Sau 1 năm thực hiện Nghị quyết 28-NQ/TW về BHXH: Nỗ lực hiện thực hóa mục tiêu vì an sinh xã hội

Lan Hương 11/01/2020 08:00

Năm 2019 là năm đầu tiên thực hiện Nghị Quyết số 28-NQ/TW ngày 23/5/2018 của Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về cải cách chính sách BHXH; Nghị quyết số 102/NQ-CP ngày 6/3/2018 của Chính phủ về giao chỉ tiêu phát triển đối tượng tham gia BHXH. Tuy nhiên với quyết tâm đưa Nghị quyết 28 vào đời sống, ngành BHXH đã có nhiều nỗ lực, quyết tâm thực hiện mục tiêu BHXH toàn dân, nhờ đó chỉ sau 1 năm triển khai Nghị quyết 28 đã có chuyển biến tích cực, góp phần quan trọng nhằm hiện thực hóa mục tiêu bao phủ BHXH, BHYT toàn dân.

Sau 1 năm thực hiện Nghị quyết 28-NQ/TW về BHXH: Nỗ lực hiện thực hóa mục tiêu vì an sinh xã hội

Nhờ đổi mới tuyên truyền năm 2019 số người tham gia BHXH tự nguyện vượt chỉ tiêu đặt ra.

Linh hoạt đẩy mạnh số người tham gia BHXH tự nguyện

Nghị quyết số 28-NQ/TW đặt mục tiêu tổng quát “Từng bước mở rộng vững chắc diện bao phủ BHXH, hướng tới mục tiêu BHXH toàn dân”, đặt mục tiêu giai đoạn đến năm 2021 phấn đấu đạt khoảng 35%, giai đoạn đến năm 2025 đạt khoảng 45%, giai đoạn đến năm 2030 đạt khoảng 60% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia bảo hiểm xã hội... Có thể nói để đạt mục tiêu này không hề dễ nhất là khi nhận thức về tham gia BHXH của người dân vẫn còn hạn chế. Cùng với đó, không ít ngành, địa phương vẫn coi việc phát triển đối tượng là nhiệm vụ của ngành BHXH. Xuất phát từ thực tế này, BHXH Việt Nam luôn bám sát, chủ động phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành đưa Nghị quyết số 28-NQ/TW Hội nghị lần thứ 7 Trung ương vào cuộc sống. Đặc biệt, hướng tới mục tiêu BHXH, BHYT toàn dân, BHXH Việt Nam đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để phát triển đối tượng tham gia. Phấn đấu giảm thời gian nộp hồ sơ và tiền đóng BHXH tự nguyện, BHYT từ đại lý về cơ quan BHXH để kịp thời cấp sổ BHXH, thẻ BHYT cho người dân. Theo đó ngày 20/8/2019 BHXH Việt Nam đã ban hành công văn số 3046/BHXH-BT về việc thực hiện thu BHXH tự nguyện, BHYT tự đóng qua nhà trường và đại lý thu. Trong đó quy định trước 16h00 hằng ngày, tất cả các đại lý thu nộp thủ tục của người tham gia BHXH, BHYT bằng hình thức giao dịch điện tử và tiền đóng BHXH, BHYT trong ngày cho cơ quan Bưu điện trên địa bàn. Cơ quan Bưu điện có trách nhiệm cập nhật nội dung của người tham gia BHXH, BHYT vào phần mềm quản lý thu, nộp toàn bộ hồ sơ của người tham gia BHXH, BHYT và tiền đóng BHXH, BHYT cho cơ quan BHXH.

Cơ quan BHXH cấp sổ BHXH, thẻ BHYT chuyển cơ quan Bưu điện. Trong 3 ngày kể từ ngày nhận sổ BHXH, thẻ BHYT từ cơ quan BHXH, cơ quan Bưu điện có trách nhiệm trả tận tay cho người tham gia BHXH, BHYT. Quy trình này đã giảm đáng kể thời gian cho các đại lý thu trong việc nộp hồ sơ và tiền đóng của người tham gia BHXH tự nguyện, BHYT tự đóng cho cơ quan BHXH; bảo đảm việc cấp sổ BHXH, thẻ BHYT được kịp thời, công khai, minh bạch, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân khi tham gia và thụ hưởng chính sách.

Cùng với việc cải cách thủ tục hành chính (TTHC), việc đổi mới tuyên truyền nâng cao nhận thức về chính sách BHXH là một trong nhiệm vụ được BHXH đặc biệt quan tâm và chú trọng. Theo tổng hợp từ BHXH các địa phương, trong thời gian qua, các cấp ủy Đảng và đoàn thể chính trị đã phối hợp tổ chức được hàng nghìn hội nghị triển khai học tập, tìm hiểu về các nội dung quan trọng của Nghị quyết 28 tại cơ sở; trên 19.300 hội nghị tư vấn đối thoại, tư vấn về chính sách, pháp luật BHXH, BHYT đã được tổ chức với sự tham gia của gần 1,3 triệu lượt người. Đáng chú ý, trong 9 tháng năm 2019, BHXH Việt Nam phối hợp với Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam tổ chức được trên 11.000 hội nghị tư vấn về BHXH tự nguyện, thu hút sự hưởng ứng và tham gia của hàng chục vạn người.

