'Xóa đói, giảm nghèo', một cống hiến to lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, của Đảng, Nhà nước cho nước ta và thế giới

Nguyễn Túc (Ủy viên Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam) 07/01/2020 19:38

Ngay từ những ngày đầu khi Cách mạng tháng Tám vừa thành công, Chính phủ Cách mạng lâm thời do Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng đầu được thành lập, ngày đêm phải lo đối phó với thù trong giặc ngoài, nhưng vẫn dành sự quan tâm sâu sắc đến việc chăm lo cuộc sống cho người lao động nghèo khó - lực lượng cơ bản của cách mạng vừa thoát khỏi cảnh nô lệ, bị áp bức và bóc lột.

'Xóa đói, giảm nghèo', một cống hiến to lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, của Đảng, Nhà nước cho nước ta và thế giới

Bác Hồ thăm nông dân gặt lúa trên cánh đồng xã Hùng Sơn, huyện Đại Từ, Thái Nguyên. (Ảnh tư liệu).

Ngày 17/10/1945, trong bức thư gửi Ủy ban Nhân dân các kỳ, tỉnh, huyện và làng được in trên báo “Cứu Quốc”, Người kêu gọi toàn dân cùng Chính phủ tập trung lực lượng để ra sức chống ba thứ giặc là: giặc đói, giặc dốt, giặc ngoại xâm, trong đó giặc đói được Người đặt lên hàng đầu. Tại phiên họp đầu tiên của Ủy ban Nghiên cứu Kiến quốc ngày 10/1/1946, Người một lần nữa nhấn mạnh đến bổn phận của Nhà nước phải chăm lo cho dân có cơm ăn, áo mặc, chỗ ở và việc học hành: “Chúng ta đã tranh được tự do, độc lập rồi mà dân cứ chết đói, chết rét thì độc lập, tự do cũng không làm gì. Dân chỉ biết giá trị của tự do, của độc lập khi dân được ăn no, mặc đủ. Chúng ta phải thực hiện ngay:

1. Làm cho dân có ăn

2. Làm cho dân có mặc

3. Làm cho dân có chỗ ở

4. Làm cho dân có học hành

Cái đích mà ta đi đến là 4 điểm đó. Đi đến để dân nước ta xứng đáng với tự do, độc lập và giúp được cho tự do, độc lập".

75 năm qua, tuân theo lời chỉ giáo của Chủ tịch Hồ Chí Minh, được sự lãnh đạo của Đảng, truyền thống tốt đẹp đó được Nhà nước, nhân dân ta trân trọng và bồi đắp. "Xóa đói, giảm nghèo" đã trở thành mục tiêu phấn đấu của sự nghiệp cách mạng cao cả, mang tính nhân văn sâu sắc, một trọng điểm chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của Đảng và Nhà nước ta. Sau rất nhiều năm kiên trì phấn đấu, chúng ta đã xóa được đói, giảm nhanh được nghèo.

Ngày nay "xóa đói, giảm nghèo" không còn là vấn đề của mỗi quốc gia riêng biệt, mà đã trở thành một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của toàn nhân loại. Tình hình đó đặt ra cho mỗi nước phải cộng tác với nhau để cùng giải quyết. Với tinh thần đó, Hội nghị cấp cao thiên niên kỷ của Liên Hiệp Quốc với sự tham gia của hơn 150 vị đứng đầu Nhà nước, Chính phủ cùng nhiều quan chức của tổ chức lớn nhất thế giới đã ra Tuyên bố Thiên niên kỷ, trong đó nêu rõ: "Giúp nhân dân các nước thoát khỏi cảnh đói nghèo, cùng cực; tạo dựng ở cấp độ quốc gia và toàn cầu môi trường thuận lợi cho phát triển và xóa đói, giảm nghèo". Hội nghị đánh giá cao những cố gắng to lớn của Việt Nam trong "xóa đói, giảm nghèo" và lấy ngày 17/10 hàng năm làm "ngày thế giới chống đói nghèo". Đây thực sự là một vinh dự lớn, đồng thời là một trách nhiệm nặng nề của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta trước dân tộc và nhân loại!

Thực hiện hoài bão cháy bỏng và "ham muốn tột bậc" của Hồ Chủ tịch, đồng thời cũng là khát vọng ngàn đời của dân tộc, Đảng lãnh đạo nhân dân ta đã đánh thắng các thế lực xâm lược, giành độc lập, tự do, thống nhất đất nước, tiến hành xây dựng xã hội chủ nghĩa và bảo vệ Tổ quốc, cải thiện rõ rệt đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân.

Qua 20 năm thực hiện chiến lược phát triển kinh tế xã hội (1991-2000) và (2001-2010) chúng ta đã tranh thủ thời cơ, vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, đưa đất nước ta ra khỏi tình trạng kém phát triển, bước vào nhóm các nước đang phát triển có thu nhập trung bình. Đời sống của đại bộ phận nhân dân được cải thiện rõ rệt, một bộ phận giàu lên nhanh chóng và đất nước đã có những tỷ phú đô-la. Đảng và Nhà nước đã đề ra nhiều chủ trương, ban hành nhiều chính sách nhằm tạo cơ hội cho người nghèo phấn đấu thoát khỏi cảnh đói nghèo. Chính phủ đã đầu tư ngày càng nhiều cho chương trình "xóa đói, giảm nghèo", hỗ trợ ngày càng thiết thực và có hiệu quả hơn về mọi mặt cho các xã đặc biệt khó khăn.

