Chảo lửa Trung Đông tăng nhiệt
Cuộc không kích sát hại tướng Qasem Soleimani do Lầu Năm Góc thực hiện đã làm dấy lên làn sóng tranh cãi trong Quốc hội Mỹ; trong khi nhiều quốc gia trên thế giới ra sức cảnh báo về tình hình nguy hiểm sau hành động được Tổng thống Mỹ Donald Trump phê duyệt.
Người dân Iran giơ ảnh của ông Kassem Suleimani.
Phản ứng trong nước Mỹ
Trong khoảng thời gian cuối tuần qua, các đồng minh của Tổng thống Trump tại Quốc hội nhanh chóng ca ngợi chiến dịch, nói vụ ám sát gửi thông điệp mạnh mẽ tới Iran và có thể là sự răn đe với các lực lượng do Iran hậu thuẫn ở Iraq.
“Các hành động phòng thủ mà Mỹ thực hiện chống lại Iran và các ủy nhiệm của nó là phù hợp với các cảnh báo trước đó. Họ bỏ qua những cảnh báo này vì tin rằng Tổng thống Mỹ bị kìm kẹp bởi những chia rẽ chính trị trong nước. Họ đã tính toán sai lầm”- Thượng nghị sĩ Marco Rubio của đảng Cộng hòa từ Florida bình luận.
Một số nghị sĩ Cộng hòa từng chỉ trích ông Trump cũng ủng hộ cuộc tấn công, nói rằng vụ ám sát là quyết định đúng đắn.
“Điều này rất đơn giản: Tướng Soleimani đã chết vì ông ta là tên khốn độc ác đã giết người Mỹ. Tổng thống đã đưa ra lời kêu gọi dũng cảm và đúng đắn, và người Mỹ nên tự hào rằng các quân nhân của chúng ta đã thành công”- Thượng nghị sĩ Ben Sasse, đảng Cộng hòa, bang Nebraska, tuyên bố.
Ngược lại, một số đảng viên Dân chủ bày tỏ lo ngại rằng việc tiêu diệt vị tướng hàng đầu của Tehran có thể dẫn đến nguy cơ chiến tranh cao hơn và khiến lợi ích của Mỹ ở Trung Đông gặp rủi ro.
Thượng nghị sĩ Tom Udall, đảng Dân chủ từ bang New Mexico, nói cuộc tấn công có thể đặt “các lực lượng và công dân Mỹ vào nguy hiểm và rất có thể nhấn chìm chúng ta vào cuộc chiến thảm khốc khác ở Trung Đông mà người dân Mỹ không đòi hỏi và không ủng hộ”.
Các ứng cử viên Tổng thống của đảng Dân chủ cũng lên án cuộc không kích đã giết chết tướng Qassem Soleimani và cho rằng quyết định của Tổng thống Trump là liều lĩnh và có thể kéo Mỹ vào một cuộc chiến khác ở Trung Đông.
Cựu Phó Tổng thống Joe Biden nói rằng: “Tổng thống Trump vừa “chọc vào tổ kiến lửa”. Thượng nghị sĩ Đảng Dân chủ Elizabeth Warren thì nói rằng: “Chúng ta đang ở bên bờ vực của một cuộc chiến khác ở Trung Đông. Chúng ta không ở đây một cách tình cờ. Chúng ta ở đây vì một Tổng thống liều lĩnh. Đồng minh và chính quyền của ông ta đã mất nhiều năm để đẩy chúng ta đến đây”.
Nhiều nước cảnh báo tình trạng nguy hiểm
Cái chết của Soleimani - nhân vật được coi là có quyền lực thứ hai ở Iran - đã trở thành một sự leo thang kịch tính của chiến sự ở Trung Đông. Nhiều quốc gia trên thế giới gồm Nga, Trung Quốc, Đức, Pháp đều tỏ rõ quan ngại trước hành động của Mỹ đồng thời cảnh báo về tình hình nguy hiểm ở khu vực Trung Đông.
Bộ Ngoại giao Nga đã thể hiện rõ sự quan ngại sau vụ không kích khiến tướng Soleimani thiệt mạng. Một quan chức ngoại giao Nga nói nước này coi việc sát hại tướng Soleimani là “bước đi phiêu lưu” của Mỹ.
Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hội đồng LB Nga Konstantin Kosachev nói vụ không kích của Mỹ là sai lầm “dập tắt hy vọng cuối cùng về việc cứu vãn Thỏa thuận hạt nhân với Iran” và có thể gây ra hậu quả. “Iran có thể tăng tốc chế tạo vũ khí hạt nhân ngay lúc này dù trước đây họ không có kế hoạch làm điều đó” - ông Kosachev nói.
Trung Quốc cũng bày tỏ quan ngại và “kêu gọi các bên, đặc biệt là Mỹ, bình tĩnh và kiềm chế”. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng nói: “Trung Quốc phản đối sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế và gây leo thang căng thẳng trong khu vực”.
Pháp là nước châu Âu đầu tiên lên tiếng về vụ không kích khiến tướng Soleimani thiệt mạng. “Chúng ta đang đối mặt với một thế giới nguy hiểm hơn. Leo thang quân sự đang diễn ra và luôn nguy hiểm”- Thứ trưởng Ngoại giao Pháp Amelie de Montchalin nói trên Đài phát thanh RTL.
Đức cho biết tình hình Trung Đông “leo thang nguy hiểm” và kêu gọi giải quyết các xung đột trong khu vực bằng biện pháp ngoại giao. “Vụ không kích của Mỹ là phản ứng với một loạt hành động khiêu khích quân sự của Iran như vụ tấn công hai cơ sở dầu khí của Arab Saudi và các tàu chở dầu trong khu vực” - Phát ngôn viên của Chính phủ Đức Ulrike Demmer nói.