Thay đổi 'văn hóa' uống rượu bia: 'Cộng đồng nhậu' đã e dè

Cẩm Thúy 09/01/2020 07:10

Đã hơn một tuần sau khi Nghị định 100 của Chính phủ về Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt trong đó nâng mức xử phạt đối với người vi phạm, đặc biệt là vi phạm về tốc độ và nồng độ cồn, có hiệu lực. Có thể cảm nhận thấy tinh thần chung là sự thay đổi về nhận thức của toàn xã hội.

Thay đổi 'văn hóa' uống rượu bia: 'Cộng đồng nhậu' đã e dè

Nhiều nhà hàng vắng vẻ vì “khách nhậu” sợ bị phạt.

Cũng không bất ngờ khi vẫn còn khá nhiều ý kiến trên mạng xã hội cho rằng mức xử phạt hành chính của Nghị định 100 là quá cao và cũng có không ít những ngụy biện theo kiểu ăn vải, sầu riêng, uống siro… thì trong máu cũng có nồng độ cồn. Số người tham gia vào việc sử dụng rượu bia tràn lan hàng ngày rồi sau đó tham gia điều khiển phương tiện giao thông vốn lâu nay quá phổ biến, quá nhiều. Cho nên với một chế tài xử phạt thật nặng việc vi phạm này, “cộng đồng nhậu” phản ứng là đương nhiên. Tất nhiên Nghị định 100 không đồng nghĩa với việc cấm uống rượu bia, chế tài này chỉ hướng tới những người tham gia điều khiển phương tiện giao thông, nhưng nếu thực hiện nghiêm Nghị định 100 thì tác động tích cực của nó tới thói quen và hành vi sử dụng rượu bia chắc chắn là không nhỏ.

“Văn hóa nhậu” hay “văn hóa uống rượu” vẫn là cụm từ được nhiều người lôi ra để chống chế cho hành động của mình, thậm chí còn cố nâng tầm nó lên như một thứ văn hóa truyền thống dân tộc. Trong thực tế, uống rượu có thực là văn hóa “từ thời các cụ” hay không? Theo chúng tôi có lẽ trong truyền thống cả ở phương Tây và phương Đông người ta đã nâng tầm uống rượu tinh tế tới mức đạt tới ngưỡng văn hóa thì đúng hơn. Bản thân uống trà hay uống rượu không phải tự thân đã là cử chỉ văn hóa, nhưng nếu làm việc này theo những chuẩn mực đạt tới độ tinh tế cao, thì đó mới chính là văn hóa.

Các nhà nho phương Đông có việc “đối ẩm” để họa thơ, hoặc để bày tỏ sự quý mến thì mời nhau chén rượu quý. Người phương Tây coi uống rượu là một lễ nghi xã giao rất trang trọng với những chú trọng về lễ tiết như cách cầm, cách chạm ly, cách thưởng thức và cảm nhận hương vị của rượu. Nguyễn Trãi cũng đã có những câu thơ về uống rượu. Hay bài thơ Uống rượu với Tản Đà của nhà thơ Huyền Trân có những câu thơ nói về việc rót rượu đạt tới tuyệt tác: Rót đau lòng ấy vào đau lòng này…

Tuy nhiên, đến quan niệm “Nam vô tửu như kỳ vô phong”, đàn ông mà không biết uống rượu thì bị so sánh như đàn bà, lại là điểm hạn chế của xã hội phong kiến Nho giáo, giống như trọng nam khinh nữ, giống như nhiều quan niệm và hủ tục lạc hậu khác. Uống rượu không phải là hành vi văn hóa, uống rượu đạt đến mức độ nào đó mới là văn hóa, uống rượu càng không phải là hành vi chứng tỏ bản lĩnh đàn ông, chứng tỏ đẳng cấp hay phẩm chất của người uống rượu. Còn uống rượu say để gây ra hệ lụy như cãi nhau, đánh nhau, uống rượu mà vẫn điều khiển phương tiện giao thông (điều chưa phát sinh trong xã hội truyền thống phương Đông hồi xa xưa)… thì đã trở thành gánh nặng cho gia đình, xã hội.

Có rất nhiều câu chuyện đau lòng trong không ít gia đình Việt Nam mà những người đàn ông vốn được coi là trụ cột đã gây lên sau một bữa nhậu túy lúy. Mà những người ấy, dù xã hội đã khá văn minh, lại đang ngày một nhiều hơn. Những quan niệm đầy hạn chế của xã hội phong kiến được bê nguyên xi lên bàn nhậu để bào chữa cho việc uống rượu bia cộng với quan điểm của xã hội hưởng thụ hiện đại trở thành một vấn nạn xã hội gây lên những bi kịch không đáng có.

Có một lần ở lớp học nâng cao nghiệp vụ của tôi, một anh trong lớp học trong đặt vấn đề về bữa cơm tối đáng lo ngại trong gia đình Việt Nam hiện nay, có bao nhiêu người có mặt trên bàn nhậu trong các quán bia rượu tràn lan ngoài vỉa hè vào lúc giờ cơm tối là có bấy nhiêu gia đình có bữa cơm tối không đầy đủ thành viên. Lập tức hầu hết đàn ông trong lớp học phản đối, và cho rằng uống vui một chút rồi trở về nhà không sao cả. Mà ai cũng biết những cuộc vui một chút ấy ít khi kết thúc được sớm, cũng như sau đó, chuyện gì xảy ra nếu họ lại ngất ngưởng điều khiển xe gắn máy, xe mô tô, ô tô để trở về nhà…

Dạo trước khi Quốc hội thảo luận về dự thảo Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia vẫn còn những ý kiến cho rằng Dự án Luật đã cực đoan coi rượu bia là độc hại. Ở đây, chúng tôi cũng không có ý định chứng minh rượu bia là độc hại. Nhưng một xã hội văn minh thì không thể gọi việc từ 9h sáng đến đêm khuya, các quán bia rượu lúc nào cũng đông người, chạm cốc, hò hét, mặt đỏ tía tai, nồng nặc mùi cồn… là hành vi văn hóa “có từ thời các cụ” được. Sử dụng tràn lan rượu bia ở Việt Nam là có thật. Và sự thật là ở Việt Nam, một đứa trẻ chưa đầy 10 tuổi cũng có thể xách chai đi mua rượu về cho bố nhậu. Không một người bán hàng nào ngập ngừng khi bán cho một đứa trẻ chai rượu hay lon bia cả…

Sử dụng rượu bia tràn lan, quá đà rồi gọi đó là văn hóa chỉ là việc ngụy biện, nhân danh việc học đòi theo người xưa mà không suy xét cho sáng suốt. Ép nhau trên bàn nhậu hoặc cho rằng chỉ trên bàn nhậu mới tỏ tình thân đều là những suy nghĩ lệch lạc.

Nghị định 100 không cấm uống rượu bia, nhưng Nghị định 100 xử phạt những người đã uống rượu bia mà vẫn tham gia điều khiển phương tiện giao thông. Hy vọng với tác động của nó thay đổi tích cực kéo theo là thay đổi thói quen sử dụng rượu bia. Thật buồn cười nếu chúng ta vẫn bám vào quan niệm gọi việc sử dụng rượu bia là văn hóa, chúng ta đang lạm dụng từ văn hóa như một biện pháp tu từ, trong khi tôn trọng luật pháp ở mức độ cao cũng là văn hóa.

Cẩm Thúy