Không ngăn được nước mắt trong ngôi nhà người cán bộ hy sinh ở Đồng Tâm
Men theo con ngõ nhỏ ở thôn Vàng 3, xã Cổ Bi, huyện Gia Lâm, Hà Nội chúng tôi đến gia đình Thượng tá Nguyễn Huy Thịnh, người cán bộ vừa hy sinh khi đảm bảo ANTT tại Đồng Tâm, Hà Nội.
Người thân của Thượng tá Nguyễn Huy Thịnh không giấu được nhưng giọt nước mắt.
Từ đầu xã Cổ Bi, khi chúng tôi hỏi thăm nhà anh Thịnh Công an, từ cụ già đến trẻ nhỏ ai cũng biết, nhiệt tình chỉ dẫn cặn kẽ. Đoán chúng tôi là đồng đội của anh, thấy chúng tôi đi vào nhầm ngõ, một cụ già đạp xe với theo “Các bác vào nhà bác Thịnh đúng không, đi đường này, để tôi dẫn”.
Rồi cụ dắt bộ xe theo chúng tôi, vừa đi vừa nói “Thương quá, nghe tin anh ấy mất mà cả làng tôi như có tang, không ai kìm được nước mắt. Ông bà thân sinh anh ấy hiền lành đức độ, đều là bộ đội cả. Anh ấy đi công tác từ lâu nhưng về nhà thấy ai cũng chào từ xa, kính già, nhường trẻ, thân thiết với xóm giềng nên chúng tôi quý lắm”.
Ở đầu ngõ nhà anh Thịnh là mấy chiếc ghế kê tạm để đồng đội của anh và xóm giềng dừng chân. Bên trong, ngôi nhà nhỏ được bố mẹ anh tự đóng gạch, đắp đất xây từ năm 1979 nằm khuất sau vườn rau, phía trước khoảng sân gạch được kê vội vài dãy ghế để xóm giềng, đơn vị đến chia buồn.
Sau khi Thượng tá Nguyễn Huy Thịnh cùng 2 đồng đội hy sinh, chiều 9 -1, Thiếu tướng Phạm Văn Bảng, Phó Tư lệnh, Bộ Tư lệnh CSCĐ đại diện lãnh đạo đơn vị đã đến gia đình báo tin buồn, động viên chia sẻ với mẹ và thân nhân anh Thịnh. Những cái nắm tay chặt, những lời nói nghẹn ngào không ngăn được dòng nước mắt.
Từ thời khắc đó, Thượng tá Vũ Văn Khánh, Phó Trung đoàn Trưởng Trung đoàn CSCĐ Thủ đô cùng đồng đội đã ở cùng gia đình để động viên, phối hợp lo toan tang lễ cho anh Thịnh. Suốt từ lúc đó, trong ngôi nhà này, hầu như chưa ai chợp mắt. Kể cả các đồng đội của anh như Thượng tá Vũ Văn Khánh, Trung tá Nguyễn Huy Trụ...
Mẹ anh – bà Hoàng Thị Phúc, người phụ nữ từng tham gia thanh niên xung phong, từng vào sinh ra tử trong chiến tranh nhưng cũng gục ngã. Em rể anh – Thượng tá Phùng Toàn Thắng, Trung đoàn trưởng Trung đoàn CSCĐ Đông Bắc Bộ - cũng là người đồng đội cùng đi lính một ngày, cùng rèn luyện trong trường Cảnh sát đặc nhiệm vốn cứng cỏi là thế cũng lấy tay lén lau dòng nước mắt trước sự ra đi của người anh vợ - người đồng đội thân yêu.
Chú ruột anh Thịnh – ông Nguyễn Huy Cư, người đàn ông lớn tuổi nhất trong gia đình đứng ra lo liệu mọi việc. Ông cho biết, gia đình anh Thịnh có 4 anh em, anh Thịnh là con cả. Từ bé đã sớm biết lo cho gia đình, cho các em, hiếu thuận với bố mẹ. Từ khi bố mất (khoảng 12 năm nay), anh Thịnh trở thành người trụ cột trong gia đình, lo toan công lớn việc nhỏ. Chính vì vậy, khi anh ngã xuống, gia đình bàng hoàng, đau đớn không kể xiết.
