Xử lý nghiêm vi phạm, thay đổi thói quen sử dụng rượu bia
Sau khi Luật Phòng, chống tác hại của rượu bia và Nghị định 100/2019/NĐ-CP của Chính phủ về xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt chính thức có hiệu lực, các lực lượng chức năng đã đồng loạt ra quân, xử lý nghiêm vi phạm. Theo ghi nhận của phóng viên báo Đại Đoàn Kết, tình trạng uống rượu bia khi lái xe đã có nhiều thay đổi tích cực, đặc biệt với các tài xế ô tô.
Cảnh sát giao thông tỉnh Điện Biên kiểm tra bằng lái và giấy tờ xe của người tham gia giao thông. Ảnh: Phan Tuấn anh – TTXV.
Đồng loạt ra quân
Đêm 4/1, chúng tôi trực tiếp có mặt tại khu vực vòng xoay An Lạc nằm trên Quốc lộ 1A đi qua địa bàn quận Bình Tân (TP HCM) cùng Đội CSGT An Lạc (thuộc Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt PC08, Công an TP HCM) kiểm tra nồng độ cồn tài xế ô tô theo phương pháp chuẩn quốc tế. Đại diện Phòng PC08 cho biết, quy trình kiểm tra nồng độ cồn theo
chuẩn quốc tế gồm 2 bước cơ bản là định lượng và định tính. Khi kiểm tra, các tài xế ô-tô không cần dừng xuống xe. Theo đó, tại các tuyến đường có ít nhất 5 làn đường, lực lượng CSGT sẽ phân luồng, hướng dẫn các tài xế di chuyển vào 3 làn bên phải và hỏi danh tính, chủ xe. Tài xế vẫn ngồi trên xe và có thể trả lời lực lượng CSGT. Nếu máy chuyên dụng phát hiện trên phương tiện này có nồng độ cồn thì tài xế sẽ được yêu cầu di chuyển xe vào làn trong cùng bên phải và xuống xe xuất trình giấy tờ, tham gia bước kiểm tra định lượng. Ở quy trình này, tài xế sẽ thổi vào máy đo nồng độ cồn để kiểm tra và xác định nồng độ cồn của tài xế. Tuỳ theo từng nồng độ, các mức phạt sẽ khác nhau.
Trong khoảng thời gian từ 22h đến 23h ngày 4/1, lực lượng CSGT đội An Lạc đã kiểm tra hàng trăm phương tiện, phát hiện 3 phương tiện có nồng độ cồn. Cũng trong đêm 4/1, tại tuyến đường Xa lộ Hà Nội (Quận Thủ Đức), Đội CSGT Rạch Chiếc, thuộc Phòng PC08 cũng ra quân kiểm tra các nồng độ cồn của tài xế theo phương pháp chuẩn quốc tế. Sau khi kiểm tra hàng trăm phương tiện xe tải, xe khách, ô-tô cá nhân, phát hiện 3 trường hợp lái xe có nồng độ, trong đó 2 trường hợp nồng độ thấp. Chỉ duy nhất 1 trường hợp tài xế có nồng độ cồn 0,16mg/lít. Tài xế này sau đó bị xử phạt số tiền 7 triệu đồng, tước giấy phép lái xe 11 tháng, tạm giữ phương tiện 7 ngày.
Trao đổi với chúng tôi, Trung tá Nguyễn Văn Bình, Đội trưởng Đội tham mưu PC08, Công an TP HCM cho biết tính tới ngày chiều 5/1, lực lượng CSGT TP HCM đã xử phạt 142 trường hợp lái xe có nồng độ cồn khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông trên địa bàn.
Tại Hà Nội, từ ngày 2/1, Phòng CSGT, Công an thành phố Hà Nội đã đồng loạt triển khai xử lý vi phạm giao thông theo Luật Phòng, chống tác hại của rượu bia và Nghị định số 100/2019/NĐ-CP. Các đơn vị thuộc Phòng CSGT đã thành lập tổ công tác, tiến hành kiểm tra tập trung vào thời điểm sau giờ ăn trưa và buổi tối, đã phát hiện và xử lý nghiêm nhiều trường hợp vi phạm về nồng độ cồn. Điển hình như ngày 2/1, tại nút giao thông Hàng Cót – Phan Đình Phùng (quận Hoàn Kiếm), Đội CSGT số 1 (Phòng CSGT, công an TP. Hà Nội) đã tiến hành dừng xe máy BKS 29R9-0874 do ông Nguyễn Văn Duyên (SN 1963, trú tại huyện Gia Lâm, Hà Nội) điều khiển. Kết quả kiểm tra phát hiện ông Duyên có nồng độ cồn ở mức 0,489 miligam/lít khí thở. Lực lượng CSGT đã lập biên bản xử phạt ông Duyên số tiền 7 triệu đồng và tước GPLX 23 tháng. Trường hợp khác, ngày 3/1, Tổ công tác Đội CSGT số 7 làm nhiệm vụ trên phố Tố Hữu (quận Thanh Xuân), phát hiện ông Nguyễn Đức Hải (SN 1973, trú tại phường Văn Quán, quận Hà Đông) điều khiển xe ôtô BKS 30G-070.12 vi phạm nồng độ cồn mức 0,5 miligam/lít khí thở, đã lập biên bản xử phạt ông Hải 35 triệu đồng và tước GPLX 23 tháng.
