Quyền cho người chuyển giới: Cần được pháp luật bảo vệ
Do chưa có khung pháp luật chính thức quy định hoạt động cung cấp và sử dụng dịch vụ nội tiết tố (hormone) và phẫu thuật chuyển đổi giới tính, nên việc thực hiện một trong những quyền cơ bản nhất của con người - quyền được sống khỏe mạnh của người chuyển giới ở Việt Nam còn gặp nhiều khó khăn.
Trên thực tế, một nghiên cứu gần đây chỉ ra rằng, các rào cản về mặt xã hội, văn hóa và pháp lý đang đặt người chuyển giới trở thành nhóm dễ bị tổn thương. Họ bị kỳ thị và phân biệt đối xử ở cộng đồng và trong chính gia đình mình. Cơ hội tiếp cận việc làm và y tế của họ cũng bị giới hạn. Trong khi các dịch vụ y tế, pháp lý và xã hội cho người dân nói chung đang ngày càng được cải thiện, thì dịch vụ cho người chuyển giới hầu như không có. Mặc dù Bộ Luật Dân sự sửa đổi năm 2015 đã thừa nhận quyền của người chuyển đổi giới tính, nhưng đến nay chưa có văn bản quy phạm pháp luật, chưa có các quy định cụ thể về các quyền ở các lĩnh vực khác nhau của người chuyển đổi giới tính. Chính vì vậy dù hệ thống y tế đã đầy đủ xong vì không được pháp luật bảo vệ nên người chuyển giới phải tìm đến dịch vụ làm “chui”.
Tại Hội thảo “Thực trạng và giải pháp chính sách về quyền con người” do Liên hiệp Các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam tổ chức mới đây, theo TS Phạm Nguyên Hà, thành viên nhóm nghiên cứu các nguy cơ về sức khỏe với người chuyển giới, Trung tâm Thông tin Tổ chức phi chính phủ (NG)-IC), đối với người chuyển giới, việc sử dụng thuốc nội tiết tố là bắt buộc và phải dùng hết đời. Trong khi đó theo thống kê hiện có khoảng 290.000 - 480.000 người chuyển giới. Do đó Nhà nước cần sớm ban hành Luật Chuyển đổi giới tính để có cơ sở pháp lý cho việc cung cấp các dịch vụ can thiệp y học chuyển đổi giới tính một cách an toàn cho người chuyển giới ở Việt Nam. Người chuyển giới cần tìm hiểu một cách chính thống từ các cơ sở y tế và chuyên gia có đủ năng lực và được pháp luật thừa nhận, để có một quyết định đúng đắn trước khi sử dụng các can thiệp y học.
Trước ý kiến của các đại biểu, tại Hội thảo, TS Đinh Thị Thu Thuỷ, Vụ Pháp chế, Bộ Y tế chia sẻ: Dự thảo Luật Chuyển đổi giới tính gồm 5 chương, 25 điều trong đó quy định điều kiện đối với người đề nghị chuyển đổi giới tính cụ thể. Theo đó người đã thực hiện can thiệp chuyển đổi giới tính có quyền được công nhận đã can thiệp y học để chuyển đổi giới tính, giấy công nhận này do bệnh viện cấp. Giấy công nhận đã can thiệp y học để chuyển đổi giới tính là căn cứ để đăng ký thay đổi hộ tịch. Sau khi thay đổi hộ tịch, giấy tờ hộ tịch là căn cứ để thay đổi các giấy tờ pháp lý có liên quan.