Vợ cựu Chủ tịch Nissan bị truy nã quốc tế
Ngày 10/1, các nguồn tin cho biết Chính phủ Nhật Bản đã đề nghị Tổ chức Cảnh sát hình sự quốc tế (Interpol) ra thông báo truy nã bà Carole Ghosn, vợ của cựu Chủ tịch Hãng Nissan Motor Carlos Ghosn. Hiện bà Carole đang ở Liban cùng với chồng sau khi ông Carlos Ghosn tuần trước trốn khỏi Nhật Bản trong thời gian được bảo lãnh tại ngoại chờ xét xử về những sai phạm tài chính.
Chủ tịch Nissan Motor và phu nhân Carole Ghosn, tại Tokyo, Nhật Bản, ngày 8/3/2019 Nguồn: REUTERS/Issei Kato.
Tuy nhiên, theo giới quan sát, ít có khả năng bà Carole bị bắt giữ trong bối cảnh Nhật Bản và Liban không có hiệp ước dẫn độ. Người ta cho rằng, động thái trên của cơ quan điều tra Nhật Bản dường như nhằm hạn chế các hoạt động của bà Carole ở nước ngoài.
Trước đó, các công tố viên Nhật Bản đã được lệnh bắt giữ bà Carole, 53 tuổi, với cáo buộc nói dối trước tòa. Theo các nhà điều tra, từ tháng 7/2017 - 7/2018, ông Ghosn đã chuyển 10 triệu USD từ các quỹ của Nissan cho đối tác phân phối ô tô Suhail Bahwan, và đã chuyển 5 triệu USD cho Công ty Đầu tư Liban Good Faith Investments của ông.
Bà Carole đã chối bỏ quan hệ quen biết với một nhà quản lý của Suhail Bahwan dính líu tới hoạt động chuyển tiền cho Công ty Good Faith Investments. Trước đó, bà Carole được cho là đã gặp và trao đổi nhiều tin nhắn với nhà quản lý này sau khi chồng bà bị bắt giữ.
Nhắc lại, ông Ghosn đã lãnh đạo Nissan trong hai thập kỷ và tạo ra một trong những liên minh ô tô lớn nhất thế giới cùng hai hãng sản xuất ô tô Renault SA (Pháp) và Mitsubishi Motors (Nhật Bản). Tháng 11/2018, ông bị nhà chức trách Nhật Bản bắt giữ với các cáo buộc gian lận tài chính, trong đó có việc không kê khai khoản thù lao ông được nhận khoảng 9 tỷ yên (83 triệu USD) trong 8 năm và lạm dụng tín nhiệm sử dụng tiền của Hãng Nissan phục vụ lợi ích cá nhân. Ông Ghosn đã phủ nhận tất cả các tội danh và bất ngờ bỏ trốn khỏi Nhật Bản hôm 29/12/2019. Cuộc “đào thoát” này vẫn được coi là bí ẩn. Chỉ có một nguồn tin cho rằng ông Ghosn đã lên một máy bay riêng tại thành phố Istanbul của Thổ Nhĩ Kỳ để tới Liban và nhập cảnh bằng một hộ chiếu Pháp.
Ngày 8/1, cựu Chủ tịch Hãng ô tô Nissan Carlos Ghosn đã xuất hiện trong một cuộc họp báo tại thủ đô Beirut (Liban), lên tiếng cáo buộc Hãng Nissan và các công tố viên Nhật Bản có “âm mưu” chống lại ông. Phát biểu trước các phóng viên, ông Ghosn cho biết những cáo buộc tại Nhật Bản nhằm vào ông liên quan đến sai phạm tài chính là “vô căn cứ” và có sự “cấu kết” giữa Hãng Nissan và các công tố viên Nhật Bản để dàn dựng lấy cớ bắt giữ ông. Ông Ghosn cũng bày tỏ hy vọng Pháp sẽ không bỏ rơi ông trong cuộc chiến pháp lý với Nhật Bản về những cáo buộc về sai phạm tài chính, vốn bị ông bác bỏ.
Được biết, ông Carlos Ghosn mang 3 quốc tịch là Brazil, Pháp và Liban.
Ngày 10/1, một nguồn tin từ Tòa án Liban cho biết, các nhà điều tra Liban đã tiến hành thẩm vấn ông Ghosn tại thủ đô Beirut dưới sự giám sát của công tố viên, sau khi gửi lệnh triệu tập tới ông này liên quan tới lệnh truy nã của Interpol về các cáo buộc sai phạm tài chính của ông tại Nhật Bản. Trước đó (ngày 31/12/2019), Cơ quan An ninh Liban cho biết ông Ghosn đã nhập cảnh Liban một cách hợp pháp và sẽ không phải đối mặt bất cứ hậu quả pháp lý nào. Theo Hãng thông tấn NNA, ông Ghosn đã đến Beirut ngày 30/12 sau khi rời khỏi Nhật Bản, vài tháng trước phiên xét xử quan trọng về các cáo buộc sai phạm tài chính (dự kiến vào tháng 4/2020).
Còn theo giới chức Nhật Bản, việc ông Ghosn rời Nhật Bản là hành vi vi phạm quy định bảo lãnh tại ngoại. Ngoài tội danh không kê khai khoản thù lao hàng triệu USD nói trên, ông Ghosn còn bị cáo buộc lạm dụng tín nhiệm sử dụng tiền của Hãng Nissan phục vụ lợi ích cá nhân.
Cựu Chủ tịch Nissan bị bắt giữ hồi tháng 11/2018 với các cáo buộc gian lận tài chính. Ông được tại ngoại sau khi nộp tiền bảo lãnh. Dự kiến, Tòa án Tokyo bắt đầu xét xử ông vào tháng 4/2020.
Như vậy, tới nay vụ án có thêm 2 tình tiết mới: Nhật Bản đã đề nghị Interpol ra thông báo truy nã bà Carole Ghosn; và các nhà điều tra Liban đã tiến hành thẩm vấn ông Ghosn.