Cột cờ Hà Nội ở Đất Mũi Cà Mau
Mới đây, tỉnh Cà Mau đã tổ chức Tuần Văn hóa - Du lịch Mũi Cà Mau 2019 và khánh thành Cột cờ Hà Nội tại Cà Mau. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã dự Lễ khánh thành Cột cờ Hà Nội tại Mũi Cà Mau, điểm cực Nam trên đất liền của Tổ quốc và khai mạc Tuần Văn hóa - Du lịch Mũi Cà Mau 2019.
Cột cờ Hà Nội tại Mũi Cà Mau - một biểu tượng về sự thống nhất giang sơn gấm vóc.
Vùng đất đậm di sản văn hóa sông nước
Phát biểu tại buổi lễ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, trên bản đồ, Cà Mau nằm ở Cực Nam của đất nước: “Tổ quốc tôi như một con tàu/ Mũi thuyền ta đó - mũi Cà Mau”. Đến với Cà Mau là đến với vùng đất ẩn chứa biết bao nhiêu giai thoại, câu chuyện hào hùng về những con người đất mũi, đã làm nên những chiến công oanh liệt, với những trang sử hào hùng và lưu dấu ấn di tích. Bến Vàm Lũng, điểm cuối của đường Hồ Chí Minh trên biển; Di tích Hòn đá bạc - Trung tâm chỉ huy kế hoạch phản gián CM12; Di tích đảo Hòn Khoai với cuộc khởi nghĩa của thầy giáo Phan Ngọc Hiển..., mỗi di tích đã chạm khắc tinh thần yêu nước của các thế hệ cha ông trong lịch sử đấu tranh gian khổ chống giặc ngoại xâm và chinh phục thiên nhiên.
“Trải qua nhiều bước thăng trầm của lịch sử, ý thức dân tộc, tinh thần yêu nước đoàn kết chống giặc ngoại xâm ngày càng được củng cố bền chặt hơn, tinh thần yêu nước của người dân Cà Mau được thể hiện ngay từ buổi khai hoang mở mang vùng đất mới, đã bao đời anh dũng chiến đấu chống lại quân xâm lược giữ gìn xóm làng quê hương, bảo vệ bờ cõi thiêng liêng”- Thủ tướng nhấn mạnh.
Là điểm dừng chân cuối cùng của người Việt trong hành trình mở cõi, Cà Mau chất chứa trong lòng cả một di sản văn hóa sông nước đậm chất bản địa, những lễ hội như lễ hội nghinh Ông, lễ hội vía bà Thiên hậu, lễ hội mừng năm mới của người Khmer, tất cả toát lên nét tín ngưỡng văn hóa đặc trưng, vừa thể hiện sự đoàn kết gắn bó giữa các dân tộc anh em Kinh, Hoa, Khmer. Sự tài hoa và khéo léo của người Cà Mau được thể hiện qua những sản phẩm làng nghề truyền thống nổi tiếng, như chiếu Tân Thành, tôm khô Rạch Gốc, hầm than đước Ngọc Hiển, mắm Ba Khía Rạch Gốc... đã góp phần đa dạng hóa nét văn hóa, từ đó làm giàu cho các sản phẩm du lịch Mũi Cà Mau.
Khác biệt hơn tất cả các mảnh đất khác, đất Mũi Cà Mau còn nổi tiếng là nơi “đất biết nở, rừng biết đi, bờ biển sinh sôi”. Đó là bờ biển dài 250 km từ Đông sang Tây trong vùng biển thềm lục địa thuộc chủ quyền 71.000 km2. Đó là dãy rừng ven biển ngập mặn, ngập lợ, cả rừng tràm nằm sâu trong đất liền, tạo nên hệ sinh thái động thực vật phong phú. Đó là khu dự trữ sinh quyển thế giới Mũi Cà Mau, Vườn quốc gia U Minh Hạ. Đan xen những rừng cây là những dòng sông uốn lượn dưới tán rừng, những đầm tôm, ruộng lúa cùng các vườn cây ăn trái, sân chim tự nhiên với nhiều loài chim quý hiếm... đã tạo nên các tuyến du lịch sinh thái vô cùng độc đáo và hấp dẫn.
