Xếp hạng Đại Học Việt Nam thông qua nghiên cứu: Trọng chất hơn trọng lượng
Mới đây, một bảng xếp hạng do các nhà khoa học Việt Nam tự thực hiện vừa công bố các so sánh về các chỉ số nghiên cứu khoa học (UPM) của hơn 30 cơ sở giáo dục đại học (ĐH) trong cả nước.
Theo đó, Trường ĐH Tôn Đức Thắng dẫn đầu bảng tổng sắp (đứng đầu về quy mô, năng suất nghiên cứu; xếp thứ 7 về chất lượng nghiên cứu và xếp thứ 30 về chỉ số nội lực). Trong top 5 bảng tổng sắp, có sự góp mặt của một trường tư thục là ĐH Duy Tân; 2 ĐH Quốc gia Hà Nội và TP HCM, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội.
Bảng xếp hạng UPM thúc đẩy các trường ĐH phát huy thế mạnh nghiên cứu. Ảnh: Phạm Quang Vinh.
Bứt phá về nghiên cứu khoa học
Cụ thể, 4 tiêu chí đánh giá được đưa ra gồm: Quy mô nghiên cứu - tổng số các bài báo tích hợp, đã được lọc trùng từ 2 cơ sở dữ liệu Web of Science và Scopus của các cơ sở giáo dục ĐH xuất bản trong giai đoạn 2015-2019 (chiếm 45%); Năng suất nghiên cứu – chỉ số bài báo trung bình trên giảng viên và nghiên cứu viên (chiếm 25%); Chất lượng nghiên cứu – chỉ số trích dẫn trung bình thu thập được trong năm 2019 cho các bài báo xuất bản trong giai đoạn 2014-2015 (chiếm 25%); Chỉ số công bố bằng nội lực – Tỉ lệ phần trăm các bài báo hoàn toàn của tác giả Việt Nam (chiếm 5%).
Nhìn vào bảng xếp hạng ĐH năm 2019, có thể thấy dù có sự thay đổi về cách xếp hạng và cách đánh giá thì “top 5” cơ sở ĐH về nghiên cứu của Việt Nam vẫn không thay đổi so với năm 2018 là Trường ĐH Tôn Đức Thắng, ĐH Quốc gia HCM, ĐH Quốc gia Hà Nội, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, Trường ĐH Duy Tân. Trong đó, Trường ĐH Tôn Đức Thắng năm nay vươn lên dẫn đầu. “Top 5-10” đã có sự thay đổi nhiều do tích hợp được đồng thời thế mạnh của cả 4 chỉ số. Đó là sự xuất hiện của Trường ĐH Y tế Công cộng, Trường ĐH Y Hà Nội, Trường ĐH Cần Thơ, Trường ĐH Mỏ Địa chất và Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM. Ở “top 20”, có tên của hai trường ĐH là Trường ĐH Kinh tế quốc dân, Trường ĐH Kinh tế TP. HCM và Trường ĐH Nguyễn Tất Thành là một cơ sở giáo dục ĐH tư thục.
Theo đánh giá của các chuyên gia, hiện các cơ sở giáo dục ĐH của Việt Nam đang hội nhập mạnh mẽ với gần 550 chương trình hợp tác và liên kết đào tạo với 285 cơ sở giáo dục ĐH nước ngoài, đồng thời, nhiều trường ĐH Việt Nam ghi dấu ấn với việc có mặt trong các bảng xếp hạng của thế giới.
Kết quả xếp hạng của UPM vừa công bố cũng phù hợp với xếp hạng ĐH của các tổ chức uy tín trên thế giới như ARWU và URAP. Trước đây, Nhóm trắc lượng khoa học của ĐH Duy Tân cũng đã công bố kết quả xếp hạng về nghiên cứu cho các ĐH Việt Nam với những tính toán rất công phu và có thể kiểm chứng được, mặc dù cũng còn một số điểm cần cải tiến.
GS.TS Nguyễn Hữu Đức – nguyên Phó Giám đốc ĐH Quốc gia Hà Nội, thành viên của nhóm nghiên cứu cho biết: Thủ tướng vừa ban hành Nghị định 99 hướng dẫn thi hành một số điều của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục ĐH. Theo Nghị định này, tiêu chí của trường ĐH nghiên cứu là mỗi năm, mỗi trường phải công bố trung bình từ 100 bài báo trở lên và mỗi giảng viên cơ hữu đạt trung bình công bố từ 0,3 bài trở lên trên các tạp chí khoa học có uy tín trên thế giới. Như thế, theo bảng xếp hạng đã công bố, 17 trường ĐH đã đạt từ 100 bài báo/năm trở lên. Tuy nhiên, xét trên chỉ số bài báo trên giảng viên, mới có 7 trường xấp xỉ đạt là Trường ĐH Tôn Đức Thắng, Trường ĐH Y tế Công cộng, Trường ĐH Duy Tân, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, ĐH Quốc gia HN, ĐH Quốc gia TP. HCM và Trường ĐH Mở TP.HCM. GS.TS Nguyễn Hữu Đức chia sẻ: Mong muốn lớn nhất của nhóm là thông qua xếp hạng để cung cấp các chỉ số nghiên cứu cho các cơ sở giáo dục ĐH, giúp các trường nhận diện, đối sánh, xác định các chính sách phát triển hợp lý.
