Cháy rừng ở Australia: Có khả năng bùng phát trở lại
Trong hôm 6/1, Australia bắt đầu đón những trận mưa lớn và nhiệt độ đã giảm xuống, làm dịu cuộc khủng hoảng cháy rừng nghiêm trọng ở nước này. Tuy nhiên, chính quyền vẫn cảnh báo về khả năng bùng phát trở lại các đám cháy trong những ngày sắp tới.
Theo tin từ BBC, những trận mưa mang đầy khói bụi cháy rừng trong bầu không khí đã trút xuống khu vực bờ Đông của Australia, từ thành phố Sydney cho tới Melbourne. Nhiều khu vực của bang New SouthWales cũng đón những trận mưa xối xả.
Tuy nhiên, trong đêm trước đó, ngày 5/1, giới chức Australia tỏ rõ sự quan ngại rằng nhiệt độ vẫn có thể tăng mạnh trở lại bắt đầu từ hôm thứ Năm tới. Họ cho rằng những đám cháy lớn ở bang Victoria và New South Wales có thể kết hợp với nhau, tạo nên một đám cháy khổng lồ. “Giờ chưa phải là lúc vui mừng” - Thủ hiến bang New South Wales Gladys Berejiklian đưa ra cảnh báo trong hôm đầu tuần này.
Cuối tuần vừa rồi là những ngày tồi tệ nhất tính đến thời điểm này của cuộc khủng hoảng cháy rừng bắt đầu ở Australia từ hồi tháng 9 năm ngoái. Nhiệt độ cao kỷ lục cùng với thời tiết khô hạn nghiêm trọng kéo dài do biến đổi khí hậu đã gây ra những biển lửa, khiến quang cảnh nhiều nơi ở Australia trông không khác gì “ngày tận thế”. Tính đến nay, cháy rừng đã khiến ít nhất 24 người đã thiệt mạng, phá hủy hơn 1.000 ngôi nhà và 9 triệu mẫu đất. Chất lượng không khí ở thủ đô Canberra của Australia đang được đánh giá là tệ nhất thế giới.
Theo ước tính của Hãng tin CNBC, bên cạnh những thiệt hại lớn về người và nhà cửa, ước tính có khoảng 480 triệu cá thể động vật thuộc các loài có vú, bò sát và chim đã chết trong đợt cháy rừng vẫn đang diễn ra ở miền nam Australia. Con số này được đưa ra bởi các nhà sinh thái học đến từ Đại học Sydney, với lưu ý rằng con số thực tế có thể sẽ còn cao hơn, do những đám cháy vẫn chưa dập tắt. Đây được coi là sự mất mát khủng khiếp về đa dạng sinh học không biết khi nào mới có thể phục hồi.
Những đám cháy đã biến khu vực miền Đông Nam Australia thành một vùng đất chết và tình hình được dự báo sẽ càng tồi tệ hơn trong những tháng mùa hè tới. Nhiệt độ cao kỷ lục và hạn hán kéo dài do biến đổi khí hậu đã tạo điều kiện thuận lợi cho những ngọn lửa lan rộng, phá hủy hơn 1.000 ngôi nhà và khiến 18 người thiệt mạng.
Ngọn lửa được dự báo là sẽ đạt đến đỉnh điểm vào cuối tuần này, đe dọa xóa sổ toàn bộ một số loài động vật bản địa. Australia vốn đang là nơi có tỷ lệ tuyệt chủng cao nhất thế giới. Hình ảnh trên mạng xã hội cho thấy những chú gấu túi bị bỏng nặng đang được chăm sóc y tế, xác động vật nằm la liệt trên mặt đất và những con chuột túi tuyệt vọng chạy thoát những đám cháy. Các chuyên gia ước tính hàng triệu động vật có vú bao gồm gấu túi, chuột túi, chuột túi wallaby và gấu túi wombat đã chết kể từ khi các đám cháy bắt đầu. Bên cạnh việc bị chết trực tiếp bởi ngọn lửa, nhiều con vật không thể tồn tại do thiếu thức ăn và nguồn nước cũng như nơi trú ẩn.
Loài gấu túi (koala), vốn đã bị suy giảm trong nhiều năm qua, bị ảnh hưởng đặc biệt nghiêm trọng trong đợt cháy rừng lần này. Các quan chức môi trường Australia ước tính khoảng 30% dân số loài này đã chết, tương đương với 8.000 cá thể. Với bản tính di chuyển và hoạt động chậm, chúng không thể thoát khỏi những ngọn lửa. Koala là một trong những động vật có tính biểu tượng ở Australia, đóng góp từ 1,1 đến 2,5 tỷ USD mỗi năm cho ngành du lịch nước này.
Giáo sư Dieter Hochuli, thuộc Đại học Sydney, nhận định rằng mặc dù cháy rừng là sự kiện bình thường đối với hệ sinh thái của Australia nhưng tần suất và cường độ của những đám cháy rừng hiện nay đang ngày tăng lên, và để lại hậu quả to lớn với tương lai của các loài động thực vật.
“Không chỉ những loài động vật nổi tiếng đang bị đe dọa, các loài côn trùng mà rất nhiều hệ sinh thái của chúng ta dựa vào để thụ phấn hay trao đổi dinh dưỡng, cũng rất nhạy cảm với lửa”- ông Hochuli cho biết. Khoảng 34 loài động vật bản địa ở Australia đã tuyệt chủng trong vòng 200 năm qua.