Giám sát để bảo vệ trẻ em
Thống kê của cơ quan chức năng cho thấy, năm 2019, số trẻ em bị xâm hại vẫn gia tăng. Trao đổi với PV báo Đại Đoàn Kết, ông Nguyễn Trọng An- nguyên Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ và chăm sóc trẻ em (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) cho rằng, cần phải đẩy mạnh sự phối hợp giữa các cơ quan, không để trẻ bị xâm hại; và cũng không thể chậm trễ trong việc đưa đi giám định.
Ông Nguyễn Trọng An.
PV: Thưa ông, thời gian qua chúng ta đã có nhiều biện pháp để bảo vệ trẻ em,nhưng thống kê trong năm 2019 cho thấy tình trạng xâm hại trẻ em vẫn có xu hướng gia tăng. Cá nhân ông có đánh giá như thế nào về điều này?
Ông Nguyễn Trọng An: Qua thống kê của ngành công an về những vụ xâm hại tình dục trẻ em từ dâm ô cho đến hiếp dâm; những vụ việc được đưa ra tòa án xét xử; hay số liệu của ngành LĐTBXH cho thấy số trẻ em bị bạo lực, xâm hại tình dục trên toàn quốc có sự gia tăng. Điều này chứng tỏ các biện pháp phòng ngừa hiện nay hiệu quả thấp. Việc điều tra, truy tố, xét xử còn có những lỗ hổng, khi đưa ra xét xử nhiều trường hợp vẫn còn xử nhẹ, không mang tính răn đe. Bên cạnh đó việc quản lý các chất gây nghiện như các chất ma túy, rượu, bia vẫn còn bất cập. Gần đây các vụ hiếp dâm, dâm ô trẻ em cho thấy đa số các đối tượng gây án đã sử dụng chất gây nghiện trước đó.
Cá nhân tôi cho rằng, cùng với các biện pháp phòng ngừa trong thời gian qua hiệu quả chưa cao thì cái gốc để phòng ngừa là sự quan tâm giáo dục của các bậc cha mẹ trong việc chăm sóc, dạy cho con những kỹ năng, kiến thức để tự bảo vệ mình, chưa được quan tâm đúng mức.
Chính vì thế nên trẻ ít có kỹ năng phòng tránh và được bảo vệ. Nhiều gia đình đi làm từ sáng đến tối không quan tâm đến con cái, đôi khi lại gửi con cho hàng xóm, rơi vào đúng tay “yêu râu xanh”. Vì thế sự quan tâm của các bậc làm cha mẹ là vô cùng quan trọng. Theo tôi, tăng cường giáo dục từ gia đình là điều đầu tiên cần quan tâm.
Có ý kiến cho rằng, để bảo vệ trẻ em cần tăng cường sự giám sát của Quốc hội và sửa đổi Luật Trẻ em. Quan điểm của ông?
-Theo tôi, giám sát của Quốc hội là điều được nhiều người mong đợi nhất. Hiện Đoàn giám sát của Quốc hội về việc thực hiện chính sách pháp luật về phòng chống xâm hại trẻ em đang đi giám sát tại các tỉnh, thành phố. Đây cũng là lần giám sát thứ 4 về phòng chống xâm hại trẻ em từ xưa cho đến nay. Còn Luật Trẻ em mới áp dụng được 3 năm nay, cũng có nhiều quy định phòng ngừa, vấn đề là thực thi nó như thế nào. Tôi nói đơn cử hiện tất cả các cộng tác viên cộng đồng đã bị “co lại”, không có cán bộ làm công tác xã hội mà phải làm và kiêm nhiều việc. Cách đây 1 tuần khi đi Thanh Hóa tôi thấy tất cả giờ chỉ trông vào lực lượng phụ nữ vì đã sáp nhập hết rồi. Cho nên có chăng cần sửa đổi lại Nghị định 56, quy định rõ thêm hướng dẫn cụ thể hơn như chính chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc khi yêu cầu mỗi xã, phường phải có nhóm nòng cốt cán bộ bảo vệ trẻ em. Hiện nay cán bộ bảo vệ trẻ em không được hỗ trợ, đào tạo, tập huấn nên họ bỏ nghề rất nhiều. Sau đợt giám sát này, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội nên có kiến nghị tới Quốc hội cần chú trọng, đặc biệt quan tâm tới vấn đề Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã đề nghị đó là mạng lưới bảo vệ trẻ em ở cộng đồng. Ngay Luật Trẻ em đã quy định kiện toàn bộ máy bảo vệ trẻ em ở 3 cấp độ, trong đó ưu tiên cấp độ phòng ngừa và cấp độ phòng ngừa chính là mạng lưới cộng đồng. Đó mới là cái gốc để bảo vệ trẻ em.
Hiện trong các vụ án xâm hại tình dục trẻ em đang vướng ở khâu giám định tư pháp, vậy chúng ta cần phải nhanh chóng sửa những quy định về vấn đề giám định?
-Tôi cho rằng cần phải đẩy mạnh sự phối hợp giữa các cơ quan. Không thể để trẻ bị xâm hại, hiếp dâm đã qua 3 ngày mà chưa đưa đi giám định. Tức là thiếu sự phối hợp chặt chẽ trong quy trình: Từ thu thập thông tin, điều tra, xét hỏi, giám định và ra tòa. Cho nên đây là cái cần kiến nghị sửa đổi sau đợt giám sát của Quốc hội lần này. Hiện nay đó cũng đang là nguyên nhân gây nên chậm trễ trong xử lý khiến các vụ việc xâm hại trẻ em gia tăng. Pháp luật không xử nghiêm minh họ lại tìm cách khác để xử như dùng “luật rừng”, xã hội đen, hoặc mang tiền đi bãi nại, dùng quyền lực gây sức ép, dọa dẫm.
Cá nhân ông mong chờ gì sau đợt giám sát này?
-Quốc hội là cơ quan giám sát tối cao cho nên cần phải tiếp tục duy trì và giám sát thường xuyên hơn. Tôi hy vọng rằng, sau đợt giám sát này, Đoàn giám sát sẽ có những kiến nghị lên Quốc hội và Chính phủ để có những giải pháp mạnh mẽ hơn. Tại buổi làm việc với Đoàn giám sát, tôi đã kiến nghị: Muốn phát hiện và phòng ngừa sớm phải có cán bộ làm công tác xã hội cộng đồng. Họ là những người có kiến thức về xã hội, biết gia đình đó có nguy cơ xảy ra xâm hại trẻ em khi thấy gia đình đó có người nghiện rượu, cờ bạc. Họ biết và đến để tư vấn, cảnh báo sớm và ngăn chặn sớm nguy cơ có thể xảy ra, từ đó có cách hỗ trợ giúp cho các bà mẹ dạy con cách ứng xử đối phó thoát khỏi các tình huống nguy hiểm.
Trân trọng cảm ơn ông!