Xử vụ án trường Gateway: Hồi chuông cảnh tỉnh đối với ngành giáo dục
Ngày 14/1, TAND quận Cầu Giấy xét xử sơ thẩm các bị cáo trong vụ án một bé trai bị bỏ quên trên xe ô tô dẫn đến tử vong, xảy ra tại trường quốc tế Gateway Hà Nội. Trong phần luận tội, đại diện Viện Kiểm sát giữ quyền công tố tại tòa khẳng định: Hành vi của các bị cáo đã tước đi quyền được sống của nạn nhân. Vụ án này là hồi chuông cảnh tỉnh cho toàn ngành giáo dục trong việc đảm bảo an toàn cho học sinh.
Các bị cáo tại phiên xét xử.
Cả hai bị cáo đều “trốn” tập huấn?
Trong phần thẩm vấn, lời khai của các bị cáo cho thấy nguyên nhân khiến cháu Lê Hoàng Long chết bắt nguồn từ một chuỗi sự vô trách nhiệm của các bị cáo. Tại tòa, lời khai của tài xế Doãn Quý Phiến cũng như người đưa đón học sinh Nguyễn Bích Quy đã không tham gia tập huấn nghiệp vụ đưa đón học sinh. Theo lời khai của Phó GĐ Công ty Ngân Hà, đơn vị đã thông báo cho cả bị cáo Doãn Quý Phiến và Nguyễn Bích Quy đi tập huấn (bằng cả gọi điện thoại và nhắn tin) nhưng hai bị cáo này không đi tập huấn với lý do gia đình có việc. Đó chính là lý do các bị cáo không thực hiện đầy đủ quy trình đảm bảo an toàn cho học sinh.
Trong phần luận tội, đại diện VKS giữ quyền công tố cũng khẳng định, các bị cáo Doãn Quý Phiến, Nguyễn Bích Quy và Nguyễn Thị Thủy đều thiếu trách nhiệm dẫn đến cái chết đau lòng của cháu Lê Hoàng Long. Cụ thể, bị cáo Phiến đã không kiểm tra xe đầy đủ theo quy định dẫn đến việc cháu Long ngủ quên trên xe mà không biết, khóa cửa bỏ quên cháu suốt từ sáng đến chiều dẫn đến tử vong. Còn bị cáo Nguyễn Bích Quy thì không kiểm đếm học sinh khi bàn giao cho nhà trường. Bị cáo Nguyễn Thị Thủy với vai trò là giáo viên chủ nhiệm nhưng khi phát hiện cháu Long nghỉ học không có lý do lại không cập nhật lên phầm mềm của nhà trường, cũng không thông báo cho gia đình để kịp thời tìm cháu Long tránh được sự việc đau lòng xảy ra.
Theo lời khai của bị cáo Thủy, đầu năm học bị cáo có được tập huấn về sổ tay điện tử của giáo viên và thực hành phần mềm Sycamore. Bị cáo cũng được nhà trường giao máy tính xách tay để sử dụng phần quản lý học sinh và được tạo tài khoản quản lý Sycamore. Tuy nhiên bị cáo thừa nhận không thành thạo sử dụng phần mềm này. Do vậy, ngày 6/8, bị cáo Thủy điểm danh thấy cháu Long nghỉ học không lý do nhưng không ghi sĩ số thiếu lên bảng và cũng không cập nhật vào phần mềm. “Theo quy định, học sinh nghỉ học không phép thì giáo viên chủ nhiệm phải liên hệ với gia đình, nhưng hôm đó bị cáo có nhiều việc nên đã không báo cho gia đình học sinh Lê Hoàng Long...”- bị cáo Thủy khai.
Các bị cáo tước đi quyền sống của nạn nhân
Đại diện VKS giữ quyền công tố tại tòa nêu quan điểm: Căn cứ kết quả xét hỏi tại phiên tòa, lời khai của các bị cáo và chứng cứ thu thập được xác định các bị cáo bị truy tố, xét xử đúng người, đúng tội. Theo quan điểm của công tố viên, bị cáo Nguyễn Bích Quy đã cẩu thả trong quản lý học sinh, tài xế Phiến cẩu thả trong kiểm tra khoang hành khách dẫn đến cháu Long bị bỏ quên và tử vong. Bị cáo Thủy thiếu trách nhiệm khi kiểm tra thiếu học sinh không thông báo cho gia đình. Hành vi của các bị cáo dẫn đến cháu Long bị bỏ quên và tử vong trên xe đưa đón. Lời khai của bị cáo Quy tại phiên tòa phù hợp với lời khai tại CQĐT và sự việc xảy ra ngày 6/8. Theo đó, cơ quan công tố đề nghị tuyên bị cáo Nguyễn Bích Quy 20-24 tháng tù về tội vô ý làm chết người.
Bị cáo Thủy đã ký kết hợp đồng lao động và được phân công chủ nhiệm lớp 1 Tokyo. Nhiệm vụ của giáo viên chủ nhiệm được quy định rõ, có trách nhiệm điểm danh đầu buổi học và trao đổi với phụ huynh khi học sinh bị bệnh hay nghỉ học qua phần mềm. Bản thân bị cáo Thủy được tập huấn công tác chủ nhiệm nhưng thực hiện không đầy đủ, không kịp thời liên hệ với phụ huynh. Hành vi 3 bị cáo thực hiện độc lập, mỗi hành vi đều có khả năng phát sinh hậu quả xảy ra. Cháu Long tử vong phát sinh từ việc bị cáo Quy bỏ quên trên xe, tài xế tin tưởng người giám sát. Cuối cùng, hành vi bị cáo Thủy khi điểm danh thấy thiếu không liên lạc với gia đình, không báo nhà trường dẫn đến không phát hiện kịp thời. Theo đó, công tố viên đề nghị tuyên bị cáo Thủy 12-15 tháng tù về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng, bị cáo Doãn Quý Phiến 15-18 tháng tù về tội vô ý làm chết người.
Đại diện VKS nhấn mạnh: “Hành vi của các bị cáo đã xâm phạm quyền sống của cháu Long, đây là quyền thiêng liêng nhất của con người. Hậu quả vụ việc cũng chấm dứt mọi ước mơ, hoài bão của cháu khi mới ngày thứ hai bước chân đến trường… Đối với ngành giáo dục, đây là sự việc hy hữu, bị hại là trẻ em được quan tâm đặc biệt nên ảnh hưởng không nhỏ đến uy tín của ngành. Đây cũng là tiếng chuông cảnh tỉnh đến toàn ngành trong công tác quản lý, đặc biệt là việc đưa đón trẻ đến trường…”