Tết sẻ chia, xuân ấm áp
Tết đã đến rất gần. Nhìn đâu cũng thấy chộn rộn. Háo hức đợi Tết cũng có, mà lo âu cũng có. Làm sao để mọi người đều có Tết, đều vui mấy ngày xuân nói tưởng dễ mà không dễ. Vì nhiều cảnh đời lắm, nào ai cũng may mắn như ai. Vì thế thật ấm lòng với những tình cảm sẻ chia, “thương người như thể thương thân”. Mới đây, được biết một bệnh viện tổ chức phiên chợ “0” đồng cho bệnh nhân; một cô giáo vùng cao rao bán nông sản góp tiền cho học sinh nghèo- chợt thấy lòng ấm áp.
Phiên chợ “0” đồng của Bệnh viện Thủ Đức.
Chợ họp ngay trong khuôn viên Bệnh viện quận Thủ Đức (TP Hồ Chí Minh). Khách hàng gồm những bệnh nhân có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Họ đi chợ không cần tiền bởi nơi đây là chợ “0” đồng. Mới nghe, tưởng lại giống như cái tour du lịch “0” đồng lành ít dữ nhiều. Nhưng không phải thế, mà thực sự vì bệnh nhân, sẻ chia mà không cầu lợi.
Đến chợ, bệnh nhân có thể tìm cho mình những món hàng ưng ý, không mất tiền. Thật đáng quý đây là năm thứ 5 mỗi khi giáp tết Bệnh viện lại tổ chức phiên chợ nghĩa tình này. Phiên chợ “0” đồng năm nay có 40 gian hàng với rất nhiều mặt hàng được bày “bán” ở mức “0” đồng. Trong số 40 gian hàng đó, có những gian hàng thu tiền bằng hình thức phiếu mua hàng. Mỗi bệnh nhân được cấp 7 phiếu để chọn cho mình 7 món hàng tại quầy hàng trả bằng phiếu. Chợ gần như đủ các mặt hàng giúp người mua có một cái Tết nho nhỏ, gồm bánh kẹo, mứt, gia vị, mì ăn liền, gạo, nếp, nước ngọt, sữa, trái cây, quần áo, chăn mền... Tổng số hàng hóa của chợ lên tới gần 500 triệu đồng. Để có số tiền này, Bệnh viện đã kêu gọi và nhận được sự hổ trợ từ các nhà hảo tâm, các Mạnh thường quân và đương nhiên là có sự đóng góp của. cán bộ, nhân viên, y bác sĩ của chính bệnh viện.
Đó là câu chuyện ở TP Hồ Chí Minh, còn câu chuyện ở miền núi phía Bắc cũng rất xúc động. 15 năm là giáo viên mầm non ở huyện miền núi Văn Chấn (tỉnh Yên Bái), cô giáo Đỗ Thuỳ Quyên đã có 7 năm gắn bó với những em bé người Mông ở Trường Mầm non Suối Giàng. Ai đã từng một lần tới Yên Chấn cũng đều cảm nhận hết sức khó khăn, từ đường đi lối lại cho tới miếng cơm manh áo thường ngày. Hơn ai hết, cô Quyên thấm thía điều đó. Vì thế cô đã lập ra quỹ “Nông sản sạch - cùng bé đến trường”, đã được hơn một năm. Số tiền có được dùng để cải thiện bữa ăn cho những đứa trẻ, trích một phần giúp đỡ trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, mắc bệnh hiểm nghèo ở địa phương. Được biết, nhóm gây quỹ có 8 cô giáo ở các tỉnh thành khác nhau, là đầu mối ở địa phương đó, nhận hàng và giao hàng cho mọi người. Sản phẩm gồm nhiều mặt hàng là đặc sản địa phương như cốm, táo mèo khô, măng khô, gạo nếp cẩm, khoai sọ, mật ong… Tết này, nhiều cháu bé sẽ vui hơn khi có quà từ chính tay các cô giáo.
Xã hội còn nhiều điều bất ổn, khi mà nhiều giá trị tưởng như vĩnh cửu bị đảo lộn, xô lệch. Thói vô cảm không phải ít khi nhiều người ngoảnh mặt trước sự bất hạnh của người khác. Người ta nói rằng, đó là sự xuống cấp của đạo đức xã hội. Và rồi không ít người đã mất niềm tin vào những gì cao đẹp, nhân ái.
Nhưng, như ai đó nói, làm việc tốt thì không kể công. Xã hội vẫn có rất nhiều người lặng lẽ làm điều thiện, làm điều tốt, lặng lẽ sẻ chia. Đó là những đốm lửa ấm áp nghĩa tình, những đốm lửa thắp sáng niềm tin để lay động con người, hướng thiện, vì cộng đồng.
Tết năm nay đến sớm. Việc chuẩn bị tết vì thế cũng gấp gáp hơn. Những chuyến hàng bình ổn giá đã về các địa phương. Những tổ chức, đơn vị, cá nhân đứng ra quyên góp để giúp đỡ người nghèo xuất hiện ngày một nhiều hơn. Điều tốt đã lan tỏa. Những đốm lửa tạo thành ngọn lửa, ngọn lửa của tình người.
Viết tới đây, lại chạnh lòng với tiếng than vãn của những bà nội trợ. Rằng, càng gần tết lại càng lo hàng tăng giá. Không ít người đã nhân cơ hội tết để thủ lợi, theo kiểu “mài dao quanh năm chặt chém một tuần”. Đành rằng làm ăn phải có lợi, phải biết tranh thủ thời điểm, nhưng mà việc đua nhau lên giá, neo giá cao ngất ngưởng thì không thể nói đó là hành vi vì cộng đồng. Họ nghĩ gì khi nhìn vào những bác sĩ đi quyên góp mọi nơi để có hàng hóa mở phiên chợ “0” đồng lo tết cho bệnh nhân nghèo? Họ nghĩ gì khi một cô giáo mầm non ở tận nơi rừng sâu núi thẳm gom từng chút, từng chút nông sản lo bữa ăn cho những đứa trẻ nghèo?
Hãy làm một việc gì đó, dù rất nhỏ để chúng ta có một cái tết san sẻ, một mùa xuân ấm áp không chỉ với riêng ta mà với tất cả mọi người. Nhất là với người nghèo, người yếu thế, những đứa trẻ được không may mắn như chính con em chúng ta…