Thu hút FDI: Ưu tiên những dự án có công nghệ tiên tiến

Minh Phương 11/01/2020 06:40

Trong thu hút đầu tư nước ngoài, sẽ thu hút đầu tư có chọn lọc, ưu tiên các dự án có công nghệ tiên tiến, công nghệ mới, công nghệ tương lai, dự án xanh… Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhấn mạnh như vậy tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) cuối kỳ 2019 với chủ đề “Vai trò và đóng góp của cộng đồng doanh nghiệp FDI trong phát triển nhanh và bền vững” diễn ra sáng 10/1 tại Hà Nội.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, bất chấp những biến động với nhiều khó khăn, thách thức của năm 2019, với sự nỗ lực của cộng đồng DN và sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt, kịp thời, hiệu quả của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, kinh tế Việt Nam tiếp tục đạt được những kết quả ấn tượng trên nhiều lĩnh vực quan trọng.

Tốc độ tăng trưởng kinh tế duy trì trên 7% năm thứ hai liên tiếp, thuộc nhóm các quốc gia có tốc độ tăng trưởng cao hàng đầu khu vực và thế giới; kinh tế vĩ mô ổn định; lạm phát được kiểm soát ở mức thấp; cơ cấu kinh tế tiếp tục có chuyển biến tích cực; các ngành, lĩnh vực phát triển ổn định; quy mô thương mại quốc tế vượt mốc 500 tỷ USD; xếp hạng năng lực cạnh tranh quốc gia tăng 10 bậc.

Khu vực đầu tư nước ngoài tiếp tục là một điểm sáng. Lần đầu tiên, vốn giải ngân của các dự án FDI đạt 20,4 tỷ USD, lập kỷ lục cao nhất từ trước đến nay. Tổng vốn đăng ký đạt hơn 38 tỷ USD, cao nhất trong vòng 10 năm trở lại đây. Việt Nam hiện là điểm đến đầu tư chiến lược của nhiều tập đoàn đa quốc gia và đang dần vươn lên nấc thang cao hơn trong chuỗi giá trị toàn cầu. Đạt được kết quả đáng khích lệ này có phần đóng góp không nhỏ của cộng đồng DN, các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Đánh giá cao những nỗ lực của Chính phủ trong việc cải cách thể chế, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, từ việc hoàn thiện khung khổ pháp lý lớn cho đến thúc đẩy thực thi các giải pháp cụ thể, tuy nhiên, theo ông Vũ Tiến Lộc – Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), môi trường đầu tư kinh doanh tại Việt Nam vẫn còn khoảng cách khá lớn so với các nước đi trước trong khu vực, không gian và dư địa cải cách vẫn rất lớn. Theo ông Lộc, vấn đề phá sản DN, bảo hộ nhà đầu tư, thủ tục xuất nhập khẩu được đánh giá là ít chuyển biến. Tỷ lệ DN đăng ký kinh doanh trực tuyến, qua bưu điện hay trung tâm hành chính công tăng từ 12,5% lên 17,4%, song tỷ lệ DN đánh giá việc ứng dụng công nghệ thông tin tốt lại giảm từ 60% xuống còn 36%. Hoạt động thanh kiểm tra thuế vẫn chưa được cải thiện nhiều. Đáng chú ý, vẫn còn tới 30% DN cho biết tồn tại chi phí không chính thức khi thanh kiểm tra thuế....

Bà Virginia B.Foote, Chủ tịch Hội đồng Thương mại Mỹ -Việt, đồng Chủ tịch VBF cho biết, năm 2020 sẽ là năm về đích trong cải thiện môi trường kinh doanh và tạo lập môi trường kinh doanh thuận lợi hơn nữa. “Qua tập hợp, nghiên cứu rất nhiều vấn đề của môi trường kinh doanh, tại Diễn đàn này chúng tôi sẽ đề xuất thực hiện nhóm 13 giải pháp lớn, trọng tâm cho năm 2020. Một trong số 13 giải pháp được bà Virginia B.Foote nhấn mạnh đó là, tiếp tục cải thiện về khởi sự kinh doanh, về thuế, về giấy phép xây dựng và giấy phép liên quan, về đất đai và đăng ký bất động sản vì vấn đề lớn nhất trong lĩnh vực quản lý đất đai và đăng ký bất động sản hiện nay ở Việt Nam là khả năng kết nối dữ liệu và tiếp cận thông tin về đất đai…

Theo Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng, trong thời gian tới, Việt Nam sẽ chủ động thu hút, hợp tác đầu tư nước ngoài có chọn lọc, lấy chất lượng, hiệu quả, công nghệ và bảo vệ môi trường là tiêu chí đánh giá chủ yếu. Ưu tiên các dự án có công nghệ tiên tiến, công nghệ mới, công nghệ tương lai, dự án xanh, quản trị hiện đại, hàm lượng giá trị gia tăng cao, có tác động lan toả, kết nối chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu.

Minh Phương