Ảo cũng phải theo luật

Ngọc Anh 15/01/2020 08:00

Liên tiếp trong những ngày đầu tháng 1, nhiều chủ tài khoản Facebook đã bị cơ quan an ninh triệu tập, xử phạt hành chính về việc tung tin thất thiệt hoặc đăng tải thông tin xuyên tạc. Càng ngày càng thấy việc sử dụng mạng xã hội bắt buộc phải tuân thủ đúng luật pháp và có trách nhiệm với cộng đồng.

Ảo cũng phải theo luật

Tin xấu trên mạng “ảo” nhưng tạo ra mối nguy thật.

Một chủ tài khoản ở Cần Thơ bị bắt về hành vi lợi dụng quyền tự do ngôn luận để đăng tải trên mạng xã hội nhiều bài viết, hình ảnh mang tính chất xuyên tạc, làm mất uy tín cơ quan nhà nước và lực lượng vũ trang đang thi hành công vụ tại xã Đồng Tâm (huyện Mỹ Đức, TP Hà Nội). Một chủ tài khoản trang facebook cá nhân ở Bình Dương tung tin máy bay rơi vừa bị xử phạt 12 triệu đồng. Một người sử dụng facebook ở Nghệ An bị triệu tập vì tung tin sai sự thật lên mạng xã hội, gây hoang mang dư luận... Đó chỉ là 3 trong số những trường hợp bị xử lý ngay đầu năm này. Thực ra, đến giờ này thì mạng xã hội với đời thực cũng không còn khoảng cách nữa rồi. Cũng như đời thực, mỗi tài khoản về bản chất mang ý nghĩa riêng tư, người ta phải có trách nhiệm với phát ngôn và hành vi của mình. Nhưng chỗ này thì mạng xã hội khác với đời thực: Ở bên ngoài bạn nói gì đó thì nó cũng chỉ đến được với một số ít người, nếu bạn không phải là người nổi tiếng. Còn ở trên mạng xã hội, một ý kiến cá nhân cũng có thể lan rất rộng, như đã nói ở trên, tìm đến những người đồng quan điểm rất dễ và trong nhiều trường hợp, một tài khoản bình thường cũng có thể gây lên ảnh hưởng lớn, ý kiến cá nhân có thể lan rộng, thậm chí phi biên giới, và tiếp cận cả những đối tượng không hề liên quan. Không chỉ phát ngôn của những người nổi tiếng mới được nhiều người quan tâm mà thực tế cho thấy nhiều thông tin từ một tài khoản thông thường cũng có thể gây sốc. Và điều này đang khiến cho những quan điểm lệch lạc, sai trái lan truyền rất nhanh.

Mạng xã hội đang là công cụ hiệu quả giúp mỗi cá nhân đạt được rất nhiều mục đích khác nhau, và các cá nhân thời đại 4.0 cũng không thể bỏ qua cơ hội làm thương hiệu trên mạng xã hội. Và đương nhiên, khi nó đã là công cụ để mỗi người đạt được những mục đích nhất định, thì nó có những mục đích tốt và những mục đích xấu, giống y như ngoài đời thực. Đã xuất hiện không ít trang cá nhân trên mạng xã hội được sử dụng vào những mục đích khác.

Mạng xã hội là công cụ hữu hiệu để chuyển tải thông tin và bày tỏ quan điểm cá nhân. Tuy nhiên đón nhận một cách tích cực, sử dụng nó như thế nào lại là việc khác. Thời đại ngày nay chỉ cần viết vài dòng giật gân trên mạng xã hội, một tài khoản có thể đã nhận được hàng ngàn lượt chia sẻ, hàng triệu lượt like. Cho nên không thể hồn nhiên tham gia face book mà khi tham gia vào mạng xã hội mỗi cá nhân phải có trách nhiệm trước thông tin của mình. Chúng ta phải nói rằng bất kể là ai ở trên mạng xã hội cũng đều xứng đáng được tôn trọng như nhau. Vì thế khi chúng ta tham gia vào một không gian xã hội rộng lớn thì sự tổn thương nếu có, cũng được chia đều như nhau. Những “gót chân Achille” là phần bất ổn mà chúng ta phải đối mặt ở trong thời buổi hiện đại mà rất dễ bị tổn thương này. Chỉ khác nhau chăng là cách thức chúng ta thể hiện. Mạng xã hội là công cụ phục vụ cho con người, nó phải làm cho người trở nên hạnh phúc, văn minh hơn. Đừng biến nó thành công cụ để phục vụ cho những mục đích xấu.

Hiển nhiên, mọi quốc gia trên thế giới đều đảm bảo quyền tự do ngôn luận của công dân nhưng cũng với mọi quốc gia không có quyền hạn nào là vô hạn, là không đặt trong khuôn khổ luật pháp quốc gia. Mạng xã hội cũng vậy. Mọi hành xử ở đó, mỗi câu mỗi chữ đều phải và nên được đặt trong một ràng buộc đạo đức và luật pháp chung của cả cộng đồng. Đã là xã hội chắc chắn có cả mặt tốt và mặt xấu. Và luật pháp ra đời là để điều chỉnh hành vi của con người trong xã hội. Khi đã xuất hiện thêm một không gian xã hội là mạng internet (dù là ảo) thì phải có pháp luật và những qui tắc ứng xử để điều chỉnh. Việc tung tin thất thiệt, xuyên tạc sự thật làm nhiễu loạn xã hội phải bị xử lý.

Ngọc Anh