Phòng chống bạo lực và xâm hại trẻ em
Ngày 3/1, Đoàn giám sát Quốc hội phối hợp với Đoàn Chủ tịch Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam và Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam tổ chức Hội thảo “Phòng, chống bạo lực và xâm hại trẻ em trong trong gia đình”.
Bà Nguyễn Thị Thanh Hoà, Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam cho biết: Trong 6 tháng đầu năm 2019, cả nước có gần 5.000 trẻ em bị xâm hại, trong đó số trẻ bị xâm hại tình dục chiếm trên 80%. Thủ phạm vẫn đa số là người thân, quen, hàng xóm, các vụ do chính người ruột thịt như: ông, bố đẻ, bố dượng gây ra không nhiều nhưng thực sự đáng báo động cho thấy sự xuống cấp về đạo đức xã hội, về ảnh hưởng của phim, ảnh đồi truỵ, chất gây nghiện. Nạn nhân bị xâm hại tình dục phần lớn là trẻ em gái, gần đây xuất hiện xâm hại tình dục trẻ em trai.
Nguyên nhân của tình trạng trên theo bà Hòa, là do sự hiểu biết về pháp luật, về xâm hại trẻ em, những kỹ năng bảo vệ trẻ em của các bậc cha mẹ, tự bảo vệ của trẻ em còn rất thiếu. Theo đó trong thực tế, một bộ phận gia đình chưa nhận thức đầy đủ về vai trò, trách nhiệm quan trọng của gia đình. Cha mẹ lo làm ăn kiếm tiền nuôi con ăn học nên thường chỉ quan tâm đến kết quả học tập, ít dành thời gian trò chuyện, lắng nghe con, hướng dẫn con về kỹ năng sống, thậm chí không ít gia đình lơ là, mất cảnh giác. Khi con bị xâm hại tình dục thì nhiều gia đình, bản thân trẻ có tâm lý e ngại, xấu hổ, sợ ảnh hưởng đến tương lai nên không tố cáo, giữ kín sự việc, chuyển nơi ở. “Đau xót hơn là những vụ các cháu bị xâm hại bởi những người thân ruột thịt dù được người mẹ, bà phát hiện nhưng đã không kịp thời ngăn chặn dẫn đến tình trạng các cháu bị xâm hại nhiều lần”- bà Hòa cho hay.
Theo bà Nguyễn Thị Thuỷ- Uỷ viên thường trực Uỷ ban Tư pháp của Quốc hội, hiện nay, công tác tuyên truyền cũng chưa sát vào thực tiễn, chưa có hiệu quả. Thực tế là trên phạm vi cả nước, có nhiều cuộc tuyên truyền, hình thức tuyên truyền, được triển khai, nhưng thực tế, đối tượng được tuyên truyền là trẻ em chưa phát huy hiệu quả. Đưa ra dẫn chứng đi đến tỉnh nào vào trường học hỏi các em hiểu như thế nào về xâm hại trẻ em thì cơ bản các em chỉ hiểu xâm hại trẻ em là xâm hại tình dục trẻ em, bà Thủy cho rằng, điều đó cho thấy việc tuyên truyền, giáo dục pháp luật, kiến thức kỹ năng cho các em chưa đạt.
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga cho rằng, cần đánh giá đúng mức độ thực trạng trẻ em bị bạo lực, xâm hại trẻ em trong gia đình và đánh giá đúng đặc điểm của những gia đình xảy ra tình trạng bạo lực, xâm hại trẻ em nhằm có biện pháp phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em phù hợp với thực tiễn. Bởi hiện nay, pháp luật của nước ta về bảo vệ quyền trẻ em và phòng, chống bạo lực gia đình tương đối tốt do đó không thể đổ lỗi cho thể chế, pháp luật mà cần xem lại khâu tổ chức thực hiện.