Tâm và tầm!
Năm 2020 mở đầu bằng phiên tòa xét xử 21 người (chủ yếu là các cựu cán bộ lãnh đạo) dính dáng đến Phan Văn Anh Vũ; thể hiện sự nghiêm minh, không khoan nhượng trong cuộc đấu tranh chống tham nhũng. Diễn biến phiên tòa đặt dư luận xã hội trước nhiều câu hỏi lớn và trăn trở về tâm và tầm của cán bộ được giao phó trọng trách.
Bị cáo Văn Hữu Chiến tại phiên tòa.
Lời khai của các bị cáo (trong đó có 2 cựu Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng là Trần Văn Minh và Văn Hữu Chiến) trước tòa hướng cái nhìn của dư luận về mối quan hệ của cựu Bí thư Thành ủy, cựu Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Nguyễn Bá Thanh với Phan Văn Anh Vũ. Ngay sau khi trở thành TP loại I, ông Nguyễn Bá Thanh với cương vị là Chủ tịch lâm thời của TP, đã quyết liệt chỉ đạo thực hiện quy hoạch xây dựng, mở mang hạ tầng đô thị và chưa đầy 10 năm sau, đã làm thay đổi bộ mặt đô thị Đà Nẵng đồng thời cũng là cơ hội tốt cho các đối tượng đầu cơ trong đó có Phan Văn Anh Vũ nhảy vào trục lợi. Phan Văn Anh Vũ (sinh năm 1975) đã tiếp cận được với các cá nhân có vai trò quyết định ở Đà Nẵng thực hiện nhiều chiêu thức môi giới đất đai, bất động sản trở thành đại gia chi phối, thao túng, giành lấy cho mình những dự án lớn, những vị trí đất đắc địa, đất vàng, đất kim cương ở trung tâm Đà Nẵng..., sau đó sang tay thu lợi mỗi thương vụ từ 300 đến 500 tỷ đồng.
Phiên tòa xét xử Phan Văn Anh Vũ, Trần Văn Minh (Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng giai đoạn 2006 – 2011), Văn Hữu Chiến (Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng giai đoạn 2011 – 2014) cùng 19 bị cáo là cán bộ lãnh đạo chủ chốt của TP này về 2 tội danh “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí” (quy định tại Điều 219, Khoản 3, Bộ luật Hình sự năm 2015); “Vi phạm các quy định đề quản lý đất đai” (quy định tại Điều 229, Khoản 3, Bộ luật Hình sự năm 2015) khai mạc vào ngày 2/1 và diễn ra trong 15 ngày.
Qua mỗi ngày xét xử, kịch tính về “tâm” và “tầm” của cán bộ lãnh đạo chủ chốt của Đà Nẵng (đứng trước tòa trong tư cách bị cáo) càng trở nên gay cấn với lời chối tội, đổ lỗi cho hoàn cảnh, cơ chế và cho cấp trên. Có gì đó thật chua xót khi một bị cáo bày tỏ nếu không nghe chỉ đạo bán rẻ tài sản Nhà nước cho Phan Văn Anh Vũ thì “không thể ngồi ở cái ghế đó được!”.
Trong khi đó, Phan Văn Anh Vũ cho rằng mình mua đất đai, công sản của cơ quan nhà nước, mua bán giấy trắng, mực đen, dấu đỏ, không phải mua ở chợ!. Đại gia bất động sản lừng lẫy một thời còn nêu câu hỏi “tại sao trước đây lãnh đạo khen tôi, giờ lại đưa tôi ra xét xử?!”. Đúng là có một thời, đại gia bất động sản Phan Văn Anh Vũ được nhiều lãnh đạo o bế, nâng đỡ.
Khi mới đặt chân vào thị trường bất động sản, Phan Văn Anh Vũ phải tìm mọi cách tiếp cận lãnh đạo nhưng khi danh nổi như cồn, nắm trong tay hàng ngàn tỷ đồng, sẵn sàng “chi đẹp” thì không ít lãnh đạo thiếu “tâm”, thiếu “tầm” lại phải tìm cách tiếp cận với Phan Văn Anh Vũ nhằm bán rẻ đất đai, công sản. Hậu quả của lãnh đạo thiếu “tâm” và thiếu “tầm” đang là gánh nặng rất lớn cho TP Đà Nẵng hiện tại và lâu dài. Đấy là nhiều diện tích lớn đất đai ở khu vực trung TP, ven sông, ven biển (trong đó có 230 ha diện tích lấp biển làm Khu đô thị quốc tế Đa Phước) bỏ hoang từ 10 đến 20 năm nay.
Cho đến khi diễn ra phiên tòa xét xử Phan Văn Anh Vũ, nhiều cán bộ của Đà Nẵng vẫn không thể hiểu được tại sao 31 công sản là trụ sở của các sở, ngành bỗng chốc biến thành tài sản của cá nhân (Phan Văn Anh Vũ) để rồi 2.000 cán bộ, công chức hàng ngày phải đến làm việc trong tòa nhà Trung tâm hành chính thiếu ánh nắng và khí trời. Bi kịch, hậu quả lợi ích nhóm bộc lộ rõ hơn vào năm 2016 khi xuất hiện thông tin TP Đà Nẵng sẽ bán tòa nhà Trung tâm hành chính cao 36 tầng, trị giá 2.000 tỷ đồng ở đường Trần Phú để di dời đến địa chỉ khác.
Tâm quyết định “tầm” vì thế nên không có gì là khó hiểu khi bộ 21 cán bộ của Đà Nẵng đang bị xét xử trong phiên tòa để lại nỗi đau lớn cho xã hội và người dân Đà Nẵng; chỉ nhìn thấy lợi ích từ con số vài tỷ hay vài chục tỷ đồng sau mỗi “thương vụ” làm ăn với Phan Văn Anh Vũ, không mảy may nghĩ gì đến quốc kế dân sinh, tương lai lâu dài của TP được coi là thủ phủ , cửa ngõ khu vực miền Trung – Tây Nguyên.