Khi Vingroup rời cuộc đua bầu trời
Ngày 14/1, Vingroup chính thức rút khỏi lĩnh vực kinh doanh vận tải hàng không. Như vậy là sau gần nửa năm đệ đơn xin phép thành lập Hãng hàng không Vinpearl Air, Vingroup đã chính thức rời khỏi cuộc đua đắt giá.
“Đây là bước đi nhất quán trong việc tập trung tối đa nguồn lực cho mục tiêu chiến lược là công nghệ và công nghiệp” - thông cáo của Vingroup. Trước đó, ngày 25/7/2019, Tập đoàn Vingroup công bố hợp tác với Tập đoàn ACE (Canada) trong việc đào tạo phi công, kỹ thuật bay và các nhân sự khác trong lĩnh vực hàng không nhằm cung cấp nguồn lực kỹ thuật cao cho Việt Nam và nước ngoài. Vingroup cũng đồng thời xúc tiến các thủ tục để thành lập Hãng Vinpearl Air.
Còn nhớ, hồi tháng 12-2019, Vingroup đã rút khỏi mảng bán lẻ. Như vậy có thể thấy, cùng với việc rút khỏi “cuộc đua bầu trời”, Vingroup đang chuyển hướng đầu tư. Việc Vingroup rút lui lần này là sự bất ngờ, bởi từ lâu nay tập đoàn này có tiếng là kinh doanh bài bản, khi lấn sân sang một lĩnh vực mới đều có nghiên cứu khá kỹ trước khi quyết định. Tuy nhiên, nói như ông Đinh Việt Thắng - Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam thì Vinpearl Air đang làm thủ tục xin chủ trương đầu tư với Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Sau khi có chủ trương đầu tư mới chuyển sang làm giấy phép kinh doanh vận tải, khi đó mới đến lượt Cục Hàng không Việt Nam xem xét. Và “Vinpearl Air chưa tham gia thị trường nên chưa đánh giá được tác động của việc xin rút”. Ông Thắng cũng không quên nói rằng thị trường hàng không mặc dù còn có nhiều khó khăn nhưng cũng có nhiều yếu tố kinh doanh tốt.
Còn theo PGS.TS Nguyễn Thiện Tống - nguyên Chủ nhiệm Bộ môn Kỹ thuật hàng không, Trường Đại học Bách khoa TP Hồ Chí Minh thì trong trường hợp Vinpearl Air gia nhập thị trường cũng chỉ là miếng bánh được phân chia lại giữa các hãng chứ chưa có gì mới.
Để kết lại, xin được nêu 2 việc. Thứ nhất, tính đến nay, thị trường hàng không nội có sự tham gia của 5 hãng hàng không gồm Vietnam Airlines, Viejet, Jetstar, Vasco và Bamboo Airways. Nếu như Vinpearl Air vừa rút thì còn 2 hãng hàng không đang xin cấp phép gồm Hãng hàng không lữ hành Việt Nam (Viettravel Air) và Hãng hàng không Cánh Diều (Kite Air). Thứ hai, theo số liệu của Cục Hàng không Việt Nam, tổng số chuyến bay bị chậm, hủy chuyến trong cả năm 2019 của các hãng hàng không Việt Nam là hơn 45.000 chuyến bay, tăng 0,25% so với năm 2018.