Người có uy tín - chỗ dựa tin cậy
Nhận thức được vai trò, vị trí của mình ở cộng đồng dân cư, người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Gia Lai đã có nhiều cách làm hay, tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia hưởng ứng các phong trào, cuộc vận động hiệu quả.
Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Gia Lai Hồ Văn Điềm.
Gia Lai là một tỉnh miền núi thuộc khu vực Bắc Tây Nguyên có 34 dân tộc anh em cùng sinh sống với dân số hơn 1.513.847 người, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm khoảng 44,7%, chủ yếu là dân tộc Jrai và Bahnar. Trong đó có 1.016 người uy tín tiêu biểu.
Chủ tịch UB MTTQ tỉnh Gia Lai Hồ Văn Điềm nhấn mạnh: Trong những năm qua việc phát huy vai trò của người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Gia Lai đã được các cấp ủy Đảng, chính quyền, MTTQ và các ngành đặc biệt quan tâm triển khai thực hiện. Những động viên, khích lệ đó đã tạo điều kiện cho người có uy tín phát huy hơn nữa vai trò, vị trí của mình, gương mẫu đi đầu và vận động nhân dân hăng hái tham gia các phong trào thi đua yêu nước, tích cực lao động sản xuất, xóa đói giảm nghèo, đảm bảo an ninh, quốc phòng, góp phần thực hiện hiệu quả Chương trình Quốc gia Xây dựng NTM trên địa bàn tỉnh.
Đặc biệt, nhận thức được vai trò, vị trí của mình ở cộng đồng dân cư, người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số đã có nhiều cách làm hay, việc làm hiệu quả tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia xây dựng nông thôn mới như: Tuyên truyền, vận động nhân dân hiến đất, giải phóng mặt bằng, đóng góp kinh phí và ngày công lao động để mở các tuyến đường giao thông nông thôn và xây dựng các công trình phúc lợi xã hội. Tiêu biểu như: Ông KPă Krăih (làng Bui, xã Nghĩa Hưng, huyện Chư Păh) đã vận động nhân dân hiến trên 2.000 m2 đất ở và đất vườn để làm đường giao thông trong làng; đóng góp được trên 120 triệu đồng và 103 ngày công tham gia cùng Nhà nước làm 1 km đường trải nhựa, 2 km đường cấp phối, chỉnh trang trên 200 m đường làng để đảm bảo rộng từ 5 m trở lên. Ông Nay Ka (xã Ia Rtô, thị xã Ayun Pa) đã hiến hơn 200 m2 đất để làm nhà sinh hoạt cộng đồng và đường giao thông nông thôn; tuyên truyền, vận động nhiều hộ gia đình hiến đất làm đường bê tông. Ông Đinh Chinh (làng Hơ Ya, xã Sơ Ró, huyện Kông Chro) đã tích cực phối hợp với chính quyền, MTTQ và các đoàn thể của xã vận động các hộ dân hiến 240 m2 đất và ủng hộ hàng trăm ngày công lao động để xây dựng các công trình phúc lợi xã hội...
Bên cạnh đó, hưởng ứng các phong trào, các cuộc vận động của Mặt trận phát động, nhất là Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng NTM, đô thị văn minh” gắn với Cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong đồng bào dân tộc thiểu số để từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững”, người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh đã tích cực tuyền truyền, vận động đồng bào dân tộc thiểu số xóa bỏ các hủ tục lạc hậu, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi và áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất để phát triển kinh tế hộ gia đình. Tiêu biểu như ông Đinh Tuy (thôn Plei Pông, xã Chư A Thai, huyện Phú Thiện) đã hướng dẫn bà con trong làng chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi cho năng suất, chất lượng cao, tiết kiệm trong chi tiêu tài chính gia đình, xóa bỏ các hủ tục lạc hậu, vận động di dời 62 nhà chính, 12 nhà phụ theo vị trí quy hoạch, vận động 74 hộ gia đình di dời chuồng bò ra khỏi gầm nhà sàn, hướng dẫn bà con trồng 100 vườn rau xanh phục vụ đời sống hàng ngày.
Người có uy tín trao đổi kinh nghiệm vận động quần chúng. Ảnh: Thanh Nhật.
Ông Siu Blăn (làng Hố Lâm, xã Chư Pơng, huyện Chư Sê) đã tiên phong trong áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chăn nuôi cho thu nhập trên 150 triệu đồng/ năm, tích cực hướng dẫn bà con về kinh nghiệm trong sản xuất, chăn nuôi, giúp đỡ 3 hộ gia đình khó khăn vay vốn không lấy lãi với số tiền 13 triệu đồng/ hộ để phát triển sản xuất.
Ông Wut (làng Dơk Rơng, xã Glar, huyện Đak Đoa) đã tích cực vận động người dân áp dụng khoa học vào sản xuất, chăn nuôi, tăng thu nhập bình quân đầu người từ 20 triệu đồng năm 2010 lên 30 triệu đồng năm 2016, góp phần thoát nghèo bình quân 5 hộ/ năm; ngoài ra còn vận động nhân dân giúp nhau phát triển kinh tế; bảo vệ môi trường; giữ gìn trật tự trị an; xây dựng gia đình hạnh phúc, thắt chặt tình đoàn kết, gắn bó trong cộng đồng dân cư. Ông Rmah Teng (làng Bố 1, xã Ia Phang, huyện Chư Pưh) đã tích cực vận động bà con thay đổi tập quán canh tác lạc hậu, chuyển sang trồng các loại cây có giá trị kinh tế cao; vận động nhân dân sinh đẻ có kế hoạch, vận động các con em trong độ tuổi đi học đến trường. Ông Siu Phốt (thôn Tai Pêr, xã Ia Hla, huyện Chư Pưh), ông Đinh Văn Púa (làng Kon Bông 1, xã Đăk Rong, huyện Kbang), ông Đinh Minh Bang (làng Điện Biên, xã Sơn Lang, huyện Kbang)… Các ông đều là những người gương mẫu đi đầu thực hiện các mô hình: cải tạo vườn tạp, tổ chức lại sản xuất, áp dụng các mô hình xen canh, mô hình trang trại đem lại hiệu quả kinh tế cao; tích cực hướng dẫn bà con nhân dân áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, giúp nhiều hộ nghèo vươn lên thoát nghèo.
Những đóng góp quan trọng của người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số đã góp phần thực hiện hiệu quả Chương trình xây dựng NTM trên địa bàn tỉnh Gia Lai. Trong năm 2020, để tiếp tục thực hiện tốt công tác phát huy vai trò của người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số thực hiện hiệu quả các phong trào, các cuộc vận động do Mặt trận phát động nói chung và Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM nói riêng, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh Gia Lai xác định: Công tác vận động phát huy vai trò người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số phải được tiến hành thường xuyên và có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cấp, các ngành trong việc thống nhất các tiêu chuẩn của người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số. Mặt trận phải tích cực tìm hiểu, gặp gỡ, vận động người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số để phát huy, tranh thủ tối đa khả năng, năng lực và uy tín của họ.
“Các cấp, các ngành xác định người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số chính là chỗ dựa quan trọng của cấp ủy, chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể chính trị, góp phần tích cực để thực hiện thắng lợi các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các phong trào, các cuộc vận động của Mặt trận”. -, ông Hồ Văn Điềm khẳng định. Đồng thời, MTTQ các cấp biểu dương kịp thời người có uy tín tiêu biểu trong đồng bào dân tộc thiểu số. Xác định rõ nội dung, phương pháp vận động đối với từng cá nhân sao cho phát huy năng lực sở trường của người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số trong công tác vận động quần chúng.
Ông Hồ Văn Điềm cũng đề nghị: Cấp ủy, chính quyền các cấp, đặc biệt là cấp huyện và cơ sở tăng cường chỉ đạo các tổ chức ở cơ sở thôn, làng tạo điều kiện thuận lợi để người có uy tín phát huy tốt vai trò nòng cốt của mình trong phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng NTM; xóa đói, giảm nghèo; giữ gìn, bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc, xóa bỏ các hủ tục lạc hậu; thực hiện tốt các phong trào, các cuộc vận động; xây dựng hệ thống chính trị, đảm bảo quốc phòng an ninh trên địa bàn.