Cháu Nguyễn Gia Huy, 20 tuổi, con trai đầu Thượng tá Nguyễn Huy Thịnh kể trong nước mắt: “Khoảng 7h tối 8/1, cháu đi đá bóng về thì bố đã nấu cơm xong. Lúc đó, mẹ đưa em đi học. Cháu định đi tắm nhưng bố bảo xới cho bố bát cơm bố ăn còn đi công tác”. Bố chỉ ăn 1 bát cơm rồi bảo “Đêm nay bố phải hành quân rồi, con không được nói với ai, ai hỏi chỉ bảo bố đi trực nhé. Con ở nhà chăm sóc mẹ và em”.
Trước lúc bố đi, bố còn nhắc lại “bố đi đây...”. Mặc dù bố đi công tác hàng trăm lần rồi nhưng lúc bố nói thế, cháu thấy trong lòng lo lắng nên hỏi bao giờ bố về, bố bảo: “Yên tâm đi, mai kia bố về, bố còn đi lớp bồi dưỡng cán bộ”. Đến sáng hôm sau, cháu đọc trên mạng thấy có thông tin có 3 cán bộ chiến sỹ công an hi sinh ở Đồng Tâm, cháu xem, thấy rất lo lắm. Rồi trong các comment có người bình rằng: “ông bác hy sinh” – cháu nghĩ, đó phải là người lớn tuổi. Rồi đọc những dòng comment tiếp theo thì thấy tên bố cháu. Cháu rụng rời chạy vào đơn vị bố. Chẳng ai nói với cháu là bố hy sinh, nhưng nhìn ánh mắt họ, cháu hiểu đã mất bố rồi. Cháu chạy về nhà tìm mẹ, tìm em…”.
Nén nỗi đau thương, cháu Huy cho biết “bố lúc nào cũng dặn, con trai là không được khóc, không được yếu đuối vì mình là đàn ông trong nhà, phải lo cho mẹ, cho em. Bố dặn cháu nhiều lắm. Việc gì dù nhỏ, dù lớn cháu cũng đều hỏi bố. Nghe lời bố, cháu cố gắng cứng cỏi để động viên bà, mẹ, để bố cháu được yên tâm ra đi...”
Từ khi biết tin con trai hi sinh vì bảo vệ bình yên của quê hương, mẹ Thượng tá Nguyễn Huy Thịnh suy sụp hoàn toàn. Bà hầu như không ăn, không uống được. Khi thấy chúng tôi – đồng đội của anh đến thăm, bà gượng dậy. Ngôn ngữ mộc mạc, chân thành, bà nói về con trai cả trong nước mắt: “Nhiều năm nay nó có về ăn Tết đâu. Gần nhất là hôm mùng 6 nó về gặp tôi, hỏi nó năm nay có về ăn Tết không thì nó bảo con chưa biết, công việc còn bộn bề lắm, may ra thì sau Tết con về. Thế mà, cả nhà đang chuẩn bị đón Tết thì nó đi mất. Biết bao giờ gặp được con…”.
Bà bảo, anh Thịnh đi Công an gần 30 năm nhưng chỉ dăm năm ăn Tết ở nhà còn thường phải trực, hết Tết mới về nên năm nào bà cũng mong gia đình có cái Tết trọn vẹn bên nhau. “Thế là không bao giờ gia đình tôi được đoàn viên nữa. Chỉ thương bọn trẻ, chúng còn bé quá đã mồ côi...” bà Phúc nấc nghẹn.
Thượng tá Vũ Văn Khánh kể về người đồng đội của mình bằng sự trân trọng rằng, Thượng tá Thịnh là một cán bộ năng nổ, tận tâm và trách nhiệm. Là cán bộ chịu khó học hỏi và rèn luyện bản lĩnh, anh luôn hoàn thành tốt công việc của người chỉ huy.
Ngay sau khi anh hy sinh, đơn vị đã cắt cử người về động viên gia đình và cùng gia đình, chính quyền địa phương lo hậu sự chu đáo cho anh. Thượng tá Thịnh sẽ được đưa về nghĩa trang liệt sỹ xã Cổ Bi, vùng quê thanh bình nơi anh sinh ra và lớn lên, nơi có mẹ, có anh chị em luôn thương nhớ và tự hào về anh...