Lắng nghe dân
Điều được cử tri mong mỏi ở Quốc hội - cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất - chính là việc lắng nghe ý dân phản ánh tới Quốc hội, thông qua đó, những đòi hỏi của thực tiễn cuộc sống được luật hóa, quyết định dựa trên ý kiến của nhân dân. Đó cũng là cách phản ánh hoạt động của Quốc hội ngày càng thiết thực, dựa vào dân để hành động của Nhà nước pháp quyền XHCN.
Toàn cảnh phiên họp Quốc hội, Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV. (Ảnh: Văn Điệp/TTXVN).
Ý dân trở thành hành động
Có thể nhìn nhận rằng trong năm 2019 những quyết sách được Quốc hội quyết định đều dựa trên ý dân. Đầu tiên có thể thấy ở việc thông qua Luật Phòng chống tác hại rượu, bia. Sau nhiều giằng co, thêm vào - bỏ ra các điều khoản, Luật Phòng chống tác hại rượu, bia đã được Quốc hội thông qua vào ngày 14/6 với đa số phiếu tán thành, trong đó quy định cấm điều khiển phương tiện giao thông khi uống rượu, bia. Trước khi biểu quyết thông qua toàn bộ dự thảo luật, các ĐBQH đã biểu quyết thông qua quy định “nghiêm cấm điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn” với 374/ 446 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành, chiếm tỷ lệ 77,27%. Như vậy, kể từ khi luật này có hiệu lực vào ngày 1/1/2020, người đã uống rượu, bia sẽ không được lái xe. Đó cũng là mong đợi của cử tri cả nước trước tình trạng tai nạn giao thông thời gian qua diễn ra nghiêm trọng bởi các “ma men” đã làm ảnh hưởng tới cuộc sống an lành của người dân trong sự nơm nớt “sáng dắt xe đi chiều không trở về”. Cũng là bởi tại các cuộc tiếp xúc cử tri của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội và MTTQ Việt Nam nhiều cử tri đã kiến nghị Quốc hội cần có chế tài nghiêm khắc để chấn chỉnh tình trạng tai nạn giao thông nghiêm trọng diễn ra liên tiếp trong thời gian qua.
Và đề nghị “tha thiết” của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã được thể hiện thông qua việc đồng thuận cao của các ĐBQH. Thực tế thì ngay sau khi luật được thông qua, nhiều ĐBQH đã bày tỏ quan điểm đồng tình rằng việc quy định: Đã uống rượu, bia thì không được điều khiển phương tiện giao thông là cần thiết. Bởi quy định này sẽ mở rộng đối tượng không được uống rượu, bia khi tham gia giao thông và tạo chế tài nghiêm khắc để xử lý người vi phạm, đáp ứng nguyện vọng của cử tri, ĐBQH, thể hiện quyết tâm của Chính phủ trong việc ngăn chặn các vụ tai nạn giao thông.
Một vấn đề cũng cần nhắc đến của việc “lắng nghe ý dân” chính là quyết tâm chính trị rất cao của Quốc hội khi thông qua Bộ luật Lao động sửa đổi vốn có nhiều tranh cãi. Bằng chứng là phải trải qua 3 kỳ mới thông qua (thay vì 2 kỳ như thường lệ) xung quanh quy định “mở rộng khung thỏa thuận thời giờ làm thêm tối đa từ 300 lên 400 giờ/ năm”. Đây là vấn đề nhận được nhiều quan điểm trái chiều giữa người sử dụng doanh nghiệp và người lao động. Do là vấn đề liên quan trực tiếp đến quyền lợi và sức khỏe của người lao động bởi “sức khỏe của người lao động” - được coi là tài sản quý giá nhất của mỗi quốc gia gắn với phát triển bền vững của đất nước, hay là “hạnh phúc của mỗi gia đình” là điều được Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân đề cập. Đã có những giọt nước mắt của ĐBQH rơi trên ghế nghị trường khi nói về đời sống của người lao động khi phải làm thêm giờ. Về phần mình, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã lấy phiếu thăm dò, sau đó đề nghị Quốc hội giữ nguyên quy định hiện hành về giờ làm thêm tối đa (300 giờ/ năm), tức là giữ nguyên như luật hiện hành, nhưng cần ghi rõ thời gian làm thêm giờ theo tháng là 40 giờ/ tháng thay vì 30 giờ/tháng và bổ sung quy định cụ thể về các trường hợp được tổ chức làm thêm giờ từ trên 200 giờ đến 300 giờ/ năm. Như vậy, với quy định này, người sử dụng lao động có thể huy động giờ làm thêm theo mùa (thêm 10 giờ mỗi tháng) nhưng không được vượt quá 300 giờ/ năm.