Khách quan trong xếp hạng
Việc xếp hạng các ĐH Việt Nam năm 2019 thông qua các chỉ số UPM có thể nói là bảng xếp hạng ĐH đầu tiên của Việt Nam được công bố bởi một tổ chức chính thống, dưới dạng sản phẩm của nhóm triển khai đề tài khoa học thuộc Chương trình khoa học quốc gia về khoa học giáo dục. Dẫu thế, vẫn có nhiều băn khoăn đang được đặt ra là làm sao việc xếp hạng tránh việc cào bằng đẳng cấp các tạp chí và tránh cào bằng đối với đóng góp của tác giả, chủ “sở hữu” công trình. Hơn thế, công bố lần này là so sánh về các chỉ số nghiên cứu khoa học của hơn 30 cơ sở giáo dục ĐH trong cả nước, không phải tất cả các cơ sở giáo dục ĐH Việt Nam. Như vậy, độ tin cậy của bảng xếp hạng đến đâu? Bảng xếp hạng “nội địa” này có khác gì so với các bảng xếp hạng quốc tế mà cơ sở giáo dục ĐH Việt Nam tham gia?
GS.TS Nguyễn Hữu Đức cho hay, trước hết, độ tin cậy phải nhờ đến mẫu khảo sát và cơ sở dữ liệu đủ lớn. Đó là lý do tại sao nhóm mới tập trung vào các trường đã có gần 200 công bố quốc tế trong 5 năm. Do vậy, số lượng các trường tham gia lần này dừng lại ở con số đó. Thực tế, các bảng xếp hạng quốc tế như QS, người ta chỉ chấp nhận các trường công bố mỗi năm khoảng 150 bài báo. Theo nguyên tắc đo lường khoa học và thông lệ quốc tế, cơ sở dữ liệu (CSDL) về tổng số bài báo mà Việt Nam thường quan tâm chỉ là thông số đầu vào của việc đánh giá hoạt động nghiên cứu. Việc xếp hạng thường được đối sánh theo cùng thứ nguyên, cấp độ và phải phản ánh được năng suất nghiên cứu của từng giảng viên và chất lượng nghiên cứu của từng bài báo. Trong thời gian qua, vì số lượng công bố quốc tế còn ít và việc thu thập CSDL còn khó khăn nên mọi người thường đánh giá mức độ NC của các trường theo số lượng các bài báo và chỉ dựa trên các bài báo từ nguồn Web of Science hoặc Scopus riêng biệt. Do đó, việc đánh giá không đầy đủ, công bằng. Lần này, nhóm nghiên cứu đã tiến hành đánh giá theo 4 tiêu chí với CSDL tích hợp như đã nêu ở phần trên.
Điều lưu ý là kết quả công bố của các cơ sở giáo dục ĐH của Việt Nam còn khiêm tốn, nên giai đoạn này cũng cần đánh giá và khích lệ quy mô nghiên cứu của các trường, thúc đẩy để có thêm nhiều trường đặt ngưỡng của quốc tế. Điểm mới của cách xếp hạng UPM đã giúp xác định và tạo động lực thúc đẩy các trường phát huy thế mạnh nghiên cứu. Như đã thấy, ở “top 5”, trong khi chỉ số quy mô nghiên cứu không khác nhiều so với kết quả xếp hạng tổng thể, thì xếp hạng theo chỉ số trích dẫn và nội lực có sự thay đổi rất nhiều.
Theo GS.TS Nguyễn Hữu Đức: Thống kê và chuẩn hóa của Tổ chức QS, mức chuẩn trung bình về bài báo trên giảng viên là 5 bài/5 năm và chỉ số trích dẫn là 4,5 lần/bài. Như vậy, lần đầu tiên chúng ta đã có Trường ĐH Tôn Đức Thắng đạt chuẩn về năng suất nghiên cứu của châu lục. Còn chất lượng nghiên cứu thì Việt Nam có gần 20 trường đạt chuẩn trung bình châu Á. Điều này có thể gợi ý cho chiến lược phát triển của các cơ sở giáo dục ĐH Việt Nam là không nên chạy theo số lượng mà nên tập trung vào chất lượng và đầu tư nghiên cứu những vấn đề có tầm ảnh hưởng lớn.