Kỷ niệm lần thứ 90 ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930 - 3/2/2020): Sức mạnh của niềm tin

GS.NGND Vũ Dương Ninh 13/01/2020 07:00

Năm 2020 - đêm Giao thừa, cả loài người hân hoan đặt niềm hy vọng vào một năm mới yên bình, an vui và hạnh phúc. Nhân dân Việt Nam đón chào một năm mới đầy ắp những ngày kỷ niệm lịch sử, những dấu mốc thắng lợi trên cuộc hành trình cách mạng dưới ngọn cờ của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại.

Kỷ niệm lần thứ 90 ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930 - 3/2/2020): Sức mạnh của niềm tin

Quảng trường Ba Đình ngày 2/9/1945. Ảnh: Tư liệu TTXVN.

Vừa tròn 100 năm trước - năm 1920, người thanh niên yêu nước Nguyễn Ái Quốc đã có một quyết định lịch sử tại Đại hội Đảng Xã hội Pháp, đi theo Quốc tế thứ Ba, tin vào con đường của V.I. Lênin. Cũng từ đó, con đường cách mạng giải phóng dân tộc Việt Nam được xác định. Để rồi, 10 năm sau - năm 1930, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, xác lập vị thế lãnh đạo của chính đảng vô sản trong sự nghiệp cứu nước. Và sau 15 năm, cuộc Cách mạng tháng Tám 1945 thắng lợi, thành lập Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa với 3 tiêu chí Độc lập-Tự do - Hạnh phúc. Thế là chỉ trong một phần tư thế kỷ kể từ ngày tìm ra con đường cách mạng, Bác Hồ đã đưa đất nước từ một thuộc địa lầm than trở thành một quốc gia độc lập, mở ra kỷ nguyên mới trong lịch sử nước nhà.

Từ ngày đó, đã diễn ra cuộc đấu tranh không cân sức: Một bên là hệ thống chính quyền thực dân được trang bị đầy đủ công cụ áp bức bóc lột với đội quân đế quốc cùng nhà tù, máy chém; một bên là những người dân yêu nước, gần như tay không nhưng tràn đầy nhiệt huyết cách mạng. Chỉ trong một thập niên từ 1930 đến 1940, đã từng bùng lên những cao trào khởi nghĩa như Xô viết Nghệ Tĩnh, Khởi nghĩa Nam Kỳ nhưng đều bị đàn áp đẫm máu. Tuy thế, ngọn lửa cách mạng không bao giờ bị dập tắt. Sự điều chỉnh chỉ đạo chiến lược đúng đắn của các nhà lãnh đạo cùng sự gắn bó giữa những người cộng sản với nhân dân đã tạo nên sức mạnh vô địch, dẫn tới thắng lợi tháng Tám 1945.

Từ tháng 5/1941, sự thành lập tổ chức Việt Minh đã mở ra một mặt trận thống nhất dân tộc rộng lớn, tập hợp tất cả những người yêu nước, cùng một ý chí “đánh Pháp đuổi Nhật”, đứng lên giành chính quyền về tay nhân dân. Cuộc Tổng khởi nghĩa tháng Tám 1945, nơi nơi rợp cờ đỏ sao vàng cùng khẩu hiệu “Ủng hộ Việt Minh” đã biểu thị sức mạnh toàn dân tộc, chỉ trong một tuần lễ theo dọc chiều dài đất nước, chính quyền đã về tay nhân dân từ Hà Nội qua Huế đến Sài Gòn. Rồi ngay sau đó, chiều mùng 2/9, Chủ tịch Hồ Chí Minh trịnh trọng đọc bản Tuyên ngôn, công bố sự ra đời một Quốc gia Độc lập, thành lập một Nhà nước Dân chủ Cộng hòa.

Hồi đó, với số lượng chưa đầy 5.000 đảng viên cộng sản, sức mạnh bắt nguồn từ tinh thần yêu nước, ý chí đấu tranh của toàn dân cùng niềm tin vào lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh đã đem lại thắng lợi trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc khỏi ách thống trị thực dân, Song đó mới là thắng lợi bước đầu.

Trong ký ức tuổi học trò thời ấy của người viết bài này, đất nước tràn ngập không khí hồ hởi, náo nhiệt đón chào cách mạng. Trong câu chuyện thường ngày, ai ai cũng nhắc đến những từ Độc Lập, Việt Minh, một lòng ngưỡng mộ Cụ Hồ với niềm hân hoan, tin cậy. Nhưng trong đời sống hằng ngày còn muôn vàn khó khăn, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ ra nhiệm vụ toàn dân phải đấu tranh chống 3 loại giặc: Giặc đói, giặc dốt, giặc ngoại xâm.

Nạn đói khủng khiếp đã giết chết hai triệu người do sự bóc lột của đế quốc Pháp cùng phát xít Nhật. Cách mạng thành công, Chính phủ kêu gọi nhân dân tăng gia sản xuất với khẩu hiệu “tấc đất, tấc vàng”, đâu đâu cũng trồng lương thực từ lúa, ngô đến khoai, sắn. Đồng thời đưa ra sáng kiến lập hũ gạo cứu đói, cứ mười ngày nhịn ăn một bữa, góp gạo giúp người nghèo. Người người làm như thế, nhà nhà đều làm thế, Bác Hồ cũng nêu gương như mọi người dân thường. Một nghĩa cử hoàn toàn tự nguyện mang ý nghĩa lớn lao về tình tương thân tương ái, về sự góp công vào cách mạng. Cùng với vụ gặt mùa, nạn đói bị đẩy lui nhưng tinh thần “tăng gia sản xuất là yêu nước” vẫn bền bỉ, trở thành nguồn tiếp tế vô cùng phong phú cho chiến trường. Dưới đôi vai của hàng trăm ngàn dân công cùng những chiếc xe thồ hướng về miền Tây Bắc, người dân đã góp phần vào chiến thắng Điện Biên Phủ lẫy lừng.

