Nỗ lực bảo hộ công dân, pháp nhân Việt Nam
Nhìn lại 2019, có thể nói công tác bảo hộ công dân, quản lý di cư là một trong những điểm nhấn tích cực trong triển khai chức năng, nhiệm vụ của Bộ Ngoại giao. Các vụ việc, đặc biệt là vụ việc trọng điểm, phức tạp, chưa có tiền lệ đều được xử lý kịp thời, dứt điểm với hiệu quả cao, được dư luận xã hội và người dân ghi nhận.
Quang cảnh một hội thảo về di cư quốc tế được tổ chức tại Việt Nam trong năm 2019.
Quản lý di cư quốc tế trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập
Trong năm vừa qua, trên thế giới có 272 triệu người di cư, tăng đáng kể so với cách đây 9 năm khi chỉ có 221 triệu người di cư. Sự gia tăng nhanh chóng của các dòng di cư trên thế giới thời gian vừa qua đã đặt ra cả cơ hội và thách thức đối với quản lý di cư quốc tế của Việt Nam, đặc biệt trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập.
Cùng với quá trình hội nhập, mở cửa, Việt Nam đã ban hành, hoàn thiện nhiều chính sách, pháp luật tạo thuận lợi cho hoạt động di cư hợp pháp, an toàn. Theo thống kê, mỗi năm có hơn 100.000 công dân Việt Nam ra nước ngoài làm việc theo hợp đồng (riêng 11 tháng đầu năm 2019 có 132.802 lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài), hàng chục nghìn trường hợp kết hôn với người nước ngoài. Trong khi công dân Việt Nam di cư ra nước ngoài vì nhiều mục đích khác nhau thì nhiều người nước ngoài đã chọn Việt Nam là điểm đến yêu thích của hành trình di cư và hiện có hơn 300.000 người nước ngoài đang sinh sống và làm việc tại Việt Nam.
Điều đó một mặt cho thấy cơ hội di cư đã trở nên dễ tiếp cận hơn trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập ngày nay, mặt khác mở ra triển vọng tăng cường hợp tác về việc làm, giáo dục… giữa các quốc gia và các bên có liên quan. Có thể nói, đây chính là điều kiện để các nước, trong đó có Việt Nam, quản lý di cư một cách hiệu quả dựa trên các biện pháp thúc đẩy di cư hợp pháp, an toàn, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người di cư.
Theo Tổ chức Di cư quốc tế (IOM) - cơ quan của Liên hợp quốc về di cư, để quản trị di cư hiệu quả cần bám sát các nguyên tắc sau: Tuân thủ và thực thi các tiêu chuẩn quốc tế về quyền của người di cư; hoạch định chính sách dựa trên bằng chứng và cách tiếp cận toàn chính phủ; hợp tác với các nước để giải quyết các vấn đề về di cư. Tất cả những nguyên tắc trên đều hướng đến các mục tiêu: Thúc đẩy sự phát triển thịnh vượng của chính người di cư và xã hội; giải quyết hiệu quả các khía cạnh đa chiều của di cư; đảm bảo di cư diễn ra một cách an toàn, trật tự và tôn trọng nhân phẩm của người di cư.
Các nguyên tắc và mục tiêu nêu trên cũng là phương châm và hành động mà Việt Nam đã và đang triển khai nhằm quản lý di cư quốc tế hiệu quả. Việc Việt Nam thông qua Thỏa thuận toàn cầu về Di cư hợp pháp, an toàn và trật tự và xây dựng triển khai Kế hoạch Thỏa thuận là bước tiến quan trọng để các bộ, ngành, địa phương cùng phối hợp rà soát, hoàn thiện chính sách trong lĩnh vực này. Đây là trách nhiệm của Việt Nam đối với các cam kết quốc tế, đồng thời là cơ hội để chúng ta tăng cường công tác quản lý di cư lấy người di cư làm trung tâm, trong đó phòng ngừa là yếu tố nền tảng, thúc đẩy di cư hợp pháp, an toàn và trật tự là biện pháp hữu hiệu để ngăn chặn di cư trái phép, tạo môi trường di cư minh bạch, an toàn, đảm bảo các quyền cơ bản của người di cư.
Ghi nhận nhiều vụ việc bảo hộ công dân
Trong bối cảnh ấy, công tác bảo hộ công dân cũng cho thấy nỗ lực lớn của Chính phủ, Bộ Ngoại giao và các bộ, ngành địa phương, đặc biệt đặt trong bối cảnh thách thức là rất lớn, đến từ số lượng vụ việc tăng, tần suất xảy ra các vụ việc nghiêm trọng cao hơn so với các năm trước, trong đó có thể kể đến vụ đánh bom, khủng bố vào xe buýt chở 15 khách du lịch Việt Nam tại Cairo (Ai-cập tháng 1/2019), vụ bảo hộ công dân Đoàn Thị Hương tại Malaysia tháng 3-5/2019, vụ việc 39 công dân tử vong trong thùng xe tải tại Anh tháng 10-11/2019.
