Sáp nhập thôn, xã ở Hà Tĩnh- Bài 2: Những điều còn trăn trở

Trần Thanh Bình 09/01/2020 06:20

Trong quá trình sáp nhập xã, thôn ở Hà Tĩnh, một vấn đề đặt ra khá tế nhị là xử lý làm sao thật hợp lý về cơ sở vật chất và công nợ trong xây dựng cơ bản.

Thực tế cho thấy, cơ sở vật chất, thiết chế văn hóa cho mỗi trung tâm hành chính cấp xã nếu đầu tư đạt chuẩn nông thôn mới phải 40 - 50 tỷ đồng, bao gồm trụ sở, hội trường, nhà văn hóa, thư viện, sân thể thao, đài tưởng niệm, trạm xá (chưa tính các trường học); một nhà văn hóa thôn đạt chuẩn từ 800 triệu đến 1,3 tỷ đồng. Nay 2-3 xã, 2-3 thôn nhập một, chỉ sử dụng 1 trung tâm đã có hoặc phải xây dựng mới. Vậy các cơ sở vật chất còn lại sử dụng thế nào?

Điều nhiều người trăn trở là một số xã trong những năm gần đây đã dồn mọi nguồn lực để xây dựng cơ sở vật chất đạt chuẩn nông thôn mới, nhưng nay những công trình đó lại không sử dụng. Riêng huyện Thạch Hà, cơ sở vật chất của 15 xã sáp nhập, có 14 xã đã được làm mới, nâng cấp đạt chuẩn, chỉ có 1 xã chưa hoàn thiện. Rồi đây một số trung tâm hành chính có thể chuyển làm công trình văn hóa như ở Can Lộc hoặc chuyển nhượng cho doanh nghiệp. Nhưng công năng sử dụng khác nhau và kinh doanh phải có lợi thế, không phải nơi nào cũng buôn bán, làm ăn được, nên doanh nghiệp chưa hẳn đã mặn mà.

Có những đơn vị sáp nhập, mặc dù cơ sở vật chất đều đảm bảo, nhưng không trung tâm về mặt địa lý; nếu không có nhận thức đúng, viện dẫn những lý do không chính đáng để xin đầu tư làm mới càng thêm lãng phí tiền của. Khi được hỏi, nhiều cán bộ và nhân dân ở cơ sở cho rằng, không nhất thiết trụ sở phải đặt ở ví trí trung tâm khi cơ sở vật chất đã có không được sử dụng.

Vấn đề đặt ra là phải điều chỉnh, bổ sung quy hoạch xây dựng hạ tầng giao thông, kết nối từ trụ sở đến các vùng dân cư để đi lại thuận lợi và đẩy mạnh cải cách hành chính công để phục vụ dân được tốt hơn. Mỗi khi cơ vật chất không sử dụng, để hoang phế thì ảnh hưởng đến lòng tin của nhân dân. Hiện các xã sáp nhập còn nợ trên 200 tỷ, có xã nợ nhiều, có xã không nợ, không thể chia đều nợ cho các xã, cần lắm sự tiếp sức từ ngân sách nhà nước.

Ở Hà Tĩnh, bộ máy 80 xã sáp nhập hiện có 2.321 cán bộ, công chức và cán bộ không chuyên trách. Nếu theo Nghị định 34/CP chỉ xếp 676 cán bộ, còn dôi dư 873 cán bộ. Thực hiện chính sách bảo hiểm và thuyên chuyển chỉ giải quyết được 294 trường hợp (chuyển lên cơ quan tỉnh huyện 51, giải quyết hưu 170, điều chuyển các cơ sở khác 73), còn dôi dư 580 cán bộ. Số cán bộ này phần lớn sẽ xin nghỉ công tác hưởng chế độ một lần…

Nhà nước đã có chính sách để tháo gỡ khó khăn, giúp cán bộ ổn định cuộc sống. Nhưng Đối với đội ngũ cán bộ thôn/tổ dân phố sau sáp nhập cũng có rất nhiều tâm tư. Vì không có cơ hội và động cơ phấn đấu để trưởng thành lên cấp xã như trước đây, quy mô thôn lại quá lớn (riêng Kỳ Anh và Lộc Hà có 58 thôn từ 300 đến trên 600 hộ), công việc hết sức nặng nề nhưng chế độ phụ cấp quá thấp nên cán bộ không mấy mặn mà với công việc. Vì thế mà một số nơi vận động để bầu bí thư, thôn trưởng rất khó…

Xuất phát từ thực tế, Hà Tĩnh đã có văn bản đề nghị Bộ Nội vụ sửa đổi một số nội dung trong Thông tư 09 của Bộ về quy mô, điều kiện nhập, giải thể và phân loại thôn/tổ dân phố… Bởi vì với những thôn/tổ dân phố có trên 300 đến 700 hộ như hiện nay, nếu thực hiện dân chủ đại diện mỗi hộ một người dự họp thì làm sao có chỗ sinh hoạt? Mỗi khi chủ trương không được quán triệt thấu đáo, dân không được luận bàn, quyết định, chỉ thông báo trên hệ thống truyền thanh thì khó mà tạo được sự đồng thuận cao và đảm bảo sự ổn định từ cơ sở. Số lượng cán bộ thôn/tổ dân phố ít, phải kiêm nhiệm nhiều chức danh, đặt ra yêu cầu lãnh đạo phải có chế tài kiểm tra, giám sát chặt chẽ để đảm bảo tính công khai, dân chủ trong mọi hoạt động…

Cái mới ra đời chưa thể hoàn thiện là tất yếu, nhưng thực tiễn Hà Tĩnh đã làm là bài học rất quý. Dù thời gian triển khai quá gấp gáp, nhưng nếu nhận biết, đánh giá tình hình khách quan, lường trước được thuận lợi và những khó khăn mới hạn chế tối đa những sai sót, để tìm ra lời giải khoa học và hiệu quả.

Ở Hà Tĩnh, bộ máy 80 xã sáp nhập hiện có 2.321 cán bộ, công chức và cán bộ không chuyên trách. Nếu theo Nghị định 34/CP chỉ xếp 676 cán bộ, còn dôi dư 873 cán bộ. Thực hiện chính sách bảo hiểm và thuyên chuyển chỉ giải quyết được 294 trường hợp (chuyển lên cơ quan tỉnh huyện 51, giải quyết hưu 170, điều chuyển các cơ sở khác 73), còn dôi dư 580 cán bộ. Số cán bộ này phần lớn sẽ xin nghỉ công tác hưởng chế độ một lần…

Trần Thanh Bình