy tờ truyền thống sang sử dụng công nghệ thông tin trên nền điện tử là vì họ không muốn rời bỏ quyền lợi, đặc ân riêng có. Nhưng với nền hành chính hiện đại và quản trị thông minh thì chúng ta không chấp nhận việc đó được. Chúng ta phải triển khai một cách đồng bộ với các giải pháp rất quan trọng.
Và muốn cán bộ không ngại từ bỏ giấy tờ thì trước hết là làm tốt công tác tư tưởng, coi sử dụng công nghệ thông tin là nguyên tắc bắt buộc của cán bộ công chức khi thực thi công vụ. Đồng thời phải kiểm tra, đôn đốc, giám sát và có chế tài xử lý nghiêm với cán bộ nếu cố tình kiếm cớ trì hoãn, cản trở quá trình cải cách của toàn bộ hệ thống.