Thu hút kiều hối để tăng trưởng

H.Vũ 12/01/2020 08:00

Theo dữ liệu công bố từ Ngân hàng Thế giới (World Bank), Việt Nam xếp thứ 9 thế giới trong bảng xếp hạng nước nhận kiều hối lớn nhất năm 2019. Nguồn kiều hối chuyển về Việt Nam ước đạt 16,68 tỷ USD, chiếm khoảng 6,4% GDP, tăng nhẹ so với năm 2018.

Trong hai thập kỷ qua, kiều hối chuyển về Việt Nam đã tăng đều, chỉ giảm duy nhất vào năm 2009 do ảnh hưởng của khủng hoảng tài chính toàn cầu. Vậy vấn đề đặt ra là làm sao để kêu gọi được nhiều kiều hối về nước nhằm đóng góp cho sự tăng trưởng của đất nước trong năm 2020 và những năm tiếp theo.

Thu hút kiều hối để tăng trưởng

Hiệp hội doanh nhân và đầu tư Việt Nam- Hàn Quốc (VKBIA) trao nhà tình nghĩa cho đồng bào tại Tiền Giang.

Giữ ổn định kinh tế vĩ mô

Công bố của World Bank cho thấy, đây là năm liên tiếp trong 3 năm qua, Việt Nam nằm trong số 10 quốc gia nhận kiều hối nhiều nhất. Nếu so lượng kiều hối với GDP (chiếm khoảng 6,4% GDP), thì Việt Nam còn ở vị thế cao hơn của Trung Quốc (chiếm 0,5%), Ấn Độ (chiếm 2,8%), Mexico (chiếm 3,3%). Nếu tính bình quân đầu người, con số của Việt Nam năm 2019 đạt 173,1 USD, cũng được xếp cao hơn một số nước có tổng lượng kiều hối lớn hơn ở vị trí đứng trên. Cơ cấu nguồn kiều hối có sự chuyển dịch theo hướng tích cực, và kiều hối về Việt Nam tác động về nhiều mặt. Rõ nhất là mang về một lượng ngoại tệ lớn, góp phần cải thiện cán cân thanh toán tổng hợp, tăng dự trữ ngoại hối của đất nước.

Năm 2019, TP. Hồ Chí Minh tiếp tục là địa phương thu hút lượng kiều hối lớn nhất với 5,3 tỷ USD/năm, tăng 12% so với năm 2018. Chỉ tính riêng trong những tháng cuối năm 2019, lượng kiều hối chuyển về TP. Hồ Chí Minh lên đến hàng trăm triệu USD, chiếm gần 30% lượng kiều hối của cả năm. Theo ông Nguyễn Hoàng Minh - Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam TP. Hồ Chí Minh, kiều hối là một trong những nguồn cung ngoại tệ quan trọng, là nguồn lực vàng của kinh tế, xã hội TP. Hồ Chí Minh. Nguồn kiều hối, FDI, nguồn xuất khẩu, du lịch đã tạo cho nguồn cung ngoại tệ dồi dào, qua đó chúng ta có thể chủ động đáp ứng nhu cầu ngoại tệ của nền kinh tế, các tổ chức, cá nhân. Quan trọng hơn nữa nó đóng góp về phát triển kinh tế và dự trữ ngoại hối.

Đánh giá về việc kiều hối tăng liên tục trong năm qua, ông Lương Thanh Nghị - Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài khẳng định, trong những năm gần đây nhờ các chính sách ngày càng cởi mở của Đảng và Nhà nước đối với kiều bào nên nguồn lực từ kiều bào đã được phát huy mạnh mẽ. Hiện có khoảng 3.000 doanh nghiệp của người Việt Nam ở nước ngoài đang hoạt động đầu tư trên cả nước với tổng số vốn góp và đăng ký lên tới 4 tỷ USD. Việc thu hút nguồn vốn và tri thức của kiều bào đang là một trong những trọng tâm trong chính sách trọng dụng nhân tài là người Việt Nam, từ nước ngoài về nước để cống hiến và phát triển quê hương.

Bình luận về việc kiều hối tăng kỷ lục trong năm 2019, là một kiều bào Mỹ, chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu cho rằng: Sự tăng liên tiếp thể hiện sự tin tưởng của kiều bào đối với nền kinh tế Việt Nam. “Họ thấy ở trong nước kinh tế ổn định nên gửi tiền về để cho giúp gia đình đầu tư vào một số lĩnh vực ở trong nước, thể hiện sự tin tưởng của kiều bào vào sự ổn định và phát triển của kinh tế Việt Nam. Ở trong nước đã ngày càng có nhiều cơ hội để cho kiều bào đầu tư. Nền kinh tế ngày càng mở cửa, có các hiệp định thương mại như CPTTP, UVFTA, và trong năm 2020 hơn 10 hiệp định thương mại khác sẽ có hiệu lực, nền kinh tế mở cửa đang tạo ra sân chơi kinh tế thuận lợi cho kiều bào đầu tư”-ông Hiếu nói và cho rằng đó là nền tảng hỗ trợ cho việc lượng kiều hối đổ về nước đã đạt ở mức kỷ lục.