Nạn dốt là hậu quả của chính sách ngu dân dưới thời thuộc địa, hơn 90 phần trăm số dân mù chữ. Quan niệm rằng một dân tộc dốt nát sẽ làm cho quốc gia yếu hèn nên nạn dốt cũng bị coi như một kẻ thù. Cho nên một nhiệm vụ không kém phần quan trọng hồi đó là “chống nạn mù chữ”, phải làm cho ai cũng biết đọc, biết viết chữ quốc ngữ. Phong trào Bình dân học vụ đã thu hút đông đảo người đi học và người đi dạy, trên tinh thần người biết chữ bảo người không biết. Đâu đâu cũng trở thành lớp học, thời gian rảnh rỗi là đi học với tâm niệm đi học là thi đua, biết chữ là yêu nước. Một phong trào quần chúng rộng khắp, ai ai cũng hăng hái, hồ hởi. Nhờ tính chất quần chúng của phong trào thi đua mà ngay trong những ngày kháng chiến gian khổ, nạn mù chữ dần bị đẩy lùi. Chỉ một thời gian sau chiến tranh, Việt Nam đã trở thành một trong số ít quốc gia nhanh chóng xóa nạn mù chữ sau khi giành độc lập.

Chỉ 3 tuần lễ sau ngày tuyên bố độc lập, đêm 23/9/1945 quân Pháp đã khởi hấn ở Sài Gòn, mở đầu cuộc chiến tranh tái xâm lược Việt Nam. Tổ quốc lâm nguy, nhân dân Nam Bộ và Nam Trung Bộ đi đầu trong cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm. Những chuyến tầu chở đầy thanh niên khắp miền đất nước lên đường “Nam tiến”, hăng hái chi viện cho miền Nam đánh giặc. Rồi chiến tranh lan ra cả nước, lời kêu gọi “Toàn quốc kháng chiến” của Hồ Chủ tịch: “Chúng ta thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước. Nhất định không chịu làm nô lệ” như một lời hịch thôi thúc toàn Đảng, toàn quân, toàn dân bước vào cuộc chiến đấu chống quân xâm lược. Để rồi, chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954 đã giáng đòn sấm sét đập tan chủ nghĩa thực dân, một chiến tích hào hùng của phong trào giải phóng dân tộc trên thế giới.

Điểm qua vài nét lịch sử trong giai đoạn trước và sau Cách mạng Tháng Tám 1945 có thể thấy đất nước khi đó đứng trước bao thách thức cam go, “ngàn cân treo sợi tóc”. Chống lại một đế quốc thuộc loại hàng đầu thế giới, chống lại đội quân xâm lược được trang bị hiện đại là một nước Việt Nam mới ra đời từ chế độ thuộc địa đói nghèo, một nền kinh tế nông nghiệp lạc hậu, một đội quân Vệ quốc mới thành lập, trang bị thô sơ. Nhưng cuối cùng, Việt Nam đã chiến thắng!

Nhìn lại những năm tháng gay go quyết liệt, đầy sôi động thời đó, câu hỏi đặt ra là sức mạnh cứu nước bắt nguồn từ đâu? Có nhiều cách lý giải, song nhân tố cơ bản nhất chính là NIỀM TIN.

Đảng tin vào dân, được dân nuôi dưỡng và bảo vệ trước những đợt khủng bố của kẻ thù, được dân ủng hộ và hưởng ứng đường lối cứu nước.

Trong giờ phút quyết định của lịch sử, nhân dân đã nổi dậy như những đợt sóng cách mạng, cuốn phăng hệ thống cai trị thực dân, thiết lập chế độ mới, Nhà nước mới.

Dân tin vào Đảng, tin vào những đảng viên đã từng vượt qua mối đe dọa của ngục tù và máy chém, sẵn sàng hy sinh vì độc lập của Tổ quốc, vì hạnh phúc của đồng bào.

Nổi bật và sâu sắc hơn cả, chính là niềm tin vào Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - Chủ tịch Hồ Chí Minh, người đã cống hiến cả cuộc đời cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, đã nêu tấm gương sáng về cuộc sống thanh liêm, bình dị như mọi người dân thường.

Thực tiễn lịch sử đã chứng minh: Niềm tin vốn là yếu tố tinh thần, nhưng khi đã thấm sâu vào trái tim quần chúng, điều ấy sẽ trở nên sức mạnh vật chất, đập tan mọi kẻ thù, cuốn phăng mọi trở ngại trên con đường đấu tranh vì một nước Việt Nam hòa bình, độc lập, tự do, hạnh phúc.

Bài học về NIỀM TIN được đúc kết từ quá khứ, nhưng mãi mãi có ý nghĩa thiết thực cho hôm nay và mai sau.

Tháng 1/2020

GS.NGND Vũ Dương Ninh