Biết rồi, vẫn phải nói
Đó là vấn đề ô nhiễm không khí (ONKK). Tại tọa đàm “Tổn thất kinh tế của ONKK và các chính sách giảm thiểu ô nhiễm” do Trường ĐH Kinh tế quốc dân tổ chức mới đây, một con số được đưa ra thật giật mình: Trong 10 bệnh có tỷ lệ tử vong cao nhất tại Việt Nam thì có 6 bệnh liên quan đến đường hô hấp nguyên nhân từ ONKH và chất lượng không khí. Ô nhiễm không khí còn gây thiệt hại về kinh tế khoảng 10 tỷ USD mỗi năm (chiếm từ 5 - 7% GDP).
Người Hà Nội đang “sống chung” với bầu không khí ô nhiễm. Ảnh: Di Linh.
Ô nhiễm môi trường nói chung và ONKK nói riêng trên thực tế đã là “vấn nạn”. Nhiều hội nghị, hội thảo về vấn đề này diễn ra trong suốt nhiều năm. Dư luận cũng như công luận cũng nói rất nhiều. Riêng về ONKK, trong suốt năm 2019, dư luận đã rất bức xúc và lo ngại. Nhất là khi một tổ chức quốc tế xếp hạng Hà Nội của Việt Nam là 1 trong những thành phố ONKH hàng đầu thế giới. Ngay sau đó, nhà chức trách đã lên tiếng giải thích, nhưng nỗi lo thì vẫn còn đó.
Trong suốt năm qua và trong nửa đầu tháng 1 của năm mới 2020 này, tình trạng ONKK của Hà Nội lại một lần nữa được báo động. Chất lượng không khí có nơi ở mức đỏ, có nơi ở mức tím- đều ảnh hưởng tới sức khỏe con người cả. Tết đã đến gần, không khí lại ở mức ô nhiễm, lại thêm một mối lo toan.
Trong cuốn “Số đỏ”, nhà văn kỳ tài Vũ Trọng Phụng từng “cá thể hóa” nhân vật cụ cố Hồng bằng câu: “Biết rồi! Khổ lắm! Nói mãi”. Câu chuyện kể từ năm 1936 khi “Hà Nội báo” khởi đăng “Số đỏ” cho đến nay đã gần cả trăm năm thì câu nói đó vẫn còn. Chí ít là trong việc ONKK. Đúng là biết, rồi, nói mãi. Nhưng đáng tiếc là vẫn thế.
Cũng thật đáng nói là trước đây, khi nói đến ONKK, người ta chỉ lo tác hại xấu tới sức khỏe. Đúng thôi, vì đó là nỗi lo thường trực của mỗi người, nhất là khi cơ quan Y tế khuyến cáo ra đường nên đeo khẩu trang. Mà lại phải là loại khẩu trang gì nữa kia thì mới có thể chống chọi lại được với bụi mịn. Nhưng nay, với con số hơn 10 tỷ USD thiệt hại của nền kinh tế mỗi năm, thì lập tức hiện ra một mỗi nguy hại tiềm tàng khác. Sức khỏe cộng với kinh tế, tưởng rằng những hạt bụi mịn nhỏ li ti mà mắt người không trông thấy được ấy thế mà lại gây hại đến mức ấy.
Thế thì, biết rồi, vẫn phải nói.
Còn nhớ, cơ quan chức năng của Hà Nội từng đưa ra tới hơn 10 nguyên nhân dẫn tới ONKK thủ đô. Thì nguyên nhân nào cũng có cả. Nhưng còn “hành động của chúng ta”thì sao? Dư luận từng ồn lên khi một vị quan chức nói rằng trời mưa xuống sẽ làm bầu không khí Hà Nội sạch. Ô hay, chúng ta chỉ còn biết “đợi Trời” hay sao? Còn nhớ, trong những năm đầu đổi mới (cuối những năm 80 của thế kỷ trước), một vị lãnh đạo cấp cao đã nói: Hãy tự cứu mình trước khi Trời cứu! Câu nói đó được mọi người nhắc tới mãi cho đến tận bây giờ.
Tại TPHCM, cũng chuyện ONKK, lại có vị quan chức cho rằng nguyên nhân là do khói từ những đám cháy rừng tít tận bên Indonesia bay sang. Nhưng rồi ngay lập tức, gặp phải phản ứng. Người ta phản ứng là vì nếu xác định nguyên nhân sai thì không bao giờ có thể có cách giải quyết đúng, và tình hình sẽ chỉ ngày một trầm trọng thêm.
Trở lại với cuộc hội thảo rất ý nghĩa do Trường ĐH Kinh tế quốc dân tổ chức, PGS.TS Bùi Đức Thọ cho rằng mặc dù nhận thức được sự nghiêm trọng và đề xuất một số giải pháp để kiểm soát ONKK nhưng nhìn chung việc quản lý ONKK vẫn còn bất cập, chưa được giải quyết triệt để. Còn theo GS.TS Trần Thọ Đạt, ONKK chủ yếu do hoạt động kinh tế của con người gây ra, nên để giảm thiểu một cách hiệu quả thì chính sách kinh tế rất quan trọng. Chỉ khi nào bài toán của chúng ta tiệm cận đến mức độ chính xác thì đề xuất chính sách mới đạt hiệu quả.
Như vậy là ONKK không còn là chuyện “trời ơi đất hỡi” nữa, mà chính là vấn đề kinh tế, từ đó rộng là vấn đề xã hội. 10 tỷ USD mỗi năm “bay hơi” thì không phải chuyện đùa. Nói tóm lại, nếu nguyên nhân từ kinh tế thì phải có giải pháp từ kinh tế, phạt nặng những cơ sở gây ô nhiễm để bù lại những gì tổn hại. Chế tài kinh tế phải thật mạnh, thật nặng chứ không thể chỉ kêu gọi, vận động, tuyên truyền. Nếu không, mọi chuyện đâu vẫn hoàn đó, tham luận dù rất tâm huyết đi chăng nữa tại các hội thảo, cũng chỉ lại đóng kỷ yếu. Nên, biết rồi, vẫn phải nói là vậy.