Tính đến hết tháng 11, số người tham gia BHXH bắt buộc đạt khoảng 15,065 triệu người (đạt 99,6% kế hoạch giao); BHXH tự nguyện đạt 533.000 người (đạt 113% kết hoạch giao); BHYT đạt khoảng 85,29 triệu người (đạt 100,15% kế hoạch); BH thất nghiệp đạt 13,193 triệu người (đạt 99,7%). Đáng ghi nhận sau hơn một năm thực hiện Nghị quyết 28-NQ/TW, trên phạm vi cả nước đã có gần nửa triệu người tham gia BHXH tự nguyện- nhiều hơn hai lần so với kết quả 10 năm trước. Đây là kết quả rất đáng ghi nhận, cho thấy sự nỗ lực, cố gắng rất lớn của ngành BHXH trong việc hiện thực hóa các mục tiêu mở rộng đối tượng tham gia BHXH mà Nghị quyết số 28 đã đặt ra.

Sau 1 năm thực hiện Nghị quyết 28-NQ/TW về BHXH: Nỗ lực hiện thực hóa mục tiêu vì an sinh xã hội - 1

Trong khuôn khổ Hội nghị ASSA 36 BHXH Việt Nam vinh dự được nhận giải thưởng về cải cách TTHC với Dự án “Đẩy mạnh cải cách TTHC, nâng cao phục vụ người dân và doanh nghiệp”.

Dấu ấn cải cách thủ tục hành chính

Xác định rõ việc cải cách hành chính và ứng dụng CNTT là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu nên trong thời gian qua, BHXH Việt Nam đã triển khai quyết liệt công tác cải cách hành chính, đẩy mạnh giao dịch BHXH điện tử, giải quyết kịp thời, đầy đủ quyền lợi BHXH, Bảo hiểm Y tế (BHYT) cho người dân và DN.

Với sự chủ động, tích cực, công tác cải cách hành chính (CCHC) ngành BHXH đã có nhiều tiến bộ quan trọng.

Để có được sự ghi nhận này, ngành BHXH Việt Nam đã có sự nỗ lực rất lớn trong nhiều năm qua. Tính trong vòng 5 năm trở lại đây, số lượng TTHC của BHXH đã giảm từ 115 xuống còn 28 TTHC (giảm trên 75%). Cụ thể, BHXH Viêt Nam đã giảm trên 70% số lượng, từ 115 thủ tục (năm 2014) xuống còn 28 thủ tục (năm 2017); đến tháng 5/2019 còn 27 thủ tục. Trong giao dịch, giải quyết TTHC với tổ chức, cá nhân được tập trung, quyết liệt triển khai thực hiện, rút ngắn thời gian, chi phí giải quyết thủ tục hành chính cho người dân và doanh nghiệp.

Hiện nay, BHXH Việt Nam đã triển khai ứng dụng CNTT ở hầu hết các hoạt động nghiệp vụ chủ yếu của ngành BHXH như: Giao dịch điện tử trong công tác thu BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) và cấp sổ BHXH, thẻ BHYT; giải quyết, chi trả các chế độ BHXH, BHYT, BHTN; giám định điện tử chi phí khám chữa bệnh BHYT thông qua Hệ thống thông tin giám định BHYT; số hóa hồ sơ lưu trữ; các phần mềm phục vụ công tác tài chính - kế toán, quản lý văn bản và điều hành... Về thành phần hồ sơ, tiêu thức, quy trình thao tác thực hiện thủ tục hành chính: giai đoạn 2014 -2015 đã giảm 56% số lượng hồ sơ; giảm 82% số chỉ tiêu trên tờ khai, biểu mẫu; giảm 78% quy trình, thao tác thực hiện. Giai đoạn 2016-2017 đã giảm 38% thành phần hồ sơ; giảm 42% tiêu thức trên tờ khai, biểu mẫu; giảm 54% quy trình, thao tác thực hiện. Giai đoạn 2018 đến nay đã giảm thêm 24% số biểu mẫu; 29% tiêu thức; 12% quy trình thao tác thực hiện và 49% thành phần hồ sơ... Với những nỗ lực đó ngành BHXH đã được Bộ Thông tin và Truyền thông đánh giá là cơ quan triển khai hiệu quả ứng dụng CNTT, dịch vụ công trực tuyến và được xếp hạng 2 trong Bảng xếp hạng chung khối các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ có dịch vụ công. Cũng trong bảng xếp hạng này năm 2018, BHXH Việt Nam đã vươn lên dẫn đầu, đánh dấu bước tiến đáng kể của ngành BHXH trong việc ứng dụng CNTT vào công tác quản lý. Đặc biệt, tại Hội nghị Hiệp hội An sinh xã hội ASEAN (ASSA) lần thứ 35 hồi tháng 9 năm 2018, BHXH Việt Nam đã được trao tặng giải thưởng về “Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, nâng cao hiệu quả phục vụ người dân và doanh nghiệp” với sản phẩm “Hệ thống thông tin giám định BHYT”.

Lan Hương