Sau 5 ngày ra quân, CSGT Công an TP Hà Nội đã phát hiện, xử lý 84 trường hợp vi phạm nồng độ cồn. Ngoài việc lập biên bản vi phạm hành chính đối với các trường hợp nêu trên, lực lượng CSGT đã tiến hành tạm giữ 4 ô tô, 80 xe mô tô. Đáng chú ý, trong quá trình xử lý vi phạm về nồng độ cồn, có 18 trường hợp nồng độ cồn ở khung cao nhất, gồm: 4 trường hợp ô tô, 13 trường hợp xe máy và 1 trường hợp xe máy điện. Bên cạnh đó, đã có 2 trường hợp không chấp hành yêu cầu kiểm tra nồng độ cồn của lực lượng CSGT.
Lực lượng CSGT ở TP HCM kiểm tra nồng độ cồn với các tài xế.
Xử nghiêm vi phạm, nâng cao ý thức tài xế
Trao đổi với phóng viên về các biện pháp triển khai kiểm tra, xử lý tài xế uống rượu bia khi lái xe, ông Trần Quang Chinh - Đội Phó Đội CSGT số 6, (Phòng CSGT, Công an thành phố Hà Nội) cho biết, hàng ngày Đội duy trì tổ công tác thực hiện chuyên đề kiểm tra nồng độ cồn đối với lái xe tập trung vào khung giờ buổi trưa và ban đêm. Trong tổ công tác sẽ có một cán
bộ mặc thường phục theo dõi các quán nhậu để xem ai đã uống bia mà vẫn cố tình điều khiển phương tiện sẽ tiến hành kiểm tra và xử lý nghiêm. Trong quá trình thực hiện, ngoài các trường hợp xử lý nghiêm thì cũng có trường hợp lực lượng CSGT nhắc nhở tuyên truyền để người dân nâng cao ý thức chấp hành pháp luật.
Ngoài những trường hợp chấp hành yêu cầu kiểm tra của lực lượng chức năng, cũng có nhiều trường hợp chưa chấp hành nghiêm việc kiểm tra của CSGT. Thậm chí có tài xế vi phạm chây ì, không phối hợp với lực lượng chức năng và phản ứng rất quyết liệt. Trường hợp như tối 3/1, Tổ công tác đặc biệt Y9/141 Công an TP Hà Nội làm nhiệm vụ tại đường Nghiêm Xuân Yên, phát hiện ôtô mang BKS 30A-677.37 do ông Nguyễn Công Dũng (SN 1983, trú tại phường Hà Cầu, quận Hà Đông) điều khiển chạy tốc độ cao nên ra tín hiệu dừng xe. Khi bị dừng xe, tài xế Dũng không phối hợp kiểm tra và phải hơn 2 giờ sau, lực lượng CSGT mới đo được nồng độ cồn với mức 1,191 miligam/lít khí thở, gấp gần 3 lần mức xử phạt cao nhất. Tài xế Dũng đã bị lực lượng chức năng lập biên bản xử phạt 40 triệu đồng, tước GPLX 23 tháng.
Hay như tối 2/1, Đội CSGT số 6 làm nhiệm vụ tại nút giao ngã tư Xuân Thuỷ-Cầu Giấy (quận Cầu Giấy, Hà Nội) đã phát hiện tài xế Lưu Hoàng Hải (SN 1953, trú tại quận Cầu Giấy, Hà Nội) điều khiển xe máy BKS 29-Y5 8686, có biểu hiện say sỉn nên yêu cầu dừng xe kiểm tra. Ông Hải tự nhận đã uống 2 cốc bia nhưng từ chối không cho kiểm tra nồng độ cồn và liên tục có những lời đe doạ sẽ gọi cho Bộ trưởng và nói những lời lẽ khiếm nhã...
Trung tá Nguyễn Thành Nhân - Phó Đội trưởng Đội CSGT An Lạc (TP HCM) cho biết, theo ghi nhận bước đầu, việc phát hiện ít tài xế sử dụng rượu bia khi tham gia giao thông sau khi kiểm tra hàng trăm phương tiện là tín hiệu tốt. Có nhiều nguyên nhân nhưng có thể, Luật Phòng chống tác hại của rượu bia và nghị định mới với mức phạt rất cao dành cho người sử dụng rượu bia khi lái xe đã khiến các tài xế ý thức hơn.
Một luật sư ở TP HCM chia sẻ, sau khi có quy định mới về mức xử phạt lái xe có nồng độ cồn, nhiều người đã băn khoăn về mức phạt quá cao, thậm chí nhiều “dân nhậu” còn tìm lý lẽ để phản đối quy định của pháp luật. Tuy nhiên, luật là để bảo vệ số đông người dân nên chế tài phạt nặng người sử dụng rượu bia khi lái xe cũng là điều dễ hiểu.
Trao đổi với chúng tôi, anh Nguyễn Văn Trung - một tài xế bị dừng xe kiểm tra cho biết, từ khi có quy định mới của pháp luật, anh kiên quyết không sử dụng rượu bia vì cho rằng “không đáng đánh đổi một vài ly bia để mất mấy chục triệu đồng”. Nhiều tài xế khác khi bị CSGT dừng xe và thử máy kiểm tra nồng độ cồn đều tỏ ra vui vẻ hợp tác, chấp hành.