Lại lo bộ máy sau sáp nhập

H.Vũ 04/01/2020 23:00

Ngày 4/1, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội tiến hành thẩm tra Đề án của Chính phủ về việc sắp xếp, thành lập các Đơn vị hành chính (ĐVHC) cấp huyện, cấp xã của một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Một lần nữa vấn đề sắp xếp bộ máy sau sáp nhập lại được đặt ra trong bối cảnh đại hội Đảng bộ ở cơ sở sẽ diễn ra trong quý 1-2020.

Lại lo bộ máy sau sáp nhập

Nhiều địa phương đang thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã. Ảnh: Quang Vinh.

Giải thể 3 xã thuộc huyện đảo Lý Sơn

Theo Đề án của Chính phủ lần này thì Chính phủ và tỉnh Quảng Ngãi đề nghị giải thể toàn bộ 3 xã: An Bình; An Hải; An Vĩnh thuộc huyện đảo Lý Sơn. Trước vấn đề này, thường trực Ủy ban Pháp luật cơ bản tán thành với đề xuất của Chính phủ và chính quyền tỉnh Quảng Ngãi về việc tổ chức hành chính ở huyện đảo Lý Sơn theo mô hình không có ĐVHC cấp xã. Việc giải thể 3 ĐVHC cấp xã ở huyện đảo Lý Sơn là phù hợp với chủ trương của Đảng, phù hợp với quy định của Hiến pháp và thực tiễn. Với diện tích tự nhiên và quy mô dân số nhỏ, việc tổ chức huyện đảo theo mô hình không có ĐVHC cấp xã sẽ tạo cơ sở cho việc thực hiện sắp xếp, đổi mới, xây dựng hệ thống chính trị tại huyện đảo Lý Sơn theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế, bảo đảm quốc phòng an ninh.

Tuy nhiên Ủy ban Pháp luật cũng cho rằng, hoạt động của chính quyền địa phương ở các xã sau khi ĐVHC bị giải thể, đề án của Chính phủ chỉ đề cập đến phương án bố trí, sắp xếp cán bộ công chức ở các xã bị giải thể mà chưa đề cập đến hoạt động của HĐND, UBND các xã này chấm dứt hoạt động khi nào? Thường trực Ủy ban Pháp luật thấy rằng: Hiện tại Luật Tổ chức Quốc hội và Luật Tổ chức chính quyền địa phương chỉ quy định thẩm quyền của Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong việc giải thể ĐVHC cấp huyện, cấp xã mà không quy định về hệ quả pháp lý khi một ĐVHC bị giải thể thì tổ chức chính quyền địa phương ở đơn vị đó như thế nào? Và cơ quan nào có thẩm quyền quyết định việc chuyển giao thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương ở ĐVHC bị giải thể. Đồng thời, các luật hiện hành cũng không quy định về việc chấm dứt hoạt động của HĐND trong trường hợp ĐVHC bị giải thể.

Để kế thừa kinh nghiệm của việc thí điểm không tổ chức HĐND ở huyện, quận, phường và để phù hợp với thực tiễn, Thường trực Ủy ban Pháp luật đề nghị quy định theo hướng Nghị quyết về sắp xếp ÐVHC cấp huyện, cấp xã thuộc tỉnh Quảng Ngãi có hiệu lực từ ngày 1-2-2020. Riêng đối với trường hợp giải thể 3 xã: An Vĩnh, An Hải và An Bình thuộc huyện đảo Lý Sơn thì thực hiện từ ngày bầu cử đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 để chính quyền địa phương ở 3 xã này vẫn hoạt động cho đến hết nhiệm kỳ 2016-2021. Theo đó, HĐND, UBND xã An Vĩnh, An Hải, An Bình nhiệm kỳ 2016-2021 kết thúc nhiệm vụ vào ngày bầu cử đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026. Chính quyền địa phương ở huyện đảo Lý Sơn thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn mà pháp luật giao cho chính quyền địa phương ở huyện và xã trên phạm vi địa bàn huyện.

Liên quan đến vấn đề này, nhiều ĐB đã đồng tình quan điểm cho rằng quy định như vậy hoàn toàn phù hợp với chủ trương quan điểm của Đảng, Nhà nước. Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, tại Điều 110 và Điều 111 của Hiến pháp quy định ở các ĐVHC đều tổ chức chính quyền địa phương, tuy nhiên bây giờ không lập ĐVHC ở đây nữa, tức là đã giải thể ĐVHC ở đó rồi thì đương nhiên không còn chính quyền địa phương nữa. Chính phủ và tỉnh Quảng Ngãi đề nghị chỉ tổ chức chính quyền 1 cấp ở huyện đảo Lý Sơn. Đây cũng là mô hình chính quyền giống như tại các đảo: Cồn Cỏ; Bạch Long Vĩ; Côn Đảo. “Thẩm quyền giải thể ĐVHC dưới cấp tỉnh thuộc thẩm quyền Ủy ban Thường vụ Quốc hội, còn cấp tỉnh phải trình ra Quốc hội. Vấn đề là đại biểu HĐND và nhân dân ở huyện đảo Lý Sơn có băn khoăn, tâm tư hay không? thì cử tri và HĐND tại 3 xã đó đều đồng ý giải thể HĐND ở đây”-ông Lưu cho hay.

