Lừng khừng bất động sản
2 quý cuối năm 2019, nguồn cung bất động sản (BĐS) tiếp tục giảm, khác với dự báo trước đó của giới chuyên gia. Tính đến hết Quý III/2019, tổng số sản phẩm chung cư giảm hơn 4.000 căn hộ so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy thế thì giao dịch BĐS cũng không thật sôi động như mọi năm, khi tết đến gần.
Giao dịch thiếu sôi động
Theo các chuyên gia BĐS, nhu cầu về nhà ở, nhất là các căn hộ chung cư bình dân vẫn rất lớn. Nhưng cho dù khan hiếm căn hộ thì giao dịch vẫn không sôi động và giá cũng không bị đẩy lên. Đây được xem là “điều lạ” so với các năm trước, cùng thời điểm. Điều “lạ” nữa là mặc dù tác động từ đề xuất tăng giá đất khiến cho người dân có nhu cầu mua BĐS tăng lên trước khi mặt bằng giá đất thiết lập mức mới. Nhưng giao dịch vẫn không nhiều, nhất là ở hai thành phố lớn là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh.
Tuy nhiên, trong một động thái khác, kể từ những ngày đầu của năm mới 2020, một số chủ đầu tư căn hộ đã nâng mức giá lên trên 10%, và mức giá này được cho là sẽ tiếp tục tăng lên thêm dù giao dịch thành công không nhiều.
Theo giới chuyên gia BĐS, những năm gần đây xu hướng người tiêu dùng đối với BĐS có nhiều thay đổi đã tạo áp lực lên các chủ đầu tư và đơn vị quy hoạch. Trước tiên là việc mua nhà đi kèm tiện ích, với những yêu cầu ngày một khắt khe hơn về nơi an cư. Không chỉ gói gọn trong diện tích nhà ở, người dân ngày càng có xu hướng quan tâm đến tiện ích, môi trường sống, hạ tầng và cả cộng đồng xung quanh. Một xu hướng nữa khi mua nhà là người ta đón đầu vị trí tại các khu vực trung tâm mới của thành phố, thay vì chen chúc tại trung tâm nội đô cũ. Và, một điều nữa là người ta chỉ sẵn sàng xuống tiền với những căn hộ vào ở được ngay, chứ không hào hứng với những căn nhà trong tương lai (nộp tiền trước rồi đợi có nhà). Nhiều bài học cho thấy tiền đầu tư sẽ “chết cứng” nếu đầu tư vào những căn hộ tương lai.
Những lý do đó đã khiến giao dịch BĐS chậm lại, cho dù đây là thời điểm người ta mua nhà nhiều nhất.
Phạt nặng khi vi phạm
Từ câu chuyện mua bán BĐS dịp chuẩn bị Tết, có lẽ cũng cần nhắc lại quy định về xử phạt rất nặng nếu vi phạm trong lĩnh vực đất đai.
Theo quy định của Nghị định 91/2019/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực đất đai có hiệu lực từ ngày 5/1/2020, các hành vi như: tự ý chuyển đất trồng lúa sang đất ở; phân lô, bán nền chưa đủ điều kiện; lấn, chiếm đất; bỏ hoang đất…sẽ bị phạt tiền đến 1 tỷ đồng.
Đáng chú ý, trường hợp chuyển nhượng quyền sử dụng đất dưới hình thức phân lô, bán nền trong dự án đầu tư xây dựng kinh doanh nhà ở để bán hoặc để bán kết hợp cho thuê không đủ từ hai điều kiện quy định tại Khoản 1 Điều 41 của Nghị định số 43/2014/NĐ-CP trở lên thì hình thức và mức xử phạt từ 50 triệu đồng đến 1 tỷ đồng; đi kèm đó là các biện pháp khắc phục bắt buộc.
Theo Khoản 3 Điều 14 Nghị định 91/2019, trường hợp lấn, chiếm đất phi nông nghiệp tại khu vực nông thôn, trừ trường hợp lấn, chiếm đất thuộc hành lang bảo vệ an toàn công trình và đất công trình có hành lang bảo vệ, đất trụ sở làm việc và cơ sở hoạt động sự nghiệp của cơ quan, tổ chức thì bị xử phạt bằng 2 lần mức xử phạt đối với hành vi vi phạm tương ứng tại khu vực nông thôn và mức phạt tối đa không quá 500 triệu đồng đối với cá nhân, 1 tỷ đồng đối với tổ chức.
Cũng tại Nghị định 91 còn quy định, đối với hành vi không sử dụng đất trồng cây hàng năm trong thời hạn 12 tháng liên tục, đất trồng cây lâu năm trong thời hạn 18 tháng liên tục, đất trồng rừng trong thời hạn 24 tháng liên tục mà không thuộc trường hợp bất khả kháng bị xử phạt: Mức phạt đối với tổ chức bằng 2 lần mức phạt tiền đối với cá nhân (tối đa là 20 triệu đồng). Trường hợp đã bị xử phạt mà không đưa đất vào sử dụng thì sẽ bị thu hồi.