Học yêu thương không chỉ trong trang sách
Tại Lễ khai giảng đầu năm học 2019-2020, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trong nhấn mạnh: Dạy chữ quan trọng; dạy người, dạy đức, dạy lối sống văn hóa còn quan trọng hơn.
Ảnh: Phạm Quang Vinh.
Trước việc lệch chuẩn trong ứng xử ở một bộ phận giới trẻ, nhất là HSSV, cách đây ít lâu đã có một phiên họp của Ủy ban Đổi mới GDĐT giai đoạn 2016-2021 và Hội đồng Quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực nhiệm kỳ 2016-2021, trong đó có nội dung tập trung thảo luận về công tác giáo dục, đạo đức lối sống cho HS phổ thông.
Bộ trưởng Bộ GDĐT Phùng Xuân Nhạ chia sẻ, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác giáo dục đạo đức, lối sống cho HS còn bộc lộ nhiều tồn tại, hạn chế. Cụ thể nội dung giáo dục đạo đức chưa thiết thực; công tác quản lý ở một số trường học còn bất cập; công tác phối hợp giữa gia đình, nhà trường, xã hội trong giáo dục HS chưa chặt chẽ; một bộ phận HS có biểu hiện lệch lạc về đạo đức, lối sống; tình trạng bạo lực học đường vẫn còn diễn ra ở một số địa phương gây bức xúc, lo lắng cho xã hội.
Nhiều người cũng cho rằng cần phải thay đổi cách thức giáo dục đạo đức cho HSSV bắt đầu từ tư duy, sau đó là phương pháp. Cùng với đó, ngành giáo dục cũng nên xem thời đại thay đổi gì để thay đổi theo; mục tiêu giáo dục đạo đức là không thay đổi mà phương pháp, cách làm phải thay đổi. Tại sao lại nói như vậy, bởi giáo dục đạo đức, lối sống hiện nay đang bị xem nhẹ, khi nhiều HS được học đủ kiến thức cao siêu, tham dự và giành giải cao ở rất nhiều cuộc thi nhưng vẫn có hành động phản cảm trong đời thường.
PGS Chu Cẩm Thơ (Viện Khoa học giáo dục Việt Nam) cho hay, có giáo viên (GV) phát biểu rằng: Vì có nhiều cuộc thi các môn văn hóa... nên môn Đạo đức chưa được quan tâm. Bà Thơ cho rằng hiểu lầm đầu tiên, đó là suy nghĩ chỉ có môn Đạo đức hay Giáo dục công dân mới thực hiện việc giáo dục đạo đức. Trong khi đó, hai môn học này giúp HS có hiểu biết về đạo đức. Còn thực hành đạo đức hay nói rộng là rèn luyện đạo đức không chỉ là trách nhiệm của môn học này. Bởi đạo đức thuộc về phẩm giá con người, nó giúp ta sống chuẩn mực trong xã hội, hay nói cách khác là theo chuẩn mực con người.
Tiếp đó, hiểu lầm phổ biến thứ hai là nhiều người nghĩ rằng học tốt là đạo đức tốt và đánh giá đạo đức, hạnh kiểm của HS thông qua kết quả học tập. Lâu nay trong ngành giáo dục đã có một nếp nghĩ, thói quen rằng học lực giỏi thì sẽ có hạnh kiểm tốt, trong khi kết quả học tập độc lập với đạo đức.
Khi bàn về vấn đề giáo dục đạo đức cho HS hiện nay, bà Nguyễn Thị Nhiếp- Hiệu trưởng Trường THPT Yên Hòa (Hà Nội) cho rằng, hoạt động đổi mới giáo dục, giáo dục đạo đức lối sống cho HS phải gắn liền và tương đồng với thi cử ở tất cả các khối lớp. Đặc biệt, giáo dục đạo đức lối sống cho HS bắt đầu từ những người làm thầy. Chúng ta sẽ không thể có học trò có đạo đức lối sống tốt nếu GV chưa là tấm gương tốt từ kiến thức chuyên môn đến lối sống hằng ngày.
Nhìn rộng ra, trong thế liên kết gia đình, nhà trường và xã hội, ở nơi nào cũng cần có sự nêu gương của người lớn. Những xuống cấp trong ứng xử, lệch chuẩn về hành vi của một bộ phận giới trẻ có phần nào trách nhiệm của người lớn. Mà theo GS.TS Nguyễn Ngọc Phú- Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Khoa học tâm lý - giáo dục Việt Nam, muốn nêu gương, người lớn phải tự sửa mình. Ông Phú phân tích: Giáo dục bằng cách nêu gương là một trong những phương pháp giáo dục con người. Trẻ em bao giờ cũng có xu hướng bắt chước hành vi của người lớn. Nếu người lớn có các hành vi không đúng thì trẻ sẽ dễ dàng học theo cái xấu đó, chỉ với một lý do đơn giản là “người lớn” đã làm như thế. Tại nhà trường, các em được dạy bảo về các hành vi đạo đức cần, nhưng bước ra thực tế cuộc sống lại bắt gặp ai đó đã không làm như thế. Về mặt tâm lý học, trong đầu các em sẽ xảy ra cuộc “khủng hoảng niềm tin”: Hóa ra nhà trường dạy mình như vậy, nhưng ngoài xã hội đã không như vậy. Niềm tin về lẽ phải, về chân lý được trẻ tiếp nhận trước đó bị “sụp đổ”. Để sửa chữa lại điều này sẽ rất tốn công. Bởi vậy, là người lớn, phải là người có đạo đức, hành vi phải thực sự chuẩn mực để con trẻ noi theo, bắt chước.