Ngay sau khi luật được thông qua ông Bùi Sỹ Lợi - Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội - cho rằng: Mong muốn giảm giờ làm, nâng lương, tăng thu nhập là xu thế của các nước. Nhưng Chính phủ đánh giá rằng đất nước dù tăng trưởng nhưng năng suất lao động còn thấp, tăng trưởng chưa ổn định thì việc giảm từ 48 giờ xuống 44 giờ/ tuần, tương đồng giảm 408 giờ/ năm sẻ giảm khoảng 0,5% tăng trưởng kinh tế. Việc quan trọng của đất nước là giữ được tốc độ tăng trưởng, giữ được nền kinh tế phát triển. Khi khung thời gian làm thêm thoả thuận không được nâng lên, việc giữ nguyên thời gian làm việc bình thường là cơ hội để người lao động tăng thu nhập. Điều này nhằm cân đối lợi ích của các bên. Và thực tế luật đã được Quốc hội thông qua với 90,06% ĐBQH tán thành.
ĐBQH phải “dám nói”
Tuy nhiên, cũng phải nhìn nhận rằng để việc lắng nghe ý dân nhiều hơn, quyết định dựa trên ý dân cũng đặt ra vấn đề trong thời gian tới Quốc hội cũng cần phải đổi mới để gần dân, và quyết sách cho “trúng” hơn. Một vấn đề có thể nhìn thấy đó chính là “tuổi thọ” của các luật hiện nay được thông qua đang quá ngắn, phải thay đổi, chỉnh sửa nhiều lần dẫn đến tính thiếu ổn định của hệ thống pháp luật. Là người đã trải qua 2 nhiệm kỳ là ĐBQH chuyên trách, với cương vị là Phó trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Bình, khi nói với PV Tinh hoa Việt, ông Bùi Văn Phương cho rằng: Để Quốc hội gần dân thì “việc đầu tiên phải làm là coi ĐBQH là trung tâm hoạt động của Quốc hội. Để đảm đương được việc đó, ĐBQH phải là người thực sự tiêu biểu cho năng lực, trí tuệ và nguyện vọng của người dân. Với tinh thần đó lựa chọn ĐBQH phải đúng tinh thần là người dám nói lên tiếng nói của dân, đại diện cho trí tuệ của dân”.
Là ĐBQH của tỉnh nên ông Phương cho biết bị lệ thuộc vào tỉnh, đặc biệt trong cơ chế hiện nay khi cơ chế xin - cho vẫn còn. Địa phương vẫn lệ thuộc vào Trung ương, cho nên đoàn ĐBQH tỉnh khó phát huy được vai trò của mình. Cho nên tới đây khi sửa Luật tổ chức Quốc hội phải sửa “đoàn ĐBQH là cơ cấu của Quốc hội”, là tai, mắt, cánh tay nối dài của Quốc hội tại địa phương chứ không phải trực thuộc địa phương. “Với quy mô như thế đoàn ĐBQH mới phát huy được vai trò và ĐBQH mới thực sự là người đại diện cho ý chí nguyện vọng của nhân dân. Nếu cứ theo cấu trúc như hiện nay thì rất khó, vì ĐBQH khó có thể nói đầy đủ thực sự tâm tư nguyện vọng. Bởi nói đúng tâm tư nguyện vọng lại vướng mắc đến câu chuyện lợi ích của địa phương” - ông Phương nói.
Theo ĐB Nguyễn Anh Trí (đoàn Hà Nội), dù công tác lập pháp thời gian qua đã có nhiều bước tiến, song tuổi thọ của luật vẫn ngắn, sau vài năm phải sửa đổi. Nguyên nhân của tình trạng trên được ông Trí nhìn nhận là do không phải ĐBQH nào cũng học luật và hiểu biết chuyên môn về làm luật. Có những luật chỉ có 6 đến 9 ý kiến phát biểu, ít ý kiến phát biểu, chứng tỏ ĐBQH ít quan tâm, hoặc “né tránh”, ngại nói. Trong khi thực tế cuộc sống thực tiễn thay đổi quá nhanh, do đó cần phát huy tình thần thẳng thắn, dám nói của các ĐBQH trên nhiều góc cạnh. Bởi mỗi ĐBQH có chuyên môn ở một lĩnh vực khác nhau, việc lắng nghe và tiếp thu ý kiến phát biểu của nhiều ĐBQH sẽ khiến Quốc hội quyết định các vấn đề sát và trúng với ý nguyện của nhân dân.
ĐBQH có vai trò quan trọng trong quá trình xây dựng và phát triển của đất nước. Những phát ngôn, sự phát hiện, kiến nghị của ĐBQH đều xuất phát từ quá trình giám sát thực tế. Và để ĐBQH dám nói lên ý chí nguyện vọng của nhân dân, ngoài một sự “độc lập thực sự”, thì một vấn đề quan trọng chính là việc MTTQ Việt Nam cần tăng cường hoạt động giám sát ĐBQH theo quy định của Luật MTTQ Việt Nam về giám sát đại biểu dân cử. Bởi đây cũng chính là cơ sở để góp ý với ĐBQH trong việc thực hiện nhiệm vụ ĐBQH được cử tri cả nước bầu ra. Và có như vậy mới thấy được ĐBQH nào có trách nhiệm với công việc, đáp ứng được mong muốn của cử tri và nhân dân cả nước.