Khó khăn khi loại trừ bệnh sốt rét
Theo Chương trình quốc gia phòng chống sốt rét của Việt Nam, nước ta đã từng bước thực hiện các chiến lược phù hợp để giảm tỷ lệ mắc và tử vong do sốt rét.
Báo cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết, hiện nay bệnh sốt rét còn lưu hành ở 91 quốc gia và vùng lãnh thổ với trên 3 tỷ người sống trong vùng sốt rét lưu hành. Ở Việt Nam, có khoảng 12 triệu người sống trong vùng sốt rét lưu hành. Đáng chú ý, người mắc bệnh sốt rét chủ yếu là người nghèo, người dân tộc sống ở các vùng kinh tế khó khăn, vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới.
Để kéo giảm tỷ lệ mắc và tử vong do sốt rét, Chương trình Quốc gia phòng chống sốt rét của Việt Nam đã thực hiện nhiều chiến lược phù hợp. Kết quả là từ hơn 1 triệu trường hợp mắc sốt rét, 4.646 trường hợp tử vong do sốt rét năm 1991, đến năm 2018 chỉ còn 6.870 trường hợp mắc và chỉ có 1 trường hợp tử vong do sốt rét. Nhiều tỉnh, thành phố đã không còn lan truyền bệnh sốt rét... Trong năm 2019, Việt Nam tiếp tục công nhận loại trừ sốt rét tại 25 tỉnh/thành, gồm: Sơn La, Yên Bái, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Bắc Ninh, Bắc Giang, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hà Nội, Hải Dương, Hưng Yên, Hải Phòng, Thái Bình, Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình, Đà Nẵng, Tiền Giang, Bến Tre, Đồng Tháp, An Giang, Vĩnh Long, Trà Vinh, Cần Thơ, Hậu Giang.
Được biết, Chính phủ đã cam kết thực hiện mục tiêu loại trừ bệnh sốt rét do ký sinh trùng sốt rét P.falciparum vào năm 2025 và loại trừ hoàn toàn bệnh sốt rét vào năm 2030.
Tuy đã thu được nhiều kết quả, nhưng việc thanh toán bệnh sốt rét không đơn giản. Cụ thể, tại Đắk Lắk thời gian qua bệnh sốt rét gia tăng và diễn biến phức tạp với hàng trăm ca mắc mới; tập trung tại các huyện Ea Kar, Krông Năng, Buôn Đôn, M’Đrăk... Bệnh nhân mắc sốt rét chủ yếu do đi rừng, ngủ rẫy, đặc biệt người dân sống trong vùng lưu hành bệnh sốt rét cao, đồng bào dân tộc thiểu số tại các vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, nên ngành y tế rất khó kiểm soát.
Theo PGS.TS Trần Thanh Dương (Viện Sốt rét - Kí sinh trùng - Côn trùng trung ương), sốt rét còn do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, muỗi truyền bệnh sốt rét thay đổi tập tính trú đậu và đốt người, nhiều nơi xuất hiện ký sinh trùng sốt rét kháng thuốc. PGS Dương đặc biệt nhấn mạnh đến việc muỗi truyền bệnh sốt rét lưu hành ở nhiều nơi và đã kháng một số hóa chất diệt muỗi làm giảm hiệu quả của các biện pháp phòng bệnh sốt rét.
Đây cũng chính là những khó khăn chính trong việc thanh toán bệnh sốt rét ở nước ta, không chỉ trước mắt mà còn là lâu dài.