Hội thi giáo viên giỏi: Còn nhiều việc phải bàn

Nguyệt Hà 06/01/2020 05:50

Theo Thông tư của Bộ GDĐT mới ban hành về Hội thi giáo viên giỏi có hiệu lực từ 12/2/2020, thì hội thi sẽ có nhiều điểm mới. Đây cũng được xem là câu chuyện thời sự cùng với việc tranh cãi về sách giáo khoa cho chương trình giáo dục phổ thông mới.

Hội thi giáo viên giỏi: Còn nhiều việc phải bàn

Giáo viên giỏi, trước hết phải được học sinh công nhận.

Nhiều điểm mới trong Thông tư 22

Sau nhiều tháng ban hành Dự thảo để lắng nghe đóng góp của nhân dân về hội thi giáo viên giỏi, giáo viên chủ nhiệm giỏi các cấp, cuối cùng thì Bộ GDĐT cũng đã chính thức ban hành Thông tư số 22/2019/TT-BGDĐT về Hội thi giáo viên giỏi (GVG) cơ sở giáo dục mầm non; giáo viên dạy giỏi, giáo viên chủ nhiệm giỏi cơ sở giáo dục phổ thông.

Đáng chú ý, tại Khoản 2, Điều 2 “Mục đích và nguyên tắc của Hội thi GVG” nêu rõ: Nguyên tắc của hội thi là dựa trên sự tự nguyện, không ép buộc, không tạo áp lực của giáo viên tham gia hội thi. Tại Điều 3 cho biết có hội thi cấp trường, cấp huyện, cấp tỉnh. Trong đó, cấp trường được tổ chức theo chu kỳ 2 năm một lần (hiện nay là mỗi năm một lần). Cấp huyện, 2 năm một lần (giống như hiện nay) do Phòng GDĐT tổ chức. Cấp tỉnh: 4 năm một lần (giống như hiện nay) do Sở GDĐT tổ chức.

Điều 5 của Thông tư nêu rõ: Được công nhận GVG sau khi đạt các tiêu chuẩn, yêu cầu và được cấp giấy chứng nhận của cơ quan tổ chức hội thi.

Về nội dung, tiêu chuẩn của hội thi GVG; Điều 6 và 7 nêu rõ: Thực hành một hoạt động giảng dạy tại thời điểm diễn ra hội thi tại nhóm, lớp đang giảng dạy và được báo trước tối đa 2 ngày; Trình bày biện pháp nâng cao chất lượng giáo dục mầm non, phổ thông trong thời gian không quá 30 phút.

Muốn dự thi, đối với giáo viên mầm non, tiểu học, trung học cơ sở: Nếu dự thi cấp huyện phải đạt GVG cấp trường ở năm trước liền kề hoặc năm đang dự thi; nếu dự thi cấp tỉnh phải đạt GVG cấp huyện trong 2 năm trước liền kề hoặc đạt cấp huyện năm tham gia dự thi. Đối với giáo viên trung học phổ thông: Nếu dự thi cấp tỉnh phải đạt cấp trường 2 năm trước liền kề hoặc đạt ở năm tham dự kỳ thi.

Thông tư cũng quy định đối với hội thi giáo viên chủ nhiệm giỏi bậc phổ thông. Theo đó, nội dung thi bao gồm thực hành 1 tiết hoạt động giáo dục (tiết sinh hoạt lớp hoặc tiết trải nghiệm) tại lớp đang dạy tại thời điểm diễn ra hội thi; Trình bày biện pháp nâng cao chất lượng chủ nhiệm không quá 30 phút. Về tiêu chuẩn giống như đối với hội thi GVG phổ thông.

Nhiều ý kiến cho rằng, cách tổ chức thi GVG như vậy sẽ tránh áp lực cho giáo viên, và cũng giảm bớt tính hình thức.

Để hội thi không còn là những giờ “trình diễn”

Trong thực tế, việc tổ chức hội thi GVG đã nhận được nhiều ý kiến khác nhau, trong đó ý kiến phản đối khá mạnh, chủ yếu là phản đối bệnh hình thức.

Những năm gần đây, nhiều GV trực tiếp đứng lớp, lãnh đạo nhà trường, lãnh đạo Phòng GD, Sở GDĐT và kể cả giới chuyên gia giáo dục cũng đã tham gia vào cuộc tranh luận: Tiếp tục hay bỏ việc tổ chức hội thi GVG.

Về phía ủng hộ tiếp tục hội thi GVG cho rằng, đây là một hoạt động chuyên môn cần thiết nhằm mục đích tuyển chọn, công nhận và suy tôn giáo viên đạt danh hiệu GVG; tạo điều kiện để GV thể hiện năng lực, trao đổi kinh nghiệm về giảng dạy, tổ chức lớp học; khai thác và sử dụng sáng tạo, hiệu quả các phương tiện, đồ dùng dạy học… Từ đó nhân rộng những tấm gương điển hình tiên tiến, góp phần tạo động lực phát triển sự nghiệp giáo dục.

Nhưng, ở một chiều hướng khác, nhiều ý kiến cho rằng thi GVG quá nặng về hình thức, GV bị ép đi thi là chính chứ ít người tự nguyện. Đã là thi phải có thắng có thua, nhưng thực tế thi ai đã đi thi thì cũng đều được công nhận GVG. Tất cả những người tham gia đều giành chiến thắng.

Đã thế, GV các vùng miền khác nhau, do điều kiện khác nhau thì danh hiệu GVG tuy giống nhau nhưng “chất lượng” lại khác xa nhau.

Từ đó, nhiều người cho rằng thi GVG rất mất thời gian khi phải bỏ thời gian vào việc soạn giáo án, dạy thử, tìm hiểu thông tin, thậm chí làm ngày làm đêm… Có người còn cho rằng thi GVG không khác gì một buổi “đi diễn” và sắm xong vai diễn của mình thì cũng vứt bỏ, không giải quyết việc gì…

Cũng chính vì thế mà Thông tư số 22/2019/TT-BGDĐT về Hội thi GVG mới ban hành được xem là hướng tới thực chất hơn. Mà điểm mấu chốt chính là tự nguyện chứ không ép buộc. Vấn đề còn lại phải là xác định thực chất của khái niệm GVG, không thể mơ hồ, trừu tượng, hay có được danh hiệu là do phù hợp với tiêu chí của giám khảo, mà không cần biết thực tế đứng lớp của họ ra sao, có được học sinh, được đồng nghiệp ghi nhận hay không.

Nguyệt Hà