Theo Thủ tướng, Tuần văn hóa du lịch Mũi Cà Mau là một cơ hội tốt để giới thiệu, quảng bá hình ảnh Cà Mau giàu tiềm năng, năng động, cởi mở, một mũi Cà Mau khát vọng rẽ sóng ra khơi xa, đặc biệt nhân sự kiện quảng bá du lịch quan trọng này chúng ta long trọng tổ chức khánh thành Cột cờ mũi Cà Mau do Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố Hà Nội trao tặng cho Cà Mau.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc lưu ý, trong quá trình phát triển, cần quan tâm bảo tồn, phát huy giá trị hệ sinh thái đặc thù của vùng đất ngập nước, khai thác có hiệu quả lợi thế của khu sinh quyển thế giới trong việc phát triển du lịch, nghiên cứu khoa học, bảo tồn hệ sinh thái tự nhiên, thắng cảnh và kho tàng văn hóa giàu có đậm đà bản sắc. Đó là những tiềm năng du lịch và lợi thế so sánh lớn của Cà Mau nên không để mất, không để suy giảm. Cấp ủy, chính quyền, cộng đồng doanh nghiệp và toàn xã hội cùng quan tâm hơn, cùng vào cuộc để khắc phục những hạn chế, yếu kém của ngành du lịch, những khó khăn về hạ tầng kết nối, đổi mới tư duy kinh doanh, thay đổi thói quen sinh hoạt của người dân để xây dựng môi trường du lịch văn minh, an toàn, văn hóa, thân thiện.
“Nụ cười tỏa nắng của đại sứ du lịch là hình ảnh thu hút quảng bá, hình ảnh của một quốc gia, một vùng đất. Trong thời đại số, trong kỷ nguyên du lịch thông minh ngày nay, nụ cười tỏa nắng của mỗi người dân Cà Mau đại diện cho sự thân thiện, hồn hậu, tận tâm với du khách, là cách quảng bá và phát triển du lịch hiệu quả nhất, bền vững nhất và chi phí thấp nhất”- Thủ tướng nêu rõ. Với tinh thần đoàn kết, năng động, sáng tạo với niềm tin sâu sắc vào tương lai, chúng ta cần nỗ lực cải cách, truyền cảm hứng phát triển và khát vọng vươn lên, làm giàu cho người dân, khơi dậy phát huy những tiềm năng to lớn, tạo đà cho Cà Mau bước vào một thời kỳ phát triển nhanh hơn, bền vững hơn.
Tạo thêm một biểu tượng về sự thống nhất giang sơn gấm vóc
Đặc biệt, nhân sự kiện quảng bá du lịch quan trọng này, Lễ khánh thành biểu tượng Cột cờ Hà Nội tại Mũi Cà Mau do Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TP Hà Nội trao tặng cho Cà Mau được long trọng tổ chức.
Công trình biểu tượng Cột cờ Hà Nội tại tỉnh Cà Mau có tổng diện tích khuôn viên khoảng 1,6ha, bao gồm: Cột cờ mô phỏng Cột cờ Hà Nội diện tích 2.025m², chiều cao 45m. Công trình được khởi công ngày 28/2/2017 và ngày 1/10/2019 đã được bàn giao chính thức cho Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Cà Mau, Ban Quản lý khu du lịch quốc gia Mũi Cà Mau.
Biểu tượng Cột cờ Hà Nội tại Mũi Cà Mau nằm trong Khu du lịch Mũi Cà Mau, gần với các công trình quan trọng như Cột mốc tọa độ quốc gia, biểu tượng mũi tàu Cà Mau, biểu tượng điểm cuối đường Hồ Chí Minh…
Phát biểu tại buổi lễ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: “Đây là việc có ý nghĩa thiêng liêng, cao quý thể hiện tình cảm sâu sắc của Hà Nội với Cà Mau, của cả nước với Cà Mau, tạo thêm một biểu tượng về sự thống nhất giang sơn gấm vóc, chủ quyền quốc gia của Việt Nam”.
Thay mặt lãnh đạo thành phố Hà Nội phát biểu tại buổi lễ, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng nhấn mạnh, Cột cờ Hà Nội là biểu tượng kiêu hãnh, niềm tự hào của Thủ đô Hà Nội - Trái tim của cả nước trong suốt chiều dài lịch sử; tượng trưng cho ý chí tự cường, truyền thống văn hóa không chỉ của Thăng Long - Hà Nội, mà của cả dân tộc Việt Nam. Cột cờ Hà Nội tại Đất Mũi linh thiêng vừa là biểu tượng văn hóa, vừa có ý nghĩa quan trọng khẳng định chủ quyền lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc Việt Nam. Đặc biệt, sự hiện diện của Cột cờ Hà Nội trên Đất Mũi sẽ như “sợi chỉ đỏ” kết nối và tô thắm thêm tình đoàn kết gắn bó giữa nhân dân Thủ đô Hà Nội với nhân dân cả nước nói chung, với nhân dân Cà Mau và miền Nam ruột thịt nói riêng.