Cháy rừng ở Úc: Như một hỏa ngục khổng lồ
Những ngày này dư luận xôn xao về việc một nông dân Úc tên là Steve Shipton, sống tại Coolagolite, bang New South Wales đã phải dùng súng giải thoát cho 20 con bò của mình (trong tổng số 250 con). Hình ảnh cho thấy ông Steve Shipton giương súng bắn chết những con bò của mình, để kết thúc những đau đớn mà chúng đang phải chịu đựng đã gây sốc dư luận.
Nhiều biện pháp được áp dụng nhưng vẫn không khống chế được ngọn lửa.
Các đám cháy tại nước Úc đã bắt đầu từ tháng 9/2019 và liên tục kéo dài đến nay. Như vậy, cùng Indonesia và rừng mưa Amazon, cháy rừng ở Úc là 1 trong 3 vụ cháy lớn nhất của năm 2019. Khác chăng là nó đã vắt sang năm 2020 vẫn không chấm dứt.
Những bức ảnh chụp từ vệ tinh cho thấy, cháy rừng ở Úc thật sự là một thảm họa. Tình trạng này vẫn chưa thể kiểm soát hoàn toàn khi nhiệt độ tại nước này đã phá vỡ các kỷ lục và dự báo còn tiếp tục tăng. Các đám cháy hiện đã thiêu rụi hơn 56.000 km vuông, khiến hàng chục nghìn người phải sơ tán và ảnh hưởng xấu đến môi trường.
Tính từ khi vụ cháy bắt đầu (tháng 9/2019) đến nay, người ta ghi nhận đã có tới 22 người thiệt mạng, “giặc lửa” đã tàn phá hơn 1.200 ngôi nhà, hơn 5 triệu ha rừng bốc cháy. Trong tuần qua, khủng hoảng cháy tiếp tục gia tăng, khi những đám cháy tiếp tục càn quét các cộng đồng ở hai tiểu bang New South Wales và Victoria. Các cuộc sơ tán mới nhất ở bờ biển phía Nam của tiểu bang New South Wales được gọi là “đợt sơ tán lớn nhất tại khu vực này từ trước đến nay”.
Truyền thông địa phương đăng tải hình ảnh các dòng xe “chôn chân” hàng tiếng đồng hồ chỉ để đổ xăng nhằm thoát khỏi vùng cháy càng xa càng tốt. Trong khi đó, nhiều con đường vẫn đóng do liên tục bị hỏa hoạn và các mối nguy hiểm khác, chẳng hạn như nguy cơ cây bị đổ.
Theo Chris Dickman - nhà sinh thái học ở Trường Đại học Sydney, kể từ khi các đám cháy bùng phát tới nay đã có khoảng 480 triệu động vật đã chết do cháy rừng, chỉ tính riêng ở bang New South Wales. Con số này đã gây chấn động trong bối cảnh người dân đã quá mệt mỏi và đau khổ với cháy rừng. Bà Sussan Lei- Bộ trưởng Môi trường Úc, cũng đã lên tiếng trước con số kinh hoàng về động vật bị chết do các nguyên nhân từ cháy rừng. Không chỉ có vật nuôi, mà nhiều hơn thế chính là hàng trăm ngàn loài vật khác có thể sẽ chịu chung số phận. Theo các chuyên gia, dẫu thoát khỏi chết cháy nhưng chúng có thể bị đói, khát hoặc chết vì sốc nhiệt trong khi bị mất đi môi trường sống.
Bà Megan Davidson- Trưởng Cơ quan bảo vệ động vật hoang dã bang Victoria, cho biết: “Chúng ta có thể sẽ không bao giờ lường hết mức độ của cuộc thiêu hủy này và nguy cơ vẫn chưa kết thúc. Các nhóm cứu trợ động vật hoang dã gần như không thể làm gì trong nhiều trường hợp”.
Kể từ khi cháy rừng hoành hành dữ dội, tờ News của Úc cho biết 1/3 đàn koala - biểu tượng quốc gia của nước này đã chết và 1/3 nơi sinh sống của chúng bị tàn phá - chỉ tính riêng ở New South Wales, nơi có quần thể koala thuộc loại lớn với 15.000 - 28.000 con. Còn theo New York Times, không giống như kangaroo, chim hay rắn, koala không biết chạy trốn. Thay vào đó, chúng leo lên cây và cuộn mình lại chờ nguy hiểm qua đi. Nhưng trong các vụ cháy dữ dội, loài vật hiền lành, khờ khạo này đã không có nhiều cơ hội sống sót.
Ngày 5/1, báo chí Úc đã dùng những cụm từ “hỏa ngục khổng lồ”, “bom nguyên tử” để mô tả về những trận cháy rừng khủng khiếp đang diễn ra và diễn biến xấu trên cả nước, đặc biệt là tại hai bang New South Wales và Victoria. Thủ tướng Úc Scott Morison đã tăng cường quân đội vào công việc chữa cháy, thêm máy bay trên trời, tàu dưới biển và xe cộ lăn bánh trên đất liền để hỗ trợ các nỗ lực chữa cháy và tái thiết.
Đáng tiếc là thông tin về số người chết do ảnh hưởng từ những đám cháy rừng vẫn không chấm dứt. Trong khi một số đám cháy lớn có xu hướng nhập lại thành “hỏa ngục khổng lồ” hoặc lan tới những khu vực xa xôi không thể tiếp cận.