6 vụ máy bay chở khách từng trúng tên lửa

Theo Dân Trí 11/01/2020 18:42

Trước vụ Iran thừa nhận phóng tên lửa bắn nhầm máy bay chở khách của Ukraine làm 176 người chết, thế giới từng chứng kiến 6 máy bay bị tên lửa bắn trúng trong khi đang bay trên không trung.

6 vụ máy bay chở khách từng trúng tên lửa

Hiện trường vụ rơi máy bay tại Iran ngày 8/1 (Ảnh: EPA).

Iran: 176 người thiệt mạng

Iran ngày 11/1 đã thừa nhận “vô tình” bắn hạ máy bay chở khách của Ukraine, làm toàn bộ 176 người trên khoang thiệt mạng.

Chiếc Boeing 737-800 của hãng hàng không Ukraine International Airlines đã bị rơi ở ngoại ô thủ đô Tehran sau khi vừa cất cánh vào sáng sớm ngày 8/1, chỉ vài giờ sau khi Iran phóng một loạt tên lửa nhằm vào các căn cứ có quân đội Mỹ đồn trú ở Iraq. Máy bay chở 176 người, trong đó có 82 người Iran, 57 người Canada, 11 người Ukraine.

Trong một tuyên bố trên mạng xã hội, Tổng thống Iran Hassan Rouhani viết đất nước ông “vô cùng lấy làm tiếc về sai sót khủng khiếp này”.

Trước đó, Anh và Canada cho biết đã nhận được thông tin cho thấy chiếc Boeing bị bắn rơi do trúng tên lửa của Iran.

Đây không phải lần đầu một máy bay thương mại bị tên lửa bắn trúng trong 4 thập niên qua, cả do cố ý lẫn bắn nhầm.

Ukraine: 298 người thiệt mạng

Vào ngày 17/7/2014, máy bay mang số hiệu MH17 của hãng hàng không Malaysia Airlines đã bị trúng tên lửa trên bầu trời miền đông Ukraine trong khi đang thực hiện hành trình từ Amsterdam (Hà Lan) đi Kuala Lumpur (Malaysia). Toàn bộ 298 người trên chiếc Boeing 777 đã thiệt mạng, trong đó có 193 công dân Hà Lan.

Giới chức Kiev và phe đòi độc lập ở miền đông, vốn đang đòi quyền kiểm soát miền đông Ukraine, đã cáo buộc nhau bắn nhầm tên lửa vào chiếc máy bay của Malaysia Airlines.

Vào năm 2019, các công tố viên Hà Lan đã nêu tên 4 nghi phạm trong vụ tấn công, trong đó có 3 cựu đặc vụ Nga.

6 vụ máy bay chở khách từng trúng tên lửa - 1

Mảnh vỡ máy bay MH17 bị bắn rơi ở miền đông Ukraine (Ảnh: Reuters).

Somalia: 11 người thiệt mạng

Vào ngày 23/3/2007, một máy bay vận tải Ilyushin II-76 của một hãng hàng không Belarus đã bị một tên lửa bắn rơi ngay sau cất cánh từ sân bay Mogadishu, thủ đô Somalia, làm 11 người chết.

Khi gặp nạn, máy bay đang chở các kỹ sư và chuyên gia Belarus tới Somalia để giúp sửa chữa một máy bay khác bị trúng tên lửa 2 tuần trước đó.

Biển Đen: 78 người thiệt mạng

Vào ngày 4/10/2001, 78 người, hầu hết là người Israel, đã thiệt mạng khi chiếc máy bay Tupolev-154 của hãng hàng không Siberia Airlines bay từ Tel Aviv (Israel) đi Novosibirsk (Nga) đã phát nổ bên trên biển đen. Vụ tai nạn xảy ra cách bờ biển bán đảo Crimea gần 300km.

Một tuần sau đó, Kiev thừa nhận rằng thảm kịch xảy ra do một vụ bắn nhầm tên lửa của Ukraine.

Iran: 290 người thiệt mạng

Vào ngày 3/7/1988, một máy bay Airbus A-300 của hãng hàng không Iran Air bay từ Bandar Abbas (Iran) tới Dubai đã bị bắn rơi trên lãnh hải Iran ở vịnh Péch-xích ngay sau khi cất cánh. Mỹ sau đó thừa nhận, tàu khu trục USS Vincennes tuần tra eo biển Hormuz đã bắn nhầm 2 tên lửa vào máy bay vì tưởng nó là một máy chiến đấu. Vụ việc làm 290 người trên khoang thiệt mạng, trong đó có 66 trẻ em.

Mỹ đã trả cho Iran 101,8 triệu USD tiền đền bù cho các nạn nhân sau một dàn xếp tại Tòa án Công lý Quốc tế.

Tuy nhiên, trong khuôn khổ thỏa thuận, Mỹ không thừa nhận trách nhiệm pháp lý hay chính thức xin lỗi Iran về vụ việc.

Nga: 269 người thiệt mạng

Vào ngày 1/9/1983, một máy bay Boeing 747 của hãng hàng không Hàn Quốc Korean Air đang bay từ Alaska (Mỹ) đến Seoul (Hàn Quốc) đã bị các máy bay chiến đấu của Liên Xô bắn rơi trên bầu trời đảo Sakhali sau đi chệch hướng. Tổng cộng 269 người trên khoang đã thiệt mạng.

Năm ngày sau đó, giới chức Liên Xô thừa nhận rằng họ đã bắn chiếc máy bay của Hàn Quốc.

Sa mạc Sinai: 108 người thiệt mạng

Vào ngày 21/2/1973, một máy bay Boeing 727 của hãng hàng không Libyan Arab Airline từ Tripoli (Libya) tới Cairo (Ai Cập) đã bị các máy bay chiến đấu của Israel bắn rơi trên bầu trời bán đảo Sinai. 108 người trên khoang đã thiệt mạng và chỉ có 4 người sống sót.

Không quân Israel đã điều động các máy bay chiến đấu sau khi chiếc Boeing bay trên các cơ sở quân sự tại bán đảo Sinai, khi đó do Israel kiểm soát. Giới chức Israel nói các máy bay chiến đấu nước này đã khai hỏa sau khi chiếc Boeing không chịu hạ cánh.

Theo Dân Trí