Đổi thay ở ngoại thành Hà Nội
Đến thời điểm này, Hà Nội có 6 huyện đạt chuẩn nông thôn mới (NTM), nhưng tính số xã, toàn thành phố có 92% (tương ứng với 356 xã) đã hoàn thành 19 chỉ tiêu NTM.
Để nâng cao chất lượng cuộc sống người dân vùng ngoại thành, các địa phương ngoại thành Hà Nội đang nỗ lực nâng cao chất lượng các tiêu chí NTM; nhiều xã đã đăng ký và hoàn thành Bộ tiêu chí về chuẩn NTM nâng cao do UBND TP Hà Nội ban hành tháng 8/2018.
Đến xã Đan Phượng (huyện Đan Phượng) những ngày này, cảm giác như mùa xuân đã đến sớm. Đó là những con đường “bích họa” đẹp mắt, xóm làng sạch sẽ. Những tuyến đường nở hoa vươn khắp các ngõ xóm. Một trong những điều người dân Đan Phượng tự hào nhất là sự hài hoà giữa “nông thôn mới” và “nông thôn cũ” là hệ thống ao hồ. Ao hồ là lá phổi, tạo nên nét đẹp thanh bình ở các làng quê. Nhiều nơi, nông thôn trở nên “quá mới” bởi ao hồ bị san lấp để lấy đất xây dựng thì tại Đan Phượng, hệ thống ao làng được giữ vững, kè bờ cải tạo, xây dựng lan can bảo vệ an toàn. Hệ thống nước thải được xây dựng riêng không đổ vào ao làng, tạo nên cảnh quan sạch đẹp. Tết Nguyên đán sắp đến, nhưng người dân nơi đây vẫn “đủng đỉnh” trong việc chỉnh trang cảnh quan, vì phong cảnh nơi này đã… đẹp sẵn.
Đan Phượng là 1 trong 3 xã của huyện Đan Phượng được lựa chọn tập trung thực hiện bộ tiêu chí NTM nâng cao do UBND TP Hà Nội ban hành năm 2018. Hai xã còn lại là Song Phượng và Liên Trung. Bộ tiêu chí chuẩn NTM nâng cao được xây dựng trên cơ sở Bộ tiêu chí do Bộ NNPTNT ban hành. Tuy nhiên, các tiêu chí đều được nâng lên một bước. Chẳng hạn như hệ thống giao thông liên xã, đường trục xã phải bảo đảm ô tô đi lại thuận tiện quanh năm; các tuyến đường phải được trồng cây xanh hơn 50%; hệ thống rãnh thoát nước đường phải được đậy nắp đảm bảo an toàn giao thông và vệ sinh môi trường… Về sản xuất, ngoài việc phải có quy hoạch, cơ giới hoá, xây dựng hướng sản xuất chủ lực, thì xã NTM nâng cao phải có mô hình ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất và chế biến sản phẩm an toàn, sạch, hoặc mô hình sản xuất theo hướng hữu cơ…
Đến thời điểm này, Hà Nội đã có 356 xã đạt chuẩn NTM, chiếm tỷ lệ 92%. Nhưng không hài lòng với những gì đạt được, các xã đã đạt chuẩn đều đang tích cực nâng cao chất lượng NTM. Đối với các huyện Gia Lâm, Đông Anh, Thanh Trì, do được quy hoạch để trở thành quận năm 2025 nên việc thực hiện nâng cao chất lượng tiêu chí NTM được gắn với cải tạo hạ tầng, chuyển đổi cơ cấu kinh tế gắn với phát triển thành quận và xây dựng văn minh đô thị. Bằng phương thức Nhà nước và nhân dân cùng làm, huyện Gia Lâm đã đạt được nhiều thành tựu như: 100% trục chính, đường liên thôn được cứng hóa bằng bê tông, xi măng, bê tông nhựa; 100% đường ngõ xóm rộng trên 2m có điện chiếu sáng; 100% các trạm y tế các xã đạt chuẩn theo quy định của Bộ Y tế; 100% thôn, tổ dân phố có nhà văn hóa hoặc nơi sinh hoạt văn hóa cộng đồng; 88,9% người dân tham gia BHYT; 100% hộ gia đình nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh. Thu nhập bình quân đầu người đạt 53,8 triệu đồng/người; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 0,47%. Huyện đang rà soát, đánh giá tiêu chí NTM nâng cao tại 20 xã...
Nhờ có định hướng kịp thời, vùng ngoại thành Thủ đô đang ngày một khởi sắc. Những mô hình canh tác nông nghiệp công nghệ cao, sử dụng nhiều thiết bị, máy móc cơ giới, hướng tới tự động hoá đang hình thành. Hệ thống làng nghề phát triển; hạ tầng tiếp tục được nâng cao. Nhiều khu vực ngoại thành Hà Nội đã sẵn sàng về kinh tế, hạ tầng để sớm đạt các chỉ tiêu trở thành quận trước năm 2025 như thành phố đề ra.