Sáp nhập xong, 2-3 năm sau lại nhập lại là không hợp lý

Thẩm tra Đề án sắp xếp, thành lập ĐVHC cấp huyện, cấp xã của 9 tỉnh: Cao Bằng, Lai Châu, Gia Lai, Tiền Giang, Yên Bái, Quảng Ngãi, Hậu Giang, Bình Dương, Tây Ninh, Thường trực Ủy ban Pháp luật cơ bản tán thành với các phương án sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã và phương án sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy và bố trí, sắp xếp đội ngũ cán bộ công chức trong hệ thống chính trị, những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã của 9 tỉnh. Theo đó sau khi thực hiện sắp xếp tại 9 tỉnh trên đã giảm được 4 ĐVHC cấp huyện và 60 ĐVHC cấp xã. Các đề án đã được lấy ý kiến của cử tri, HĐND ở các ĐVHC chịu ảnh hưởng trực tiếp với tỷ lệ tán thành cao. Mặt khác do dự thảo Nghị quyết của Chính phủ không xác định ngày có hiệu lực của dự thảo Nghị quyết nên Ủy ban Pháp luật đề nghị xác định ngày có hiệu lực từ 1-2-2020 để các cơ quan tổ chức, và địa phương kịp thời kiện toàn tổ chức, thay đổi con dấu và các điều kiện cần thiết cho hoạt động của các ĐVHC mới được thành lập.

Vấn đề được nhiều ĐB đặt ra là sau quá trình sáp nhập thì vấn đề sắp xếp lại đội ngũ cán bộ tại các xã bị giải thể sẽ như thế nào? Đặc biệt khi điều chỉnh địa giới hành chính sau sáp nhập thì tên của ĐVHC mới của cấp xã, cấp huyện buộc phải đổi tên và sẽ gây nên những xáo trộn. Đối với việc tách hoặc nhập các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã, ĐB Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) cho rằng, đối với các đơn vị đã thành lập trong thời điểm hiện nay, sau này phải nhập nữa, nếu không làm luôn thì để lại sau năm 2021 sẽ tiến hành nhập lại. Bởi không thể nào mới nhập, sau đó 2 năm sau lại tiến hành nhập tiếp. “Mới thông qua HĐND, ý kiến người dân nhưng 2 hay 3 năm sau lại tiến hành nhập thêm là không hợp lý”-ông Hòa nêu quan điểm.

Theo ĐB Tô Văn Tám (Kon Tum), mặc dù sáp nhập 2 đến 3 xã thành 1 xã nhưng thực tế vẫn có trường hợp không đạt tiêu chí về diện tích và dân số, nhất là ở tỉnh miền núi. Do đó cần xem xét và nghiên cứu thêm trong giai đoạn tới. Ông Tám cho rằng, diện tích thì không thể nở ra, nhưng con người nếu nhập 2-3 xã thành 1 thì dân số có thể tăng theo tự nhiên và tăng theo cơ học. Cho nên cần có quan điểm rõ ràng để kiến nghị với Trung ương. Bởi nếu không, giai đoạn sau lại tiếp tục sáp nhập nữa thì người dân sẽ có ý kiến.

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho rằng, đây là lần thứ 3 cho ý kiến về việc “sáp nhập”. Do đó làm sao để việc sắp xếp trong giai đoạn 2019-2021 phải xong sớm vì để chuẩn bị cho đại hội Đảng các cấp ở cơ sở đúng theo kế hoạch của Trung ương, Bộ Chính trị, Chính phủ.

Liên quan đến những băn khoăn trong việc về sáp nhập phải đảm bảo ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, bảo đảm đời sống sản xuất của nhân dân, sự đoàn kết trong nhân dân, tránh vấn đề thất thoát, lãng phí các trụ sở và phương tiện, ông Lưu cho rằng, việc sáp nhập là công việc phức tạp, không bao giờ “toàn ưu” 100%, nhất là vấn đề tổ chức bộ máy, liên quan đến đời sống của hàng trăm nghìn người một cách tuyệt đối. Do đó cần đánh giá mặt tốt và xu hướng chung để quyết định chính sách chung. Để trọn vẹn chính sách từ thực tiễn và cơ sở pháp lý phải vừa làm, vừa rút kinh nghiệm, củng cố, chấn chỉnh, và đó cũng là quan điểm chỉ đạo của Trung ương.

Bảo đảm quyền lợi cho những cán bộ, công chức dôi dư

Đưa ra kiến nghị đối với Chính phủ, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho rằng: Thời điểm đại hội Đảng bộ các cấp đang đến rất gần, đề nghị chính quyền địa phương cùng với việc tổ chức thực hiện Nghị quyết sắp xếp ĐVHC của Ủy ban Thường vụ Quốc hội trên địa bàn cần quan tâm triển khai các công việc liên quan để không ảnh hưởng đến kết quả đại hội. Đề nghị Chính phủ, chính quyền địa phương kịp thời hướng dẫn, giải pháp cụ thể việc bố trí, sắp xếp đội ngũ cán bộ công chức tại các ĐVHC thực hiện sắp xếp để đảm bảo vị trí việc làm và số lượng cấp phó theo quy định. Có biện pháp hỗ trợ, giải quyết chế độ chính sách, bảo đảm quyền lợi cho những cán bộ, công chức dôi dư và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã nghỉ việc do sắp xếp ĐVHC. Có giải pháp quản lý, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả cơ sở vật chất, trụ sở, trang thiết bị của các đơn vị hành chính thực hiện sắp xếp.

H.Vũ