Sinh viên làm thêm
San sẻ bớt gánh nặng với gia đình người thân bằng cách đi làm thêm, trong đó có việc chạy xe ôm truyền thống hoặc trở thành tài xế công nghệ… là nhu cầu chính đáng của các em. Song nếu để việc này chiếm hết quỹ thời gian rảnh, thậm chí ảnh hưởng đến việc học tập ở trên lớp thì không thể được khuyến khích.
Theo Ủy ban An toàn giao thông quốc gia (UBATGTQG), hiện có hơn 300.000 tài xế công nghệ, trong đó số lượng tài xế là sinh viên khá lớn do việc này cơ động về thời gian, thủ tục để đăng ký cũng dễ. Sinh viên chỉ cần có bằng lái xe, đăng ký xe máy (không yêu cầu chính chủ) và thẻ sinh viên còn hiệu lực là có thể dễ dàng đăng ký và trở thành tài xế xe ôm công nghệ. Thu nhập trung bình nếu làm từ 8 tiếng ngày, 6 ngày/tuần là từ 8 triệu đến 10 triệu đồng/ tháng, chạy bán thời gian trung bình khoảng 4 tiếng/ ngày có thu nhập trung bình 4 triệu/thàng; ngoài ra còn có các chương trình thưởng tuần, tháng đối với các tài xế có năng suất cao… Tuy nhiên, nếu chạy liên tục mỗi ngày và với thời gian nhiều tiếng 1 ngày chắc chắn sẽ ảnh hưởng lớn đến kết quả học tập, tác động tiêu cực đến sự phát triển bản thân và chất lượng nguồn nhân lực trình độ cao theo định hướng phát triển kinh tế tri thức.
Trước tình trạng này, vừa qua Văn phòng Chính phủ truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình về ảnh hưởng của các ứng dụng kết nối kinh doanh vận tải (ứng dụng gọi xe) đến hoạt động học tập của sinh viên. Theo đó, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình yêu cầu Bộ GTVT, Bộ GDĐT cùng các bộ, ngành, địa phương xem xét bổ sung quy định pháp luật về quản lý việc làm thêm của sinh viên khi tham gia làm tài xế xe ôm công nghệ và các công việc khác.
Văn bản cũng nêu rõ, các bộ, ngành phải khuyến khích doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ gọi xe công nghệ chủ động giảm thời gian làm việc của lao động là sinh viên. Các trường ĐH, CĐ… cũng được yêu cầu phải nghiên cứu biện pháp quản lý, vận động sinh viên làm thêm với thời lượng hợp lý để bảo đảm sức khỏe học tập và nghiên cứu.
Ngoài ra, còn một lượng lớn các sinh viên khác chọn nghề xe ôm tự do để kiếm thêm thu nhập, thậm chí trở thành công việc chính đem lại thu nhập trang trải chi phí tiền nhà, tiền học… của các em khi mức phí sinh hoạt ở các thành phố lớn đắt đỏ… San sẻ bớt gánh nặng với gia đình người thân bằng cách đi làm thêm, trong đó có việc chạy xe ôm truyền thống hoặc trở thành tài xế công nghệ… là nhu cầu chính đáng của các em. Song nếu để việc này chiếm hết quỹ thời gian rảnh, thậm chí ảnh hưởng đến việc học tập ở trên lớp thì không thể được khuyến khích. Trước khi có những quy định, chế tài đối với việc sinh viên đi làm thêm, từ phía nhà trường cần có những buổi tuyên truyền, chia sẻ để sinh viên hiểu rõ hơn về các lựa chọn mình, học cách sắp xếp, phân bổ thời gian công việc cho hợp lý… Các tổ chức đoàn, hội cũng cần tăng cường trao đổi, giao lưu, đối thoại với sinh viên để có những định hướng đúng đắn cho những người trẻ bắt đầu chập chững bước vào đời.