Năm 2019 cũng là năm ghi nhận số lượng vụ việc bảo hộ công dân tiếp tục tăng, trong đó 13.464 công dân, 1.730 ngư dân/202 tàu cá được bảo hộ, 961 ngư dân được giải quyết thủ tục, hỗ trợ về nước sau khi bị phía nước ngoài trục xuất; 36 tàu/408 ngư dân gặp nạn trên biển được hỗ trợ tránh trú bão hoặc được cứu nạn trên biển. Ngoài ra, Tổng đài bảo hộ công dân đã tiếp nhận, giải đáp 5.400 cuộc gọi đến (tăng khoảng 31% so với 2018) và có 687.956 tin nhắn roaming quốc tế cung cấp đường dây nóng bảo hộ công dân cho công dân khi xuất cảnh ra nước ngoài. Những số liệu này một phần thể hiện nỗ lực lớn của Chính phủ, Bộ Ngoại giao trong công tác bảo hộ công dân, mặt khác cũng là sự trăn trở của những người làm công tác bảo hộ công dân vì thấy ngày càng nhiều rủi ro đối với công dân ở nước ngoài và tình trạng vi phạm pháp luật của công dân Việt Nam ở nước ngoài chưa có dấu hiệu giảm.
Bên cạnh đó, công tác bảo hộ công dân năm 2019 cũng có nhiều thuận lợi, đặc biệt là chỉ đạo sát sao của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh; trong đó có những vụ việc phức tạp Lãnh đạo Bộ Ngoại giao trực tiếp chỉ đạo, tham gia xử lý.
Thách thức trong năm 2020
Dưới góc nhìn bảo hộ công dân, tình hình thế giới năm 2020 dự báo tiếp tục nhiều thách thức, tiềm ẩn nhiều rủi ro, bất trắc cho công dân ta ở nước ngoài.
Công tác bảo hộ công dân cho năm bản lề 2020 cần được triển khai theo hướng coi trọng các biện pháp chủ động phòng ngừa, tuyên truyền, cảnh báo cho người dân, xử lý kịp thời, chuyên nghiệp, hiệu quả các vụ việc phát sinh trên cơ sở pháp luật Việt Nam, phù hợp với luật pháp quốc tế và luật pháp các nước liên quan. Theo đó, các biện pháp chủ động phòng ngừa sẽ được đặc biệt quan tâm. Bộ Ngoại giao đã chuẩn bị kế hoạch thông tin truyền thông, triển khai Thỏa thuận toàn cầu về GCM, lên án di cư trái phép và các hành vi vi phạm pháp luật ở nước ngoài. Mặt khác, công nghệ thông tin cũng sẽ được nghiên cứu, tích hợp vào xử lý nghiệp vụ bảo hộ công dân với mong muốn đem đến tiện ích cho công dân dễ dàng tiếp cận thông tin cần thiết trước khi xuất cảnh ra nước ngoài và trong thời gian cư trú ở nước ngoài.
Với sự quan tâm đặc biệt của Chính phủ, nỗ lực không ngừng của Bộ Ngoại giao và các bộ, ngành, địa phương, chúng ta hy vọng công tác bảo hộ công dân năm 2020 sẽ tiếp tục là “tấm đệm” cho công dân khi gặp rủi ro, bất trắc ở nước ngoài.
5 ưu tiên trong năm Chủ tịch ASEAN 2020
Việt Nam sẽ chính thức đảm nhận vai trò Chủ tịch Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) theo luân phiên từ ngày 1/1/2020. Trong nhiệm kỳ Chủ tịch ASEAN 2020, Việt Nam sẽ thúc đẩy 5 ưu tiên gồm:Một là, phát huy vai trò và đóng góp tích cực của ASEAN vào công cuộc duy trì môi trường hòa bình, an ninh và ổn định ở khu vực trên cơ sở tăng cường đoàn kết, thống nhất ASEAN; đẩy mạnh tinh thần gắn bó, tương trợ và ủng hộ lẫn nhau giữa các nước thành viên; nâng cao khả năng phối hợp lập trường chung của ASEAN trong việc xử lý các vấn đề khu vực và quốc tế… Hai là, thúc đẩy liên kết và kết nối khu vực, nâng cao khả năng thích ứng và tận dụng các cơ hội của cách mạng công nghiệp 4.0, theo đó liên kết kinh tế sâu rộng và kết nối toàn diện trong nội khối và với các đối tác… Ba là, thúc đẩy ý thức cộng đồng và bản sắc ASEAN: tạo dựng các giá trị chung của ASEAN và phổ biến rộng rãi trong người dân, thúc đẩy nhận thức và nhận diện về Cộng đồng ASEAN thống nhất trong đa dạng, nâng cao hình ảnh của Cộng đồng ASEAN trong khu vực và trên thế giới. Bốn là, đẩy mạnh quan hệ đối tác vì hòa bình và phát triển bền vững với các nước trên thế giới, phát huy vai trò và đóng góp của ASEAN trong cộng đồng quốc tế; mở rộng và nâng tầm quan hệ với các Đối tác trên toàn cầu, góp phần định hình cấu trúc và luật chơi mới của khu vực và thế giới. Năm là nâng cao năng lực thích ứng và hiệu quả hoạt động của bộ máy ASEAN: cải cách thể chế, tăng cường hiệu quả hoạt động của bộ máy ASEAN; điều chỉnh, hoàn thiện và nâng cấp các quy trình, quy chuẩn trong ASEAN. PV