Tuy nhiên thẳng thắn mà nói, kết quả khả quan trên là đáng mừng nhờ sự nỗ lực của Chính phủ trong cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tháo gỡ các rào cản, qua đó tạo điều kiện thuận lợi và tăng thêm niềm tin để kiều bào đầu tư về nước. Nhưng so với Philippines, là quốc gia ASEAN đứng thứ hai trong top 10 thì kiều hối về Việt Nam hiện chỉ bằng một nửa. Kiều hối về Philippines ước tính chiếm khoảng 9,8% GDP của nước này trong năm 2019. Chính vì vậy, để gia tăng lượng kiều hối, đóng góp cho tăng trưởng của đất nước trong năm 2020, ông Hiếu cho rằng: Tình hình kinh tế vĩ mô trong nước năm 2020 phải tiếp tục ổn định. “Năm 2019 GDP đã đạt kết quả tốt 7,02%, lạm phát dưới 3%. Cho nên đầu kiện đầu tiên để kiều hối tăng trong năm 2020 là kinh tế vĩ mô tiếp tục giữ được ổn định. Thứ hai, Ủy ban người Việt Nam ở nước ngoài, các lãnh sứ quán cần thông tin sát sao hơn cho kiều bào về tình hình kinh tế của đất nước, những lĩnh vực đang phát triển?, đó là những thông tin điều quan trọng để kiều bào đầu tư về trong nước”-ông Hiếu cho hay.

Đề xuất xây dựng “Quỹ kiều hối”

Trước vấn đề về chính sách để gia tăng lượng kiều hối, đóng góp cho tăng trưởng của đất nước trong năm 2020, theo ông Hiếu: Về chính sách nên duy trì chính sách mang tính ưu đãi cho kiều bào. Theo đó hiện nay có 2 chính sách lớn đó là người thụ hưởng nhận tiền ở Việt Nam vẫn có thể giữ ngoại tệ, không bắt buộc đổi ra tiền đồng, có thể giữ tiền mặt hay mở tài khoản ngoại tệ ở ngân hàng để giữ tiền. Thứ hai, là người thụ hưởng không phải đóng thuế. “Tại nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Mỹ, lượng kiều hối người dân nhận được phải đóng thuế. Vì đây được xem như thu nhập. Còn ở nước ta có ưu đãi là người thụ hưởng không phải đóng thuế. Những chính sách như thế nên tiếp tục duy trì để thu hút kiều hối về nước. Và đến một thời điểm thích hợp trong tương lai thì có thể coi dòng kiều hối gửi về là khoản thu nhập phải chịu thuế”-ông Hiếu nói.

Đề cập đến việc hiện nay đất nước đang triển khai các dự án lớn về đầu tư cơ sở hạ tầng, kêu gọi xã hội hóa nhưng thực tế lại ít kêu gọi được sự đóng góp chung tay của kiều bào cho sự phát triển chung của đất nước vậy làm sao có chính sách để kêu gọi sự chung tay của kiều bào trong phát triển cơ sở hạ tầng, phát triển kinh tế, ông Hiếu cho rằng: Kiều bào thường gửi tiền về để giúp người thân đầu tư trực tiếp, hay gián tiếp vào các ngành nghề, công ty mà họ cảm thấy an tâm. Còn đầu tư vào các công trình lớn, hạ tầng cơ sở cần có sự xã hội hóa thì họ còn e dè, chưa có sự tin tưởng vào việc quản lý các công trình có vốn đầu tư công. Ông Hiếu nói: “Ngay dự án đường sắt trên cao Cát Linh-Hà Đông triển khai được 10 năm nhưng chưa đi vào hoạt động, nhiều dự án BOT trong thu phí còn nhiều bất cập. Giao thông đường bộ, đường sắt, đường hàng không của nước ta cũng có những bất cập. Cho nên việc kêu gọi kiều bào đầu tư vào các dự án đầu tư công lớn cần phải có sự nỗ lực hơn nữa”.

Muốn vậy theo ông Hiếu: Trong triển khai xây dựng các công trình lớn, tầm cỡ phải chứng tỏ được sự thực hiện đúng theo kế hoạch, tạo lợi nhuận họ mới đầu tư. Nếu cứ kéo dài thời gian, làm tăng chi phí để bù trừ thì không ai dám bỏ tiền vào đầu tư. Bên cạnh đó, cần quan tâm đến các dự án kiều bào đang đầu tư ở trong nước. Vì họ thấy đầu tư trong nước có hiệu quả, họ sẽ tiếp tục đầu tư tiếp. Phải có dự án ưu đãi đối với kiều bào, dự án lớn có tính khả thi thì mới có thể thu hút kiều bào đóng góp vào các dự án đó.

Đại sứ Nguyễn Phú Bình - Ủy viên Đoàn Chủ tịch UBTƯMTTQ Việt Nam, Chủ tịch Hội Liên lạc với người Việt Nam ở nước ngoài cho rằng: Lượng kiều hối gửi về theo con đường tự nhiên như gửi về cho gia đình hoặc đầu tư, mua nhà. Khi kinh tế đất nước phát triển tạo cho họ niềm tin để họ đưa tiền về nước. Tuy nhiên cần thúc đẩy luồng kiều hối về nhanh hơn. Bởi phần tiền họ gửi cho gia đình chỉ chiếm rất nhỏ, còn nhìn chung kiều bào ta ở nước ngoài mong muốn gửi tiền về để đầu tư. Song hiện họ đang gặp khó khăn chưa biết nên đầu tư vào đâu, dự án nào, lĩnh vực nào, để đảm bảo và lợi nhuận cao.

Cho biết dựa trên ý kiến của nhiều kiều bào kiến nghị: “nếu có Quỹ Kiều hối để đầu tư, có cơ chế, bộ máy giúp họ tìm ra lĩnh vực, dự án đầu tư nào có thể bảo toàn vốn cho họ khi đưa về, có lợi nhuận thì có thể họ sẽ gửi tiền về nước nhiều hơn nữa”, ông Bình đưa ra đề xuất: Có thể xây dựng “Quỹ Kiều hối” nhằm mục đích đầu tư. Và đó là giải pháp để tăng nhanh lượng kiều hối gửi về nước.

H.Vũ