Quyết tâm từ phía Nga

Thế Tuấn (Nguồn tham khảo: Reuters Sputnik) 13/01/2020 06:30

Theo Sputniknews, ngày 11/1 (giờ Matxcơva) Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố, Nga có khả năng xây dựng đường ống dẫn khí Dòng chảy phương Bắc 2 (Nord Stream 2) mà không cần các đối tác nước ngoài. Tuyên bố này cho thấy quyết tâm của Nga bất chấp sự can thiệp từ bên ngoài đối với dự án khí đốt quan trọng này.

Quyết tâm từ phía Nga

Hệ thống đường ống dẫn khí giai đoạn một của Dự án “Dòng chảy phương Bắc” qua biển Baltic tại Lubmin, miền Đông Bắc Đức.

Phát biểu sau khi gặp Thủ tướng Đức Angela Merkel, Tổng thống Putin khẳng định: “Chúng tôi chắc chắn có thể tự mình hoàn tất dự án mà không cần tới các đối tác nước ngoài. Vấn đề duy nhất là thời gian. Đây là vấn đề nổi lên duy nhất”. Trước đó, Tổng thống Putin đã thảo luận với bà Thủ tướng Merkel về việc vận chuyển khí đốt từ Nga qua Ukraine và Matxcơva đánh giá cao sự ủng hộ của Berlin đối với đường ống Dòng chảy phương Bắc 2.

Về phần mình, Thủ tướng Merkel khẳng định Dự án Dòng chảy phương Bắc 2 “cần được hoàn tất do Đức và các nước châu Âu khác đều hưởng lợi”, do tất cả các bên đều muốn đa dạng hóa nguồn cung cấp khí đốt, để tránh bị phụ thuộc vào một nguồn nào đó và cũng không để bị động.

Còn nhớ, ngày 22/12/2019, trước sức ép từ bên ngoài, Matxcơva đã khẳng định lập trường về các dự án đường ống khí đốt; cho biết đã ấn định thời điểm tổ chức lễ khởi công Dự án đường ống dẫn khí đốt mang tên Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ, vào ngày 8/1/2020, bất chấp các lệnh trừng phạt của Mỹ. Truyền thông Nga dẫn lời Ngoại trưởng Sergey Lavrov nhấn mạnh các biện pháp trừng phạt của Mỹ sẽ khiến các nước châu Âu rơi vào thế khó đồng thời tái khẳng định cam kết của Matxcơva đối với những dự án này.

Tuyên bố được đánh giá là lập trường cứng rắn của Nga trong việc hoàn tất các dự án đường ống dẫn khí đốt đầy tham vọng với châu Âu và Thổ Nhĩ Kỳ. Cũng cần nhắc lại, Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 20/12/2019 đã ký dự luật bao gồm các lệnh trừng phạt pháp lý được áp đặt với các công ty đặt đường ống cho dự án Dòng chảy phương Bắc 2; trong khi dự án này được triển khai nhằm tăng gấp đôi dung tích khí đốt dọc đường ống Dòng chảy phương Bắc dẫn tới Đức.

Tiếp đó, ngày 26/12/2019, Tổng thống Nga Putin đã khẳng định rằng Nga có “tàu rải ống” để hoàn tất công trình lắp đường ống dẫn khí đốt “Dòng chảy phương Bắc 2” tới Đức- theo Reuters. Trước đó, Công ty Liên doanh Allseas giữa Thụy Sĩ và Hà Lan - chịu trách nhiệm rải đường ống bằng 2 tàu Pioneering Spirit và Solitaire - đã đình chỉ hoạt động để tránh các lệnh trừng phạt của Mỹ. Được biết, năm 2016, Tập đoàn Năng lượng khổng lồ Gazprom của Nga đã mua một tàu rải ống đặc biệt mang tên Viện sỹ Cherskiy làm phương án dự phòng, nếu các công ty châu Âu ngừng hoạt động trong dự án “Dòng chảy phương Bắc 2”.

Về phía Đức, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Tài chính Đức Olaf Scholz cho rằng những biện pháp trừng phạt từ bên ngoài là can thiệp nghiêm trọng vào công việc nội bộ của Đức và châu Âu cũng như chủ quyền của Đức; và Berlin “kiên quyết bác bỏ” việc cơ quan lập pháp Mỹ áp đặt trừng phạt đối với các doanh nghiệp liên quan đến Dự án đường ống dẫn khí đốt Dòng chảy phương Bắc 2 từ Nga sang châu Âu.

Dòng chảy phương Bắc là một dự án đường ống dẫn khí thiên nhiên xa bờ từ Vyborg (Nga) đến Greifswald (Đức); nó còn mang ý nghĩa rộng hơn bao gồm cả các đường ống cung cấp khí trên cạn ở Nga và xa hơn nữa là nối liền hệ thống này với Tây Âu. Dự án đường ống dẫn khí xa bờ gồm 2 đường ống song song, công suất truyền tải của mỗi đường ống là 27,5 tỷ mét khối mỗi năm. Đường kính của ống là 1.220 milimét.

Đường ống Dòng chảy phương Bắc 2 dự kiến nối Nga với Đức qua biển Baltic dài 1.200 km, có khả năng vận chuyển 55 tỷ m3 khí đốt từ Nga tới các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) thông qua Biển Baltic đến Đức, không đi qua lãnh thổ Ukraine đến châu Âu. Đây là dự án liên doanh giữa Tập đoàn Gazprom của Nga với 5 công ty của châu Âu. Đường ống này sẽ đi qua các vùng lãnh thổ và đặc quyền kinh tế của các quốc gia nằm ngoài khơi bờ biển Baltic - Nga, Phần Lan, Thụy Điển, Đan Mạch và Đức.

Thế Tuấn (Nguồn tham khảo: Reuters Sputnik)