Với quan điểm: những vấn đề xã hội phải được giải quyết bằng các phương thức xã hội, tức xã hội hóa, những năm qua các Bộ, ban, ngành, đoàn thể và nhân dân ở nhiều địa phương đã hưởng ứng, xây dựng và triển khai chương trình "xóa đói, giảm nghèo", tham gia cuộc vận động lớn "cả nước chung tay vì người nghèo, không để ai bỏ lại phía sau" với nhiều biện pháp sáng tạo như: cho hộ nghèo vay vốn tín dụng ưu đãi từ Quỹ ngân hàng Phục vụ người nghèo, nay là Ngân hàng Chính sách; tập huấn kiến thức, hướng dẫn kinh nghiệm sản xuất kinh doanh cho người nghèo; khám chữa bệnh miễn phí; lập quỹ hỗ trợ cho bệnh nhân nghèo; miễn giảm học phí và cung cấp sách giáo khoa cho học sinh nghèo; lập quỹ khuyến học dành cho học sinh nghèo vượt khó; xây dựng các trường dân tộc nội trú; cung cấp miễn phí một số nhu yếu phẩm cho đồng bào dân tộc vùng sâu, vùng xa, v.v... Đặc biệt, với cuộc vận động "Ngày vì người nghèo" do UBTƯ MTTQ Việt Nam phát động, thu hút toàn bộ hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở với sự tham gia của hàng triệu cán bộ, đảng viên và nhân dân đã mang lại kết quả to lớn cả về vật chất lẫn tinh thần và đạo lý. Cùng với những hỗ trợ đó, sự phấn đấu vươn lên của bản thân những hộ nghèo, xã nghèo, chúng ta còn nhận được sự giúp đỡ quý báu của các nước, các tổ chức quốc tế và các nhà hảo tâm trên thế giới, giải quyết có kết quả vấn đề "xóa đói, giảm nghèo" và được toàn cầu thừa nhận.

Song, với một nước đi lên ban đầu từ nông nghiệp, xuất phát điểm của nền kinh tế đã thấp, lại trải qua sự tàn phá nặng nề với hậu quả hết sức nghiêm trọng của chiến tranh ác liệt và thiên tai liên tiếp, nên cuộc chiến đấu chống đói nghèo của nhân dân ta còn hết sức khó khăn, gian khổ. Tỷ lệ hộ đói nghèo vẫn còn cao; số hộ đói nghèo, xã đói nghèo phần lớn tập trung vào đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa, đường sá đi lại khó khăn, trình độ dân trí thấp và phương thức canh tác nhìn chung còn rất lạc hậu. Hơn nữa, kết quả "xóa đói giảm nghèo" mà chúng ta có được thời gian qua chưa đảm bảo tính bền vững. Nếu không được quan tâm, chú ý thường xuyên thì tình trạng tái đói, tái nghèo vẫn có khả năng xảy ra. Mặt khác, khái niệm "xóa đói, giảm nghèo" của Liên Hiệp Quốc ngày nay đã được bổ sung nhiều nội dung mới, đó là không chỉ lo ăn, mặc như trước mà còn phải lo chỗ ở, học hành, chữa bệnh. Vì vậy, đối với nhân dân ta, "xóa đói giảm nghèo" hiện nay vẫn là vấn đề xã hội lớn lao, là một cuộc cách mạng cao cả, một chính sách lớn của Đảng và Nhà nước, thể hiện bản chất tốt đẹp của chế độ xã hội chủ nghĩa. Sự nghiệp cách mạng cao cả đó chỉ có thể giải quyết thành công khi chúng ta huy động được tối đa sức mạnh của dân tộc, thực hiện đúng lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh là "lấy sức ta mà giải phóng cho ta".

Với tinh thần Đại hội XII của Đảng, các cơ quan Nhà nước cần khẩn trương hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách; nhanh chóng tháo gỡ khó khăn để huy động toàn dân đem nhân lực, vật lực, tài lực tham gia đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa; tăng cường đầu tư và đầu tư có hiệu quả cho các xã nghèo, vùng nghèo; khuyến khích những vùng, những địa phương, những doanh nhân có thu nhập cao, hỗ trợ, giúp đỡ, tạo điều kiện thuận lợi cho những hộ nghèo, xã nghèo sớm thoát khỏi cuộc sống đói khổ, nhanh chóng hòa nhập với cộng đồng. UB MTTQ các cấp cần phối hợp với chính quyền cùng cấp động viên cho được đồng bào ta ở trong nước cũng như ở nước ngoài, nhất là các doanh nhân thành đạt, các gia đình làm ăn khá giả, các cơ quan, lực lượng vũ trang bằng những việc làm tự nguyện, cụ thể và thiết thực, giúp đỡ về vật chất, tinh thần và kinh nghiệm làm ăn cho các gia đình nghèo khó, vùng đói nghèo, góp sức cùng Đảng, Nhà nước đẩy nhanh tiến trình "xóa đói, giảm nghèo".

Cuộc vận động Toàn dân tham gia "Ngày vì người nghèo" do UBTƯ MTTQ phát động là cuộc vận động thường xuyên, lâu dài và có thể tiến hành thành nhiều đợt tùy theo hoàn cảnh của từng địa phương, song trên cả nước, Ban Thường trực thống nhất lấy ngày 17/10 hàng năm - Ngày Bác Hồ khởi xướng và cũng là ngày cả thế giới chống đói nghèo, làm ngày cao điểm. Để cuộc vận động đạt kết quả cao nhất, cần làm tốt hơn nữa công tác tuyên truyền, vận động, có sự phối hợp tốt giữa "Quỹ vì người nghèo" với "Quỹ xóa đói giảm nghèo". Và điều quan trọng hơn cả là mọi hoạt động cứu giúp phải được công khai, minh bạch, dân chủ và công bằng.

Nguyễn Túc (Ủy viên Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam)