TP Hồ Chí Minh: Hiến kế ‘xây dựng gia đình hạnh phúc’

Thành Luân 06/01/2020 16:20

Lo lắng trước các vấn đề về gia tăng ly hôn, ly thân gia tăng; tỷ lệ trẻ mất bố (hoặc mẹ) lên tới gần 20%; tỷ suất sinh ở mức thấp nhất cả nước, đồng thời liên tục giảm dần qua từng năm, chính quyền TP HCM dự kiến thí điểm “Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình” trong những năm tiếp theo để xây dựng gia đình hạnh phúc, phát triển xã hội bền vững.

TP Hồ Chí Minh: Hiến kế ‘xây dựng gia đình hạnh phúc’

Quang cảnh buổi tọa đàm. (Ảnh: Hồng Phúc).

Chiều 6/1, tại TP HCM, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam TP HCM tổ chức buổi tọa đàm “Xây dựng gia đình hạnh phúc, phát triển bền vững”, với sự tham dự của đại diện các cơ quan quản lý nhà nước, các nhà khoa học và nhà nghiên cứu từ nhiều địa phương đến đóng góp ý kiến, hiến kế.

Nhiều bất ổn gia đình nảy sinh đến mức báo động

Phát biểu đề dẫn tại tòa đàm, bà Triệu Lệ Khánh, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hồ Chí Minh nhìn nhận, đang có những bất ổn và diễn biến phức tạp trong gia đình hiện đại, mà biểu hiện cụ thể là tình trạng ly hôn, ly thân gia tăng; trẻ em thiếu thốn tình cảm gia đình, vi phạm pháp luật gia tăng; sự gắn bó, trách nhiệm giữa các thành viên trong gia đình có biểu hiện ngày càng lỏng lẻo. Cũng theo bà Triệu Lệ Khánh, các bất ổn của gia đình - tế bào nhỏ của xã hội, cũng đã tác động đến sự phát triển chung về kinh tế - xã hội của TP HCM, do đó cấp thiết phải có giải pháp, hiến kế kịp thời cho chiến lược phát triển bền vững, lâu dài trong giai đoạn mới.

Tại buổi tọa đàm, nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Phát triển TP HCM về “Những yếu tố tác động đến hành vi vi phạm pháp luật của trẻ vị thành niên ở TP HCM” đưa ra các con số biết nói cụ thể về thực trạng có một tỷ lệ khá lớn trẻ vị thành niên vi phạm pháp luật do tác động từ yếu tố gia đình bất ổn.

Cụ thể, khảo sát xác định có 15,1% trẻ có bố mẹ ly hôn/ly thân; 19,8% mất bố hoặc mất mẹ; 5,7% mất cả bố lẫn mẹ; tệ nạn xã hội tấn công vào nhiều gia đình, trong đó có không ít gia đình có ít nhất một người thân từng vi phạm pháp luật.

Đi vào những vấn đề nổi cộm, PGS.TS Nguyễn Văn Trình, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển TP HCM chỉ ra các vấn đề xã hội nảy sinh khi trẻ em trên địa bàn thành phố phải sống hoàn cảnh gia đình khiếm khuyết do cha mẹ ly thân, ly hôn hoặc trường hợp mất mẹ, mất cha khiến các em phải sống mồ côi suốt thơ ấu đến trưởng thành. Cũng không ít trường hợp có đầy đủ cả cha lẫn mẹ nhưng mối quan hệ giữa các thành viên trong gia đình có biểu hiện lỏng lẻo, ngoại tình hoặc tình cảm lạnh nhạt. Các biểu hiện bất ổn nêu trên của nhiều gia đình hiện nay đã và đang dẫn đến hệ lụy các thành viên trong gia đình ít khi ăn cơm chung, sinh hoạt chung, ít trò chuyện, quan tâm, chăm sóc và có trách nhiệm với nhau.

Sự bất ổn của gia đình ở TP HCM hiện nay được ThS. Nguyễn Thị Ngọc Ánh, giảng viên Khoa Văn hóa học, Trường ĐH Văn hóa TP HCM chỉ ra nguyên nhân của tình trạng ở nhiều góc độ. Đó là quá trình đô thị hóa “quá nóng”, luôn ở tỷ lệ cao nhất nước (82%); quá trình chuyển đổi phát triển công nghiệp, dịch vụ nhanh, dẫn đến sự hình thành nhiều khu dân cư mới thiếu các điều kiện cơ bản của một xã hội thu nhỏ, gây các bất ổn, phức tạp về an ninh, trật tự và các vấn đề xã hội nảy sinh. “Các thành viên đang cô đơn trong chính gia đình của mình. Nhiều bất ổn cũng kéo theo biến đổi về kết cấu, chức năng kinh tế gia đình truyền thống và chuyển thành gia đình hiện đại. Sự phát triển nóng các KCN, KCX cũng đang làm biến đổi chiến lược sống, giá trị sống, các chuẩn mực của không ít gia đình tại TP HCM”, bà Nguyễn Thị Ngọc Ánh chia sẻ.

Nhiều đại biểu cũng chỉ ra thực tế, các gia đình ở TP HCM hiện nay chủ yếu sống hai thế hệ, cha mẹ và con cái, gia đình ba thế hệ chiếm tỷ lệ nhỏ hơn. Tốc độ tăng dân số chậm đi, mỗi gia đình có xu hướng chỉ sinh 1 đến 2 con nên quy mô hộ gia đình cũng ngày càng nhỏ đi. Hệ lụy là TP.HCM hiện được liệt vào danh sách 17 tỉnh, thành có mức sinh con rất thấp. Tổng tỷ suất sinh ở thành phố năm 2018 là 1,33 con/người phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ, là mức rất thấp so với mức sinh thay thế của cả nước là 2,1 con/phụ nữ. Áp lực của cuộc sống, sinh con muộn, sinh ít con và không muốn sinh con ngày càng gia tăng tại TP HCM. Việc nuôi dạy, chăm sóc con cái hiện nay đòi hỏi rất nhiều chi phí, như: ăn uống, học hành, chăm sóc sức khỏe, vui chơi giải trí,…khiến tâm lý sợ tốn kém nảy sinh trong không ít các gia đình trẻ trên địa bàn thành phố.

Cần phát huy vai trò đầu mối của Mặt trận từ cơ sở

Tại buổi tọa đàm, các nhà nghiên cứu, nhà khoa học và đại diện các cơ quan quản lý Nhà nước của TP HCM thừa nhận, việc kêu gọi xây dựng gia đình hạnh phúc phải kèm theo các phúc lợi xã hội tương xứng mới đảm bảo chiến lược bền vững, lâu dài.

TP Hồ Chí Minh: Hiến kế ‘xây dựng gia đình hạnh phúc’ - 1

Trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt và lang thang, mồ côi, cơ nhỡ được chăm sóc tại một cơ sở tôn giáo tại TP HCM. (Ảnh: Hồng Phúc).

Hiến kế của PGS.TS Nguyễn Văn Trình, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển TP HCM đề xuất xây dựng hệ thống xã hội giáo dục từ nhà trẻ, mẫu giáo, tiểu học, trung học, đại học, cơ sở chăm sóc y tế, bảo hiểm,…phải bảo đảm thay thế sự hỗ trợ của gia đình 3, 4 thế hệ. Qua đó, giúp lao động chính trong các gia đình phát huy được tối đa việc khai thác chuyên môn và đóng góp xã hội của mình. Chuyên gia này cũng đề nghị hệ thống chính quyền, mặt trận, đoàn thể chính trị - xã hội cùng chung tay vào tạo điều kiện cho các gia đình TP HCM được tiếp cận nhanh hơn với kiến thức pháp luật, văn hóa, y tế, giáo dục, khoa học kỹ thuật và phúc lợi xã hội, nâng cao quyền làm chủ, quyền tự quyết của từng thành viên gia đình thời đại công nghiệp hóa.

Bà Võ Thị Phương Uyên, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam Q.Bình Thạnh, TP HCM kiến nghị với chính quyền thành phố nên khuyến khích xã hội hóa các hoạt động phát huy giá trị tốt đẹp các mối quan hệ trong gia đình, trong đó đề cao tính chủ động và trách nhiệm của các cấp, các ngành trong việc hỗ trợ xây dựng, phát triển gia đình, lồng ghép thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu liên quan đến lĩnh vực gia đình. Ngoài ra, bà Uyên kiến nghị khuyến khích sự tham gia của cộng đồng dân cư, các tổ chức, dòng họ, cá nhân tạo điều kiện, cơ hội để các thành viên trong gia đình nâng cao nhận thức và thực hiện các quyền cơ bản của mình.

Trong khi đó, ông Nguyễn Hữu Châu, Ủy viên Hội đồng tư vấn các vấn đề về Xã hội của UBTƯ MTTQ Việt Nam, nguyên Ủy viên Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam TP HCM chia sẻ kinh nghiệm của quận Bình Thạnh và TP Hồ Chí Minh trong xây dựng Ban Công tác Mặt trận khu phố và tổ Công tác Mặt trận ở địa bàn tổ dân phố từ những năm 1980.
Ông Nguyễn Hữu Châu kiến nghị cần thí điểm xây dựng gia đình hạnh phúc ngay từ cơ sở, với sự tham gia tích cực của Mặt trận và các đoàn thể chính trị - xã hội.
Theo ông Châu, mô hình tổ công tác Mặt trận sát với các hộ gia đình ở khu dân cư, Mặt trận có thể đứng ra làm đầu mối và các đoàn thể cùng phối hợp với các Ban Điều hành tổ dân phố để xuống cơ sở tiếp dân, lắng nghe ý kiến, cũng như hiến kế của từng hộ gia đình.

Cũng tại buổi tọa đàm, ông Hứa Văn Nhơn, đại diện một hộ gia đình truyền thống tại KP2, huyện Củ Chi, TP HCM chia sẻ kinh nghiệm “Mỗi thời đại phải có cách nuôi, dạy con cái phù hợp và không thể vận dụng cách dạy của thế kỷ trước để áp đặt cách dạy con cái hôm nay. Tôi đã chứng kiến nhiều bậc phụ huynh nhắc đi nhắc lại những điệp khúc “ngày xưa ba mẹ thế này, ngày xưa ba mẹ thế kia” để bắt con cháu làm theo và hệ quả là chúng làm ngược lại hoàn toàn”. Do đó, từ kinh nghiệm của gia đình mình, ông Hứa Văn Nhơn cho rằng, không nên tạo áp lực nặng nề, yêu cầu cao và buộc con cái, cháu chắt mình phải đi theo con đường vạch sẵn của cha mẹ chúng. Hơn hết, muốn con cháu sống trong gia đình hạnh phúc thì mỗi người lớn phải là những người hạnh phúc và phải là tấm gương sáng cho các thế hệ sau noi theo.

Thành Luân