Đối thoại không hồi kết
Ngày 3/1, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức đối thoại với GS Hồ Ngọc Đại- chủ biên sách Công nghệ giáo dục và PGS Nguyễn Kế Hào- đại diện Trung tâm Công nghệ giáo dục, đơn vị phát hành sách. Trước đó, khi thẩm định các bộ sách giáo khoa (SGK) lớp 1 mới theo chương trình giáo dục phổ thông mới, bộ sách công nghệ giáo dục của GS Hồ Ngọc Đại đã bị loại. Và tại cuộc đối thoại mới nhất này, ý kiến của các bên (cụ thể là đại diện Hội đồng thẩm định với phía của GS Hồ Ngọc Đại, PGS Nguyễn Kế Hào) cũng vẫn không thống nhất. Và kể cả đại diện lãnh đạo Bộ GDĐT cũng vẫn không đưa ra được quyết định cuối cùng.
GS Hồ Ngọc Đại (giữa) tại buổi đối thoại ngày 3/1.
Như vậy, cuộc đối thoại căng thẳng sau hơn 2 giờ đã không tìm được tiếng nói chung. “Vụ việc” vẫn dừng lại ở xuất phát điểm ban đầu.
Có thể hình dung quá trình “vụ việc” như sau:
- Ngày 12/9/2019, Hội đồng Thẩm định SGK lớp 1 theo Chương trình giáo dục phổ thông mới cho biết 3 cuốn sách Công nghệ giáo dục của GS Hồ Ngọc Đại (gồm Toán, Tiếng Việt và Đạo đức) không vượt qua vòng thẩm định đầu tiên.
- Ngày 23/9/2019, PGS Nguyễn Kế Hào thay mặt Trung tâm Công nghệ giáo dục gửi kiến nghị tới Thủ tướng và Bộ trưởng Bộ GDĐT về kết quả thẩm định.
- Ngày 25/9/2019, Bộ GDĐT gửi công văn phản hồi PGS Nguyễn Kế Hào, trong đó nêu tập thể tác giả mẫu sách Tiếng Việt 1 và Toán 1 do GS Hồ Ngọc Đại chủ biên có thể tiếp tục hoàn thiện và đề nghị thẩm định lại, nhưng GS Hồ Ngọc Đại từ chối.
- Ngày 30/9/2019, PGS Nguyễn Kế Hào cho rằng Bộ GDĐT trả lời chưa thỏa đáng và “sẽ tiếp tục kiến nghị lên Chính phủ với tư cách cá nhân”.
- Ngày 15/11/2019, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Bộ trưởng Bộ GDĐT Phùng Xuân Nhạ nghiên cứu kỹ ý kiến của GS Hồ Ngọc Đại, PGS Nguyễn Kế Hào và các chuyên gia, dư luận về chương trình thực nghiệm (SGK Công nghệ giáo dục).
-Ngày 3/1/2020, Bộ GDĐT tổ chức đối thoại với GS Hồ Ngọc Đại và PGS Nguyễn Kế Hào, cùng các cộng sự.
Trở lại với cuộc đối thoại ngày 3/1, người “trong cuộc” đánh giá là khá gay gắt, căng thẳng. Mấu chốt ở chỗ quan điểm của GS Đại và Hội đồng Thẩm định quốc gia về SGK mới không gặp nhau. Theo GS Đại, mục đích duy nhất của ông là sách Công nghệ giáo dục được sử dụng trong năm học mới. GS Đại cũng cho rằng SGK được biên soạn theo chương trình mới “là sản phẩm dịch vụ, đặt tiền rồi làm”, chứ không phải công trình khoa học có tuổi đời hơn 40 năm như sách Công nghệ giáo dục. Vì thế, GS Đại bảo lưu quan điểm sẽ không chỉnh sửa thêm bất cứ điều gì trong bộ sách Công nghệ giáo dục.
Như vậy, quan điểm của GS Đại và những người liên quan không thay đổi. Trong khi Bộ GDĐT thông qua Hội đồng Thẩm định quốc gia về SGK mới cho rằng phải sửa, để có thể nghiệm thu.
Còn PGS Nguyễn Kế Hào (đại diện Trung tâm Công nghệ giáo dục) cho rằng sách của GS Đại đã đi vào đời sống hơn 40 năm cần được thẩm định theo cách khác (được hiểu là không giống cách Hội đồng Thẩm định của Bộ GDĐT tiến hành). Điều đó cũng đồng nghĩa với việc… không cần sửa chữa.
Về phía Hội đồng Thẩm định SGK quốc gia, ý kiến cho rằng sách của GS Đại không phù hợp với chương trình mới chứ không phải chất lượng kém (GS Trần Kiều). Nguyên tắc là Chương trình nào thì sách đó; người làm sách cần xem xét mục tiêu, kết quả cần đạt của chương trình rồi xây dựng nội dung cho sách. Khi có một chương trình mới thì cần những bộ SGK mới, không thể lấy lý do có nhiều học sinh đang học thì phải được tiếp tục. Còn theo GS Trần Đình Sử, Chủ tịch Hội đồng Thẩm định SGK môn tiếng Việt, cho rằng SGK cần được thẩm định theo tiêu chí chung. Nếu có ngoại lệ cho sách của GS Đại thì sẽ không công bằng cho các tác giả khác.
Đến lúc này, chủ trì buổi đối thoại, Thứ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Hữu Độ bày tỏ trân trọng những đóng góp của GS Đại cho giáo dục, đồng thời mong muốn GS Đại và cộng sự điều chỉnh bộ sách Công nghệ giáo dục phù hợp với Chương trình mới để Hội đồng thẩm định lại và áp dụng vào các năm học sau. Ông Độ cũng mong bộ SGK của GS Đại được sử dụng trong nhà trường, nhưng về việc linh hoạt hay có ngoại lệ thì Bộ GDĐT không thể giải quyết và cũng không thể có một cách thẩm định khác.
Tuy nhiên, GS Đại cũng như PGS Hào đã không đồng tình với ý kiến “chốt lại” của Thứ trưởng Độ, và vẫn từ chối đề nghị chỉnh sửa bộ sách.
Như vậy là “luận chiến” sửa hay không sửa, ngoại lệ hay không ngoại lệ, sử dụng hay không sử dụng đối với bộ SGK Công nghệ giáo dục do GS Hồ Ngọc Đại chủ trì vẫn không có hồi kết. Câu chuyện không chỉ gói lại trong “nhóm” làm SGK này với “nhóm” làm SGK khác, mà sâu xa hơn có lẽ chính là quan điểm phát triển “ý tưởng triết học” cho nền giáo dục, chí ít là ở bậc phổ thông. Lại nhớ, cách đây chưa lâu, việc hơn mười người của Sở GDĐT TPHCM được cho là đã “nhận thù lao” hàng tháng (kể từ năm 2015) của NXB Giáo dục cũng lại liên quan đến SGK. SGK là công cụ thiết yếu trong trường học mà cứ lình xình mãi, từ chuyện nọ sang chuyện kia thì quả cũng phải xem là chuyện lạ. Không thể tranh luận mãi, mà phải có hồi kết. Đối thoại mà không có hồi kết với một chuyện rất quan trọng là SGK cho con em chúng ta học thì cũng không nên đối thoại mãi để làm gì.