Phụ nữ trên bàn nhậu
Nếu như xa xưa phụ nữ uống rượu là thiếu đoan trang, thì ngày nay trong những cuộc vui, người ta thích thú với cả việc ép phụ nữ uống rượu bia và việc một cô gái nào đó “trụ vững” trên bàn nhậu hoặc khiến cho những người đàn ông khác phải say đã trở thành thước đo đánh giá sự cá tính và phẩm chất hiện đại.
Cách đây vài năm, việc ủy ban nhân dân một địa phương ở Hà Tĩnh nhiều lần gửi công văn điều động giáo viên nữ tham gia phục vụ các dịp lễ lạt đã khiến dư luận cực kỳ bất bình. Thực chất đó là việc điều động cán bộ, giáo viên nữ tham gia phục vụ giống như “lễ tân” trong các cuộc liên hoan, ăn uống, nhậu nhẹt của các cán bộ địa phương. Những tờ báo hồi ấy đã dẫn lời một giáo viên mầm non: “Trong bữa tiệc, khi chén bia chén rượu vào, sẽ không tránh khỏi những hành động như ôm vai, bá cổ. Tỏ thái độ thì không được, sợ mất lòng quan khách; thậm chí là bị cấp trên phê bình gay gắt. Nhưng nếu dễ dãi quá sẽ bị lấn lướt, lợi dụng…”.
Đây chỉ là một trong những vụ việc bị vỡ lở. Thực tế thời gian qua không thiếu gì tình trạng các nhân viên nữ phải tham gia các cuộc nhậu nhẹt, tiếp khách cùng cấp trên. Hoặc đơn giản hơn là trên một bàn tiệc một nhóm bạn bè, đồng nghiệp tụ tập thì việc mời mọc tán thưởng phụ nữ cạn ly luôn là niềm phấn khích của tất cả những người có mặt.
Tình trạng này cũng khá phổ biến ở một số nước châu Á khác. Chẳng hạn ở Hàn Quốc, phụ nữ uống rượu là chuyện bình thường, thậm chí họ còn uống nhiều hơn đàn ông. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, “văn hóa nhậu” của Hàn Quốc cũng đã thay đổi. Theo thông tin trên một trang web về văn hóa Hàn Quốc thì nhiều giới trẻ văn phòng ở nước này hiện nay thay vì rủ nhau đi nhậu đã chuyển sang rủ nhau đi xem nhạc kịch hoặc chơi thể thao. Nhiều công ty đã phát tiền liên hoan để nhân viên tự đi chơi với bạn bè thay vì tổ chức nhậu, cũng như không còn việc tổ chức cho nhân viên đi hát karaoke để tránh tình trạng đồng nghiệp nữ bị lạm dụng… Nguyên nhân chính của việc thay đổi “văn hóa” nhậu ở Hàn Quốc có lẽ cũng được bắt đầu bằng việc xử phạt rất nặng hành vi lái xe sau khi uống rượu bia. Ví dụ chỉ cần một ly rượu soju, tương đương 0,03% nồng độ cồn là đã bị xử phạt, còn 0,08% nồng độ cồn là bị tước bằng lái.
Quay trở lại câu chuyện phụ nữ trên bàn nhậu. Có lẽ cũng không nên đánh giá việc phụ nữ sử dụng rượu bia là xấu. Việc uống rượu bia theo nhu cầu, đúng cách, đúng mực đảm bảo sức khỏe và không ảnh hưởng đến những người xung quanh, đến gia đình và xã hội thì hoàn toàn không có việc gì phải chê trách. Tuy nhiên cung cách đối xử với phụ nữ trên bàn nhậu thời gian qua ở không ít nơi, ít chỗ thì lại có nhiều điều đáng bàn. Ví dụ như coi nhân viên nữ cấp dưới có vai trò “tiếp khách”, buộc phải chạm ly, phải uống cạn, phải “động chạm” và tạo cảm hứng cho những người đàn ông trên bàn nhậu. Ví dụ việc ép bạn bè, đồng nghiệp có mặt trên bàn tiệc uống rượu bia, phấn khích khi họ khiến người khác say, khích bác để tất cả cùng uống đến say mềm… Những thứ “văn hóa” như vậy rất phản cảm, thực chất tuy bề ngoài có vẻ tán dương những người phụ nữ hiện đại biết uống rượu, dám sống hết mình nhưng về bản chất là rất bất bình đẳng giới khi thực ra những người trên bàn nhậu coi phụ nữ uống rượu chỉ để đem lại sự vui vẻ và cảm hứng cho họ…
Thường thì khi nói đến sử dụng rượu bia, đến nhậu nhẹt người ta hay đổ dồn cho đàn ông. Tuy nhiên, khi nghĩ đến việc cần phải thay đổi “văn hóa” sử dụng rượu bia, thì chính không ít phụ nữ cũng nên tự nhìn nhận lại. Từ chối việc bị ép uống rượu, không để bị lợi dụng trở thành trò vui trên bàn tiệc, hoặc cùng vào hùa uống đến say mèm (rồi rất có thể sau đó cũng tự điều khiển phương tiện giao thông hoặc chẳng ngại ngần ngồi sau một người khác cũng đang say mèm)… là việc chị em nên phải ý thức được.