Không có vùng cấm, không có ngoại lệ
Cách đây 2 hôm, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã ra thông cáo kỳ họp thứ 42. Theo thông cáo, Ủy ban Kiểm tra Trung ương trong những ngày đầu tháng 1 đã họp và xem xét, kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm với nhiều ban cán sự Đảng tỉnh, thành ủy cũng như với ban cán sự đảng một số ngành.
Trong thông cáo của Ủy ban có nêu rõ, vi phạm của Ban Thường vụ Thành ủy TP Hồ Chí Minh nhiệm kỳ 2010 - 2015, của Ban cán sự Đảng UBND Thành phố Hồ Chí Minh nhiệm kỳ 2011 - 2016 và một số vị nguyên lãnh đạo đã ảnh hưởng xấu đến uy tín của cấp ủy, chính quyền thành phố, gây bức xúc trong xã hội, đến mức phải xem xét kỷ luật.
Cũng tại kỳ họp, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã đề nghị Bộ Chính trị xem xét, thi hành kỷ luật ông Hoàng Trung Hải, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội, nguyên Ủy viên Ban cán sự Đảng, nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ; đề nghị Ban Thường vụ Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương thi hành kỷ luật Ban Thường vụ Đảng ủy Tổng Công ty Thép Việt Nam các nhiệm kỳ 2005 - 2010, 2010 - 2015.
Trước đó chỉ 2 hôm, trong buổi tổng kết công tác ngành nội chính, báo cáo của ngành này cho thấy: Trong năm 2019, ngành đã phối hợp với các cơ quan chức năng tham mưu có hiệu quả với Ban Chỉ đạo, Thường trực Ban Chỉ đạo chỉ đạo xử lý 55 vụ việc, 67 vụ án tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm, trong đó đã kết thúc chỉ đạo xử lý 17 vụ án, 32 vụ việc; chủ trì, phối hợp với các cơ quan chức năng tổ chức và tham dự 22 cuộc họp để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ điều tra, xử lý nhiều vụ việc, vụ án. Theo như đánh giá của Phó Trưởng ban thường trực Ban Nội chính Trung ương Võ Văn Dũng thì: “Chính nhờ những nỗ lực nêu trên nên trong năm 2019, các cơ quan chức năng đã đưa ra xét xử sơ thẩm 20 vụ án/85 bị cáo; xét xử phúc thẩm 15 vụ án/157 bị cáo; nhất là đã đưa ra xét xử 6 vụ án nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội đặc biệt quan tâm”.
Có được những kết quả ấy là sự nỗ lực của các cấp, các ngành, từ ngành nội chính, kiểm tra đảng đến ngành thanh tra, kiểm toán, tòa án, viện kiểm sát các cấp. Các ngành đã cùng nhau làm tốt nhiệm vụ nghiên cứu, tham mưu, đề xuất nhiều chủ trương, định hướng lớn về công tác nội chính, phòng, chống tham nhũng và cải cách tư pháp. Có những nơi như Ban Nội chính Trung ương đã chủ động nghiên cứu, tham mưu Bộ Chính trị, Ban Bí thư sơ kết, tổng kết, xây dựng, ban hành nhiều chỉ thị, nghị quyết, đề án quan trọng về công tác nội chính, phòng chống tham nhũng và cải cách tư pháp; xây dựng, hoàn thiện pháp luật, hoàn thiện thể chế kinh tế - xã hội và phòng chống tham nhũng; nghiên cứu, đề xuất những quan điểm, định hướng lớn về lĩnh vực nội chính, phòng chống tham nhũng và cải cách tư pháp; ngành kiểm tra đảng thì đề xuất các biện pháp về kiểm soát tài sản thu nhập của cán bộ nhất là cán bộ lãnh đạo; ngành tổ chức đảng thì đề xuất biện pháp nhằm kiểm soát quyền lực, chống chạy chức, chạy quyền… Tóm lại, đó là cả một hệ giải pháp được nghiên cứu, ban hành và thực hiện đồng bộ giữa các ngành, các cấp. Nó cho thấy, công tác phòng chống tham nhũng, vi phạm pháp luật không còn là một phong trào mà nó là một cuộc đấu tranh lâu dài, bền bỉ, có tính toán trên cơ sở vừa xây và vừa chống; trong đó xây là quan trọng hơn cả.
Với phương châm “không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai”, các cơ quan đấu tranh phòng, chống tham nhũng, vi phạm pháp luật đã có nhiều cố gắng, thực hiện ngày càng nền nếp, bài bản, hiệu quả nhiệm vụ được giao. Các cơ quan đã phối hợp chặt chẽ giữa “các cơ quan kiểm tra, thanh tra, công an, viện kiểm sát, tòa án và các cơ quan chức năng tham mưu chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thống nhất chủ trương, đường lối xử lý, làm rõ bản chất tham nhũng, xử lý triệt để các vụ án, vụ việc tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã quan tâm, góp phần hiện thực hóa quyết tâm chống tham nhũng, làm trong sạch đội ngũ cán bộ của Đảng, Nhà nước ta” - Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng đánh giá tại Hội nghị của ngành nội chính đảng. Và hôm nay (10/1) chắc chắn dự tổng kết của ngành kiểm tra Đảng, lãnh đạo Đảng, Nhà nước cũng sẽ có những đánh giá cụ thể hơn, sát thực hơn nữa.
Trong phát biểu tại tổng kết ngành nội chính, ông Trần Quốc vượng yêu cầu, cần tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác nghiên cứu, đề xuất chủ trương, giải pháp của Đảng về công tác nội chính, phòng chống tham nhũng và cải cách tư pháp; tham mưu giúp Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN chỉ đạo xây dựng, hoàn thiện các quy định của Đảng, thể chế, chính sách, pháp luật của Nhà nước để “không thể tham nhũng”, nhất là các quy định về kiểm soát quyền lực, trách nhiệm người đứng đầu, công khai, minh bạch, cơ chế bảo vệ, khuyến khích người tích cực đấu tranh phòng chống tham nhũng; đồng thời xử lý nghiêm những người lợi dụng chống tham nhũng để chống phá Đảng, Nhà nước.
Nói thế để thấy, thời gian tới các ban đảng liên quan sẽ tập trung tham mưu lãnh đạo, chỉ đạo xử lý dứt điểm các vụ án, vụ việc tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp, góp phần đẩy mạnh hơn nữa cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng; tham mưu tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, xử lý nghiêm minh các vụ án, vụ việc tham nhũng, kinh tế theo đúng tinh thần chỉ đạo của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Trưởng Ban Chỉ đạo là “không có vùng cấm, không có đặc quyền, không có ngoại lệ, không chịu sức ép của bất cứ tổ chức, cá nhân nào”. Trong đó không chỉ tham mưu đấu tranh đối với các vụ án lớn mà còn tham mưu, kiên quyết ngăn chặn tình trạng “tham nhũng vặt”; xử lý nghiêm những cán bộ hư hỏng, tiêu cực, tham nhũng vì sự thượng tôn pháp luật của Nhà nước, sự trong sạch, vững mạnh, uy tín của Đảng và ý nguyện của nhân dân.