Ấn tượng thể thao Việt Nam: Những tấm huy chương quý giá
Thể thao Việt Nam (TTVN) đã khép lại một năm với nhiều thành công, đặc biệt là sau khi kết thúc một kỳ SEA Games 30 thành công hơn mong đợi. Nổi bật là bóng đá nam và bóng đá nữ cùng đoạt Huy chương Vàng (HCV). Lần đầu tiên, bóng đá Việt Nam giành trọn 2 tấm HCV tại một kỳ đại hội, qua đó khẳng định vị thế dẫn đầu khu vực ở thời điểm hiện tại. Nhưng, không chỉ có thế, TTVN còn ghi dấu ấn đặc biệt trong năm 2019.
Người hâm mộ tự hào về chiến thắng của thể thao Việt Nam.
Tại SEA Games 30, TTVN tự hào ngẩng cao đầu tại sân chơi khu vực với những thành tích đáng nể nhất là trong những môn thi Olympic. Trong đó, môn thể thao “nữ hoàng” điền kinh đã tiếp tục khẳng định vị trí thống trị. Cuộc cạnh tranh cho ngôi nhất toàn đoàn môn điền kinh cũng diễn ra quyết liệt giữa Việt Nam và Thái Lan. 2 năm trước, điền kinh Việt Nam bất ngờ thi đấu thành công khi đem về 17 HCV, qua đó dẫn đầu môn thể thao “nữ hoàng”. 2 năm sau, người Thái muốn đòi lại ngôi số một nhưng bất thành.
Người dẫn đầu về cơ số HCV trong đội điền kinh không ai khác chính là cô “bé hạt tiêu” Nguyễn Thị Oanh. Cô đã thực hiện một điều không tưởng khi xuất thần đoạt cùng lúc 2 HCV các cự ly khắc nghiệt nhất trong cùng một ngày (5.000 m và 3.000 m vượt chướng ngại vật nữ), phá kỷ lục SEA Games. Trước đó một ngày, Oanh đã đoạt chức vô địch cự ly 1.500 m, hoàn tất pha “hat-trick vàng”…
Còn đó là gương mặt kỳ cựu của Nguyễn Thị Huyền, cô từng là “nữ hoàng” điền kinh Việt Nam cho tới khi phải nghỉ thi đấu gần 1 năm để sinh con. Ngày quay trở lại, không ai nghĩ cô gái 26 tuổi này có thể giành được huy chương vàng tại SEA Games 30. Thế nhưng, ở nội dung 400m nữ, Nguyễn Thị Huyền đã cho thấy những nỗ lực phi thường của mình. Để rồi, khi đứng trên bục nhận huy chương, người mẹ một con ấy đã rơm rớm nước mắt vì hạnh phúc, vì sự cố gắng của mình đã được đền đáp xứng đáng.
Đó còn là vận động viên 21 tuổi Phạm Thị Thu Trang lần đầu dự SEA Games nội dung 10.000 m đi bộ nữ đã bất ngờ đem HCV về cho TTVN. Nữ vận động viên bé nhỏ mang trong mình sức mạnh phi thường, từng âm thầm lên đường chinh phục SEA Games, ngày về mang theo tấm huy chương vàng. Ở đó còn là tài năng của các VĐV cùng chiến thuật cực kỳ chính xác của đội ngũ huấn luyện viên. Chính chiến thuật cực dị đã giúp điền kinh Việt Nam có HCV của bộ tứ điền kinh Việt Nam ở nội dung chạy tiếp sức hỗn hợp 400m…
Tất cả những tấm huy chương dù là màu gì cũng được đánh đổi bằng mồ hôi, nước mắt của các VĐV. Tất cả đã chịu quá nhiều hy sinh, nỗ lược vượt khó để mang vinh quang về cho Tổ quốc. Tại SEA Games 30, môn vật có 14 nội dung tranh huy chương thì đội tuyển vật Việt Nam đã giành được 12 HCV, 2 HCV còn lại là của chủ nhà Philippines.
Kình ngư Ánh Viên.
Cũng tại SEA Games 30, các đô cử Việt Nam có những khoảnh khắc đáng nhớ với nhiều lần nâng mức tạ ngoạn mục. Nỗ lực quyết tâm vượt qua nỗi đau mất người thân của Vương Thị Huyền hay cú đẩy quyết định của Phạm Thị Hồng Thanh đều để lại dấu ấn khó quên. Đô cử Vương Thị Huyền đã có chiến thắng thuyết phục trước đối thủ số 1 người Indonesia, giành tấm HCV cử tạ đầy thuyết phục ở hạng 45 kg. Tấm HCV của Vương Thị Huyền không chỉ là chiến thắng đơn thuần trong thể thao, mà còn là chiến thắng của nghị lực phi thường.
Đô cử người Bắc Giang là một người đặc biệt khi giành những thành công ở các đấu trường trong nước, châu Á và thế giới, nhưng lại chưa một lần hưởng niềm vui tại các kỳ SEA Games. Những điều không may vẫn đeo đuổi Vương Thị Huyền khi ngay trước lúc lên đường tham dự SEA Games, chị đã đón nhận “tin dữ” là cha đột ngột qua đời. Trước đó vài năm, Huyền đã mất người mẹ thân yêu của mình. Đây là một cú sốc tâm lý rất lớn, gây ảnh hưởng không ít tới tinh thần của Vương Thị Huyền, nhưng chị đã nén nỗi đau và biến nó thành động lực để cố gắng.
