Bánh Tết vùng cao
Mỗi dân tộc trong cộng đồng các dân tộc thiểu số Việt Nam đều có những ngày Tết riêng. Theo đó, mỗi nơi bà con lại làm những loại bánh khác nhau để dâng cúng tổ tiên.
Phụ nữ dân tộc Tày gói bánh Tết.
Bánh chưng, bánh mật
Với người Dao Tuyển ở tỉnh Lào Cai, bánh chưng và bánh mật là hai loại bánh không thể thiếu trong ngày lễ Tết.
Khác với bánh chưng vuông của người Kinh, bánh chưng của người Dao Tuyển được làm khá độc đáo. Trước hết ở việc đốt rơm nếp để lấy gio nhuộm cho màu gạo xanh như màu chàm. Sau đó gói bánh theo chiều dài. Gạo để làm bánh phải thật trắng, thơm và nước vo gạo lọc gio, luộc bánh phải thật tinh khiết để dâng cúng lên ông bà, tổ tiên. Cùng với bánh chưng dâng cúng tổ tiên, người Dao Tuyển còn làm bánh mật để dâng cúng thần linh trong dịp lễ Tết. Theo quan niệm của bà con, bánh mật thể hiện sự giao hòa, kết hợp của âm dương, đất trời hài hoà cho mọi vật sinh sôi, phát triển.
Bánh chưng được cúng vào ngày 30 Tết, còn bánh mật sẽ được dâng lên thần linh vào ngày mùng 1 Tết để cầu mong một năm tốt lành.
Bánh chưng gù
Đến Hà Giang vào dịp áp Tết Nguyên đán, du khách có thể bắt gặp được sự chuẩn bị làm bánh chưng gù của bà con nhiều tộc người sống nơi rẻo cao này. Trong số đó, món bánh chưng gù của dân tộc Dao Đỏ được nhiều người nhắc tới.
Để có những chiếc bánh lưng gù thơm ngon thì công đoạn quan trọng nhất vẫn là chọn nguyên liệu làm bánh. Nguyên liệu của bánh chưng gù là gạo nếp nương trắng ngần, đỗ xanh loại nhỏ, thịt ba chỉ tươi ngon, lá dong xanh hình dang đẹp, lạt buộc.
Không giống với gói bánh chưng vuông của người Kinh thường dùng khuôn và gói nhiều lớp lá, bánh chưng gù được gói tay và chỉ sử dụng 1 lớp lá dong. Bánh chưng gù có kích thước nhỏ gọn, cầm trong lòng bàn tay có cảm giác múp míp, đầy đặn. Nhờ vậy, việc bóc bánh khá dễ dàng và nếu khéo bạn hoàn toàn có thể không dính tay một chút nào.
Hiện ở Hà Giang có nhiều làng bản làm nghề bánh chưng gù. Ví như tại thôn Bản Tùy (xã Ngọc Đường, thành phố Hà Giang) có tới 90% các hộ dân trong thôn đều làm bánh chưng gù, mỗi ngày các cơ sở sản xuất hàng nghìn chiếc bánh.
Một loại bánh mật.
Bánh chưng đen
Bánh chưng đen được gói theo hình trụ dài giống bánh tét miền Nam hay bánh gù của người Giáy. Loại bánh này thường được bà con người Tày ở huyện Bắc Sơn (Lạng Sơn), bà con người Thái ở Mường Lò (Yên Bái), bà con người Tày và Pu Péo ở Hà Giang gói để đón Tết.
Theo đó, từ quãng tháng 10 Âm lịch, bà con ở nhiều nơi đã rục rịch chuẩn bị những công đoạn đầu tiên để gói bánh chưng đen. Sau vụ gặt lúa mùa, người ta chọn những cọng rơm nếp to, vàng ươm đem về phơi khô rồi đốt thành tro. Sau đó, bà con vò kỹ, rây lấy phần mịn nhất rồi trộn với gạo nếp thơm để tạo ra màu đen bóng.
Một số nơi khác còn lấy thân cây núc nác trên rừng tước vỏ, đốt thành than, giã mịn như bột rồi trộn lẫn với gạo nếp. Người Tày sẽ liên tục đảo đều cho đến khi miết mạnh hạt gạo trên đầu ngón tay, thấy gạo đã quyện chặt với bột than thành màu đen nhánh thì mới đem đi gói.
Tất cả các nguyên liệu làm bánh từ lúa nếp, thảo quả cho đến thịt lợn, đỗ xanh… đều đặc biệt vì mang đậm phong vị vùng cao.
Trải qua thời gian, đến nay bánh chưng đen vừa là một món ăn vừa là một phong tục mang nét đẹp không thể thiếu trong những ngày lễ và đặc biệt là Tết của bà con người Tày, người Thái. Chiếc bánh được tạo ra với ý nghĩa thể hiện lòng biết ơn của con cháu đối với cha ông và đất trời. Bên cạnh đó, bánh chưng đen còn được coi như là một biểu trưng của văn hóa vùng miền nơi này.
Bánh đót, bánh ống
Nếu người Kinh có bánh chưng, bánh tét là món bánh truyền thống trong ngày Tết thì đồng bào Cor sinh sống ở Qảng Nam, Quảng Ngãi không thể thiếu bánh đót, bánh ống. Đây là loại bánh khá đơn giản nên dễ làm, dễ gói. Để làm nên chiếc bánh đót, người Cor lên rừng chọn hái những chiếc lá đót to, đẹp nhất đem về rửa, lau sạch sẽ. Bánh đót được làm từ gạo nếp và không có nhân. Bánh sau khi gói bằng lá đót được cột thành từng cặp rồi ngâm vào nước 2-3 giờ mới đem luộc. Người Cor cho rằng cây đót là một loài cây sạch, thanh cao nhất trên rừng nên bánh đót là thứ được dùng trong các lễ cúng Giàng, các vị thần và ông bà, tổ tiên.
Còn bánh ống được làm từ nếp ngâm, đựng trong ống nứa tươi rồi đem nướng. Trên mâm cỗ ngày Tết, thưởng thức miếng bánh ống thơm lừng mùi nếp mới kết hợp cùng miếng thịt xông khói tạo nên hương vị hấp dẫn khó cưỡng.
Tết truyền thống của người Cor là Tết Ngã rạ (hay còn gọi là giã rạ), tiếng Cor là xa a-nít, tức ăn Tết hay lễ lúa lên chòi. Tết Ngã rạ chỉ được tổ chức khi nào cả lúa tẻ và lúa nếp đều đã thu hoạch xong xuôi, thường vào cuối tháng 10, đầu tháng 11 âm lịch. Ngoài Tết Ngã rạ mừng vụ mùa được xem là Tết riêng bao đời nay thì từ khi mang họ Bác Hồ, người Cor cũng ăn Tết cổ truyền như người Kinh.