Sau khi giành HCV, bước lên bục nhận huy chương, cả Vương Thị Huyền và đối thủ đều òa khóc. Đối với VĐV người Indonesia đó là những giọt nước mắt tiếc nuối vì bị mất ngôi số 1, còn với Huyền lại là những giọt nước mắt hạnh phúc khi trên tay cô là chiếc HCV và lá cờ Tổ quốc đầy tự hào cùng những cảm xúc mà cô phải kìm nén trước những biến cố xảy ra để hoàn thành phần thi thật tốt.
Cử tạ Việt Nam cũng ghi dấu ấn lớn khi nữ đô cử Phạm Thị Hồng Thanh xinh đẹp phá vỡ giới hạn của bản thân, giành HCV ở mức cân khó tin. Trước 2 lượt cử đẩy cuối cùng, khoảng cách giữa cô và đối thủ dẫn đầu lên tới 16 kg. Hồng Thanh quyết định bứt phá từ 107 kg lên 124 kg và đã thành công ở lần cử thứ 2, qua đó giành chức vô địch và đem về HCV trong lần đầu tiên cô dự SEA Games 30.
Sức trẻ, sự liều lĩnh giúp Hồng Thanh đạt tổng cử 214 kg (cử giật 90 kg và cử đẩy 124 kg), hơn vận động viên chủ nhà xếp sau đúng 1 kg. “Cú ngược dòng” ngoạn mục của Hồng Thanh khiến một số CĐV và Đoàn Philippines đã sớm vui mừng khi tưởng Ando Ann cầm chắc HCV không tin vào mắt mình trước cuộc lội ngược dòng quá ngoạn mục của nữ VĐV trẻ tuổi của Việt Nam.
Những cuộc bứt tốc ngoạn mục trên đường đua xanh luôn đem lại cảm xúc tuyệt vời cho người hâm mộ. Ánh Viên tuy không còn giữ được phong độ ấn tượng nhưng vẫn là VĐV đoạt nhiều HCV nhất SEA Games 30. Bên cạnh Ánh Viên, Nguyễn Huy Hoàng đoạt 2 HCV đồng thời phá 2 kỷ lục SEA Games, qua đó đạt chuẩn A Olympic đồng nghĩa với tấm vé đến Tokyo hè 2020. Kỳ SEA Games này, TTVN phát hiện thêm 1 thần đồng bơi lội là Trần Hưng Nguyên, người đã đoạt HCV 400m hỗn hợp và phá kỷ lục SEA Games của đàn anh Nguyễn Hữu Kim Sơn ở cự ly này.
VĐV Nguyễn Huy Hoàng.
Có những chiếc huy chương dù không phải là vàng nhưng nó cũng quý như vàng khi ở đó là sự thể hiện ý chí, tinh thần và quyết tâm vượt khó khăn của các VĐV. Hình ảnh cô gái với dáng người nhỏ nhắn, mảnh khảnh Phạm Thị Hồng Lệ gục xuống vì kiệt sức và chuột rút toàn thân khi chạm vào vạch đích và không thể tự thở, hay khoảnh khắc cô gái nhỏ bé ấy không thể tự bước lên bục nhận huy chương khiến không ít người xót xa.
Phạm Thị Hồng Lệ, tuy chỉ về đích thứ 3 trên đường chạy nhưng cô gái bé nhỏ đã chứng minh một sức mạnh và nỗ lực tột cùng của người Việt Nam. Dù cơ thể bị căng cứng vì chuột rút, cô vẫn bước những bước cuối cùng về vạch đích, khiến tất cả những ai chứng kiến hôm đó đều không kìm được cảm xúc. Ngay sau khi hoàn thành đường đua nội dung marathon, VĐV Phạm Thị Hồng Lệ đã được đưa ngay vào phòng y tế để chăm sóc, hồi sức bằng bình oxy. Sau đó, Phạm Thị Hồng Lệ cũng phải rất vất vả mới di chuyển được ra khu vực nhận huy chương.
Việc Phạm Thị Hồng Lệ giành HCĐ là rất đáng khen ngợi, và tấm huy chương dù có màu gì cũng được đánh đổi bằng rất nhiều thứ. Dù chỉ là chiếc HCĐ nhưng đó là cả một niềm hạnh phúc lớn lao của cô gái đến từ miền Trung, vì được cống hiến cho thể thao nước nhà…
Không phải ngẫu nhiên mà tại cuộc tuyên dương thành tích Đoàn TTVN, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhiều lần nhấn mạnh tới ý chí Việt Nam, khát vọng Việt Nam, quyết tâm Việt Nam. “Khát vọng Việt Nam như vậy không chỉ trong thể thao mà tôi nghĩ phải lan tỏa ra trong phát triển kinh tế - xã hội đất nước thời gian tới. Đây là một cú hích quan trọng của thể thao Việt Nam đối với sự phát triển kinh tế - xã hội đất nước”- Thủ tướng nói.
Với TTVN, tinh thần Việt Nam đã làm bùng lên trong họ một sức mạnh phi thường, một ý chí sắt đá. Tất cả đều thi đấu với tinh thần thể thao cao thượng, vì màu cờ sắc áo, vì Tổ quốc thân yêu và họ cùng làm nên vẻ đẹp của